Quốc tổ Hùng Vương trong tâm tưởng người Dao tỉnh Phú Thọ

10:04, 09/04/2022
(LĐ online) - Đền Hùng - nơi thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam . Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, bảo vệ, hương khói thờ Đức Quốc Tổ. Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội văn hóa lớn của các dân tộc và chính thức trở thành Quốc Lễ. Mỗi người dân Việt Nam nhớ về ngày giỗ Tổ qua câu ca:
 
‘Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba’
 
Câu ca ấy như tiếng chim gọi đàn khơi dậy trong tâm hồn mỗi người dân Đất Việt những tình cảm thiêng liêng hướng về cội nguồn, tri ân công đức Tổ tiên. Nét đẹp đó đã trở thành truyền thống, đạo lý và ngày càng tỏa rạng.
 
Người Dao ở Phú Thọ nói riêng và dân tộc Dao nói chung không sinh ra từ “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ mà  được sinh ra từ một “quả bầu” với truyền thuyết Bàn Cổ sinh ra muôn loài. Truyền thuyết người Dao kể rằng: Bàn Cổ là bậc chân nhân, là hình tượng thần tối cao, tối trọng của người Dao. Người Dao tôn thờ Bàn Cổ bởi quan niệm Thiên nhân tương ứng, thiên địa vạn vật đồng nhất thể. 
 
Theo truyền thuyết: Người Dao ở Phú Thọ vốn xuất xứ từ tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc. Do những yếu tố biến động của xã hội nên đã thiên di vào Việt Nam từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX. Họ đi theo đường biên qua Móng Cái (Quảng Ninh) rồi theo đường thủy ngược dòng sông Thao đến vùng đất Việt Trì tụ lại sinh sống. Song do quen tập quán du canh du cư, họ tiếp tục lần theo sông Thao, sông Đà, sông Lô ngược lên Thanh Sơn, Yên Lập, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái lập nghiệp, sinh sống rồi định cư. Qua các tài liệu dân tộc học, văn hóa văn nghệ dân gian, đặc biệt là các bài văn cúng, các bài chèo (múa vượt biển) trong tết nhảy, làm chay, lập tĩnh (lễ đặt tên) và lời kể truyền miệng của người Dao Quần Chẹt ở xóm Đồng Lương, xã Thu Cúc, huyện Thanh Sơn thì thời ấy trời làm hạn hán liền ba năm, mùa màng bị thất bát, nhà nhà hết cái ăn, người ta phải vo đất thành viên để ăn. Một lần, dân làng rủ nhau đi mò cua, bắt cá về nhóm lửa sưởi, nướng cua cá ăn, chẳng may lửa lan làm cháy rừng, cháy cả cái cầu Vàng của nhà Vua. Nhà Vua nổi giận định tru di cả làng, được cận thần can gián nên tha tội chết nhưng ra lệnh trục xuất cả làng ra khỏi đất nước Trung Quốc. Khi đó, ông Đặng Thế Hành và ông Bàn Đức Hội trong làng đã dẫn 300 người đi về phương Nam tìm đất sống với lời hẹn: Khi nào tìm được đất sẽ quay lại đón cả dân làng cùng đi. Khi hai ông dẫn người vào tới đất Việt Nam, do không biết tiếng Việt, lại có vũ khí tùy thân nên bị quân lính bắt trình lên vua.Vua Lê biết họ không phải là quân giặc bèn cho thả ra khỏi nhà giam, cấp quần áo, lương thực, cho ngược lên vùng sơn cước đất rộng, người thưa để làm ăn sinh sống. Những người ở làng chờ mong hai ông quay lại đón nhưng chờ mãi không thấy...Đã ba năm qua đi, dân làng cho là các ông đã chết nên làm ma đưa “đưa hai ông về Dương Châu” (quê Cha đất Tổ của người Dao).
 
Truyền thuyết vượt biển thì kể khi đoàn người được ông Hành, ông Hội cho lên bẩy chiếc thuyền để vượt biên đi tìm đất chẳng may gặp sóng to, gió lớn bốn thuyền bị nhấn chìm, còn ba thuyền trong lúc lâm nguy, họ ngửa mặt lên trời kêu trời đất thương tình cứu giúp và hứa nếu được để cho sống thì hàng năm sẽ làm tết nhảy tạ ơn. Lời kêu được linh ứng, họ chạy được vào bờ. Để tạ ơn Trời - Đất và giữ lời hứa, số người Dao này đi đến đâu cũng dựng miếu thờ ông Hành, ông Hội, tôn hai ông là thành hoàng làng và hàng năm đều tổ chức tết nhảy để cúng Bàn Vương. Trong quá trình sinh sống trên đất Phú Thọ, được cưu mang, có nơi sinh sống và thông qua giao tiếp với người bản địa qua nhiều năm, người Dao biết được Vua Hùng là Quốc Tổ của người Việt nên họ cũng đã tôn thờ Vua Hùng là tổ tiên của mình. Vì vậy, mỗi khi lễ tết, khi thắp hương viếng Bàn Cổ (người theo quan niệm của họ là đã sinh ra Trời - Đất), và Bàn Hồ (ông Tổ của người Dao) đồng thời người Dao cũng thành kính dâng hương cúng viếng Vua Hùng, cúng viếng vua Lê. 
 
Người Dao thờ Thành Hoàng ở miếu và bàn thờ Tổ tiên của dòng tộc. Miếu thờ được làm đơn giản bằng 4 cọc, buộc cây bắc ngang làm sàn và phía trên đặt tấm phên đan bằng nứa đủ để đặt bát hương và mâm cỗ cúng. Mái miếu thờ thì được lợp bằng lá. Miếu thường được dựng dưới gốc cây to, nơi cao ráo hoặc trong hang đá. Bàn thờ của gia đình người Dao không to, rất đơn giản nhưng tính riêng, dấu tích nguyên sơ, bản sắc Dao thì rõ nét. Bàn thờ được làm theo hình khối lập phương có 4 chân, 3 tầng. Tầng Thượng đặt bát hương, chén nước, tầng Trung (tầng giữa) có thưng gỗ 3 mặt, trong đó để các đồ làm lễ như chuông , âm dương, xập xèng, hương, tranh (hình con chó đen, Tô tem); Tầng Hạ (tầng dưới cùng) có đôi gậy thờ, một ống bằng nứa cắm cờ đuôi nheo để dùng trong những ngày đại lễ. Ngày lễ, tết người Dao cúng Thành Hoàng cũng là ngày người Dao cúng Vua Hùng. Nội dung bài cúng đơn giản, lời lẽ nôm na : 
 
“Trần gian có lễ dâng nhang
Tổ tiên, thần thánh, thiên đàng nhận cho
Tuy rằng nghi lễ không to
Cầu mong thần thánh đừng lo lòng thành”
 
Trong năm, người Dao có những ngày tiệc: Lễ xí xóa vào ngày 6 tháng Giêng (Điểm lại công việc làm ăn năm cũ, xem ai là người thực hiện tốt công việc, ai là người vi phạm những điều dân làng cấm kị và kê khai nhân khẩu); Rằm tháng 5; Rằm tháng 8; Cúng cơm mới; Lễ Lập tĩnh (lễ đặt tên cho nam giới); Lễ giải hạn; Đám cưới; Đám ma; Tết nguyên đán...Bài cúng trong nôm của người Dao thường được sử dụng là:
 
“Hai tay cầm một nén nhang
Hai tay kính lạy Ngọc Hoàng tối cao
Trên trời lấp lánh ngôi sao
Con lạy Ngọc Hoàng, con lạy Vua Dao
Con cầu sức khỏe dồi dào
Con cầu lúa gạo chảy vào đầy kho
Con cầu đời sống ấm no
Con cầu lợn béo, trâu to đầy chuồng
Cầu cho vạn vật sinh sôi
Cầu cho đất trời êm ả”
 
Trong những dịp tổ chức lễ lập tỉnh, lễ chầu đàn, cấp sắc...người Dao thường có hát cúng với nội dung ôn lại lịch sử “thiên di” của người Dao sang Việt Nam. việc họ gặp nạn và cầu khấn, hứa với Trời - Đất, Tổ tiên; việc họ thoát nạn, vào được đất liền, gặp người Giao Chỉ, được nhà Vua gia ân cứu giúp; được dân bản địa cưu mang, giúp đỡ để hòa nhập, làn ăn, sinh sống, phát triển...Do vậy, trong các bài hát cúng, người Dao đều thành kính nhắc tới Vua Hùng, vua Tổ và tự nhận mình là con dân đất Việt. Bài hát cúng của người Dao đã thể hiện điều đó khi có bài cúng Vua Tổ như sau:
 
“Gặp được Vua Tổ tốt lòng
Hướng dẫn người Dao biết làm đồng nương
Hai tay con lạy vua Tổ Hùng Vương
Cho con bông lúa chín đỏ đầy nương
Ngô bắp đầy vườn, gia sức đầy sân
Người người sinh sôi, bản làng đông vui
Kính lạy Vua Tổ tối linh!”
 
Tấm lòng của người Dao với Tổ tiên thật sâu nặng. Vua Hùng được người Dao tôn thờ như tổ tiên của mình nên trong các ngày lễ tế cho đến cưới hỏi, tang ma...họ đều cúng trình báo tới Vua Hùng và cũng cầu mong được Vua Hùng ban phước, phù hộ cho dân làng, cho gia đình no đủ, hạnh phúc...
 
Trong phong tục, người Dao không làm giỗ cúng người đã chết vì cho rằng người chết “Đã về Dương Châu” (theo quan niệm của họ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng, tươi đẹp và lý tưởng nhất cho các linh hồn), họ chỉ mời Tổ tiên “về dự” những ngày vui, ngày lễ lớn để ban phước cho con cháu.
 
Vậy nhưng Vua Hùng được người Dao tôn thờ như Tổ tiên của mình. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng ba âm lịch), người Dao ai có điều kiện thì vẫn về Đền Hùng dự lễ; ai không có điều kiện thì làm lễ bái vọng Vua Hùng ở miếu làng, ở bàn thờ gia đình.
 
Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn Tổ tiên đã thấm đậm trong tâm thức người Dao .Vua Hùng - Quốc Tổ của Người Việt cũng là Tổ tiên người Dao. Trong tâm tưởng, người Dao ở Phú Thọ luôn có Quốc Tổ Hùng Vương! 
 
QUỲNH DƯƠNG