Tờ báo văn nghệ mang tâm hồn của người Lâm Đồng, hơi thở của đại ngàn Nam Tây Nguyên

05:04, 14/04/2022
Lâm Đồng là vùng đất đa sắc màu văn hóa, nơi hội tụ 47 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước về đây cùng các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông đoàn kết dựng xây quê hương giàu đẹp, trù phú. Giá trị vật chất, văn hóa tinh thần được kết tinh, hội tụ, tạo nền tảng chất liệu phong phú cho các văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo nên tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) giá trị. Trải qua 35 năm, Tạp chí Lang Bian luôn đồng hành với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quê hương, vừa là một kênh thông tin tuyên truyền, quảng bá tác phẩm VHNT thiết thực, vừa góp phần cổ vũ toàn diện hoạt động sáng tác, nghiên cứu VHNT, mở ra diễn đàn để văn nghệ sĩ và những người yêu VHNT trong tỉnh sáng tạo, phục vụ đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân.
 
Những số đầu tiên Tạp chí Lang Bian mang nhiều ký ức đẹp.
Những số đầu tiên Tạp chí Lang Bian mang nhiều ký ức đẹp.
 
Ngày 11/4/1987, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng được thành lập theo Quyết định 279/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng với 79 hội viên sáng lập hoạt động ở 4 chuyên ngành: văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh. Ngay sau khi ra đời, Hội đã chuẩn bị cơ sở, nhân lực, vật lực để hình thành nên một Tạp chí văn nghệ, đưa tác phẩm VHNT của đội ngũ văn nghệ sĩ đến công chúng. Trải qua thời gian ngắn thai nghén, ấp ủ ý tưởng, tháng 10/1987, Tạp chí Lang Bian xuất bản số đầu tiên dày 120 trang do Chủ tịch Hội đầu tiên là nhà thơ Bùi Minh Quốc kiêm Tổng Biên tập Tạp chí số 2 xuất bản tháng 2/1988 vào Xuân Mậu Thìn và số 3 ra tháng 5/1988 dày 128 trang ruột. Mới ra được 3 số, tạp chí tạm đình bản một thời gian với nhiều lý do khác nhau, rồi tái bản trở lại… Những ngày đầu ra đời, Lang Bian đăng tải tác phẩm của nhiều cây bút nổi tiếng trong nước và của tỉnh Lâm Đồng bước đầu gây dấu ấn một ấn phẩm văn nghệ hay, đáng đọc. Dù các số xuất bản thưa, ra không ổn định theo định kỳ, cách 3 - 4 tháng mới ra một kỳ, khi nào đủ bài vở, đủ điều kiện thì mới xuất bản, nhưng Lang Bian đã định hình rõ nét một Tạp chí văn nghệ của miền đất tươi đẹp, hoang sơ, lãng đãng sương giăng mà tình người ấm áp.
 
Tháng 12-2007 là thời điểm đánh dấu bước phát triển mới của Tạp chí Lang Bian. Đó là việc tăng trang, tăng kỳ, Tạp chí xuất bản hàng tháng, trung bình 100 trang ruột/số, lượng in 700 - 1000 cuốn/số; mỗi số đăng tải khoảng 100 tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn học dịch… của 281 hội viên và khoảng gần 500 cộng tác viên trong cả nước. Chất lượng tác phẩm luôn được quan tâm hàng đầu, Ban biên tập chủ trương chọn đăng tác phẩm hay, kể cả bài viết về Lâm Đồng hoặc viết về các tỉnh, thành trong cả nước cũng được đưa vào làm cho Tạp chí phong phú hơn, tạo diện mạo tươi mới, đa màu sắc, đưa  Lang Bian trở thành tạp chí mở, không chỉ quảng bá những tác phẩm VHNT tiêu biểu của Lâm Đồng và cả nước với bạn bè trong và ngoài nước. Tác phẩm VHNT được đăng tải trên Tạp chí đều qua tuyển chọn và biên tập cẩn trọng, Hội đồng biên tập gồm nhiều các văn nghệ sĩ có tuổi đời, tuổi nghề, có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng thẩm định. Các chuyên mục được sắp xếp, trình bày hợp lý, thường xuyên đổi mới nội dung hình thức để phù hợp với sự phát triển. Phạm vị phát hành cũng ngày càng mở rộng hơn, ngoài các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các địa phương và hội viên đã bao phủ xuống tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yêu văn nghệ; đến Hội VHNT chuyên ngành của Trung ương, các tỉnh, thành phố. 
 
Với định hướng, văn học nghệ thuật phải bám rễ vào thực tiễn cuộc sống, phản ánh hiện thực, vị nhân sinh, Lang Bian đã dành diện tích nhất định để phản ánh những chủ trương lớn của tỉnh, bám sát các sự kiện chính trị với các chuyên mục, chuyên đề như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Đồng thời, tổ chức nhiều trại viết, chuyến thực tế ở các huyện, thành các cơ quan, tổ chức, đơn vị… làm thành các chuyên trang đi sâu và toàn diện qua các tác phẩm tùy bút, bút ký, ghi chép ăm ắp hơi thở và nhịp đập cuộc sống. Bên cạnh đó, Tạp chí Lang Bian còn dành nhiều trang sáng tác cho thiếu nhi, cho các cây bút trẻ, qua đó động viên, khích lệ, phát hiện, bồi dưỡng và chắp cánh cho đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận.  
 
Thăm hỏi cựu lãnh đạo Hội - những người góp phần định hình diện mạo Tạp chí Lang Bian.
Thăm hỏi cựu lãnh đạo Hội - những người góp phần định hình diện mạo Tạp chí Lang Bian.
 
Nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật đồng thời nâng cao chất lượng Tạp chí Lang Bian luôn là trăn trở của lãnh đạo Hội. Hàng năm, Hội đều tổ chức hội thảo nhằm khơi nguồn sáng tạo, cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục viết nên nhiều tác phẩm hay, chất lượng đưa đến công chúng. Nhiều hội thi sáng tác văn, thơ, nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh trên Tạp chí Lang Bian cũng được tổ chức hàng năm đã tạo nên không khí thi đua sáng tạo sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ.
 
Ông Hà Hữu Nết - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Lang Bian chia sẻ: Tạp chí Lang Bian là kết tinh của niềm say mê, sáng tạo, tình yêu với văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh. Trải qua thăng trầm 35 năm, đến nay, Tạp chí Lang Bian đã xuất bản được 222 số với khoảng 22.000 tác phẩm VHNT được đăng tải đến với công chúng. Khoảng 5 năm gần đây, Tạp chí được cải tiến mạnh mẽ, đổi mới về nội dung, hình thức, hình thành các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề hấp dẫn hơn, định hướng tuyển chọn những tác phẩm hay về nội dung, đổi mới về hình thức để hòa nhập với sự phát triển. Lang Bian đang được đánh giá là một trong 20 tạp chí văn nghệ ấn tượng của cả nước. Ngoài xuất bản ấn phẩm in, 3 năm gần đây, Tạp chí Lang Bian còn có trang thông tin điện tử phiên bản mới với tên miền tapchilangbian.vn có thể đăng tải phim, video clip, album âm nhạc… Bắt kịp xu thế phát triển, gần đây Hội đã cho ra đời thêm Tạp chí Lang Bian trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Tạp chí điện tử và Facebook xuất bản không kể thời gian, ngày giờ, từ đó nối dài thông tin, quảng bá rộng rãi, lan tỏa tác phẩm VHNT mang nét đẹp, hình ảnh, tâm hồn, tình cảm của vùng đất và con người Lâm Đồng - Đà Lạt đến với đông đảo công chúng bạn đọc gần xa. 
 
Lần giở những trang Tạp chí Lang Bian đầu tiên, giấy đã ố vàng, chữ đã nhạt màu, vẫn còn đây những tác phẩm “rút ruột” của rất nhiều văn nghệ sĩ tài hoa một thời dành tâm huyết định dạng diện mạo cho tờ Tạp chí văn nghệ ở miền đất lạnh; nay đã thành người thiên cổ: Hà Linh Chi, Xuân Tràng, Phạm Kim Anh, Lâm Tuyền Tĩnh, Trọng Thủy, Hoàng Ngọc Châu, Lê Sinh Thục, Nguyễn Thanh Đạm... Tiếp nối niềm say mê sáng tạo, các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay vẫn đang nuôi lớn tình yêu với văn học nghệ thuật, góp sức làm nên một Lang Bian mang tâm hồn, hơi thở của đại ngàn, đậm đà bản sắc Nam Tây Nguyên không lẫn với bất cứ tạp chí văn nghệ của miền đất nào trong cả nước.
 
QUỲNH UYỂN