Tháng Tư nơi ''mùa xuân đẹp nhất''

07:04, 30/04/2022
Tháng Tư, một trong những địa chỉ lòng người hướng về là Thành phố mang tên Bác - nơi 47 năm về trước, đoàn Quân giải phóng khắp các ngả đã tiến về Sài Gòn, viết nên bài ca thống nhất với những lời ca “Mùa xuân đẹp nhất trên đời”.
 
•  ĐẤT ANH HÙNG KHẮC GHI CHỨNG TÍCH
 
Nhà tôi ở Quận 7, cơ quan ở Quận 3. Mỗi ngày đi làm về hay đưa con đi học đều ngang qua những chứng tích. Bến Nhà Rồng trên đường Nguyễn Tất Thành, Dinh Độc Lập ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bảo tàng chứng tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần... Những địa chỉ đỏ này thường xuyên đông khách vào ra nhưng mỗi tháng Tư luôn là thời điểm nhộn nhịp nhất để học sinh, du khách từ nhiều vùng miền đất nước về đây để nghe kể chuyện thành phố anh hùng. 
 
Đến Thành phố Hồ Chí Minh đi đâu cũng gặp chứng tích. Tôi vẫn thường đưa những người bạn lần đầu đến Sài Gòn tham quan khu trung tâm thành phố, kể cho các bạn nghe về từng tấm bia, từng địa chỉ. Chỉ trong vòng bán kính 1 km: Bên đường Lê Duẩn, Nguyễn Du vẫn thường có hoa tươi đặt lên những tấm bia tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân; ngang khánh sạn Park Hyatt bên hông Nhà hát Thành phố hàng trăm tuổi là tấm bia ghi dấu chiến công trận đánh cư xá Brink (một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của Biệt động Sài Gòn); chênh chếch bên kia đường là khách sạn Caravelle, nơi cũng từng mang dấu tích một trận đánh bom gây tổn thất nhiều tướng tá Mỹ ngụy đã đi vào bộ phim Biệt động Sài Gòn nổi tiếng... Đi xa hơn nữa đài tưởng niệm Rạch Chiếc, nơi đến tận buổi sáng ngày hòa bình vẫn có hàng chục chiến sĩ phải ngã xuống hy sinh, là chiến khu rừng Sác Cần Giờ, địa đạo Củ Chi,...
 
Đi ngang qua Dinh Độc Lập mỗi ngày vẫn thấy chiếc xe tăng từng húc đổ cổng Dinh, đặt dấu chấm hết cho chế độ Việt Nam Cộng hòa vẫn nằm đó, trong khu vườn rợp bóng mát, xôn xao tiếng ve gọi hè. Cả những gốc cây cổ thụ ở những con đường ven Dinh Độc Lập cũng mang chứng tích của những trận đánh - với những vết thẹo gù lên trên thân cây do bị trúng đạn, bị lửa táp mà tôi từng được nghe chính những người trong cuộc chứng kiến kể lại.
 
Vòng qua đường Lý Tự Trọng, thư viện tổng hợp thành phố - từng là Khám lớn Sài Gòn; nơi nhắc nhớ người thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ: “Con đường của Thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Cách vài con đường là đường Võ Văn Tần, nơi đặt Bảo tàng chứng tích vẫn còn ghi giữ nhiều bảo vật về một thời anh hùng, khói lửa. Từ những kỷ vật ghi dấu ý chí bất khuất của cha ông ở Côn Đảo - nơi địa ngục trần gian, ghi dấu Chiến khu D gian nan mà anh dũng, ghi dấu cả những nỗi đau còn mãi dù tiếng súng ngưng, chiến tranh đã lùi xa...
 
Những địa chỉ đỏ, chứng tích ấy mỗi ngày tháng Tư lại được đánh thức. Những trang sử vàng ngày hôm qua ấy đã là phần không thể thiếu trong linh hồn và sức sống của thành phố. Cũng chính vì thế, tháng Tư, gắn với mốc son ngày thống nhất đất nước là dịp để không ít du khách chọn điểm đến thành phố anh hùng.  
 
•  “NGƯỜI LÍNH GIÀ ĐẦU BẠC”
 
Công việc làm báo, viết sách khiến tôi có cơ hội gặp nhiều chứng nhân lịch sử, không ít người trong họ là nhân vật từ đời thường bước vào phim ảnh, văn học âm nhạc mà tôi từng được đọc, được xem từ nhỏ. Những người từng vào sinh ra tử ấy, tôi vẫn nói đùa với các cô, chú, bản thân họ đã là một “bảo tàng” sống đầy sinh động.
 
Thật vậy, nhà cô Lê Thị Thu Nguyệt, cô Tám Thảo, cô Chính Nghĩa, bác Bảy Trường... - những nhân vật tôi đã từng viết bài, viết sách, những ngày tháng Tư thường rộn rịp bước chân thanh niên, đoàn viên và cả bước chân của những cô cậu bé còn quàng khăn đỏ đến thăm và nghe kể chuyện. Bọn nhỏ cách thời các cô chú đi đánh giặc cả 40, 50 năm vẫn có thể xúc động trước những câu chuyện lịch sử sống động hơn vạn lần trang sách.
 
Ở nhà cô Thu Nguyệt còn lưu giữ nhiều kỉ vật thời kháng chiến của hai cô, chú. Bức tranh thêu vườn hồng mùa xuân mà cô tự thêu trong nhà tù Côn Đảo với ước mơ sẽ dùng để rải bàn tiệc cưới khi trở về. Hay ở nhà bác Lê Quang Vịnh (nhân vật từng đi vào thơ Tố Hữu, nhạc Nguyễn Tài Tuệ...) vẫn còn giữ mẩu bút chì ngắn hết cỡ mà bác từng làm thơ, viết văn trong nhà tù Côn Đảo, nhà bác Bảy Trường vẫn giữ bản thảo kịch Tiếng thét bên sông viết về lòng căm thù tội ác của giặc của người chiến sĩ... Trên cơ thể họ vẫn còn những vết sẹo từ đòn roi, tra tấn những tháng năm tù đày. Từng câu chuyện cũ nhắc lại vẫn rõ mồn một trong kí ức của họ, dẫu đã qua tuổi thất thập cổ lai hy. 
Tiếp xúc những câu chuyện của họ, tôi vẫn thấy thương yêu và tự hào xen lẫn, thầm nhớ câu thơ của vua Trần Nhân Tông: “Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Những câu chuyện diễn ra trong quá khứ được kể từ chứng nhân hay hơn bất cứ bài học lịch sử nào tôi được học. Đó có lẽ cũng là lí do tuổi trẻ luôn tìm đến các cô bác, ông bà để được lắng nghe.
 
•  THÀNH PHỐ NGHĨA TÌNH VÀ NHỮNG NIỀM VUI BÌNH THƯỜNG
 
Có một điều khá lạ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi người một giọng, mỗi người một cá tính và hầu như chẳng ai thấy cần phải thay đổi mình để hòa nhập. Từ cậu bé nhỏ tuổi lên 5 tối qua tôi gặp trong Ngày hội văn hóa đọc, đi đôi dép tổ ong hai chiếc hai màu vì con thích thế; như cô giáo dạy nhạc của con gái tôi, đi xe phân khối lớn, tóc bên xanh bên đỏ giày cũng hai thứ hai màu... Và những cá thể rất khác ấy, dĩ nhiên vẫn hòa nhập vào dòng chảy thành phố yêu thương này.
 
Tôi sống ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm, khoảng thời gian đủ dài hơn thời gian tôi gắn bó với xứ Nghệ, nhưng cũng như rất nhiều người thành phố này, tôi vẫn giữ tính cách dân Nghệ “gàn”, vẫn thấy mình luôn thuộc về xứ Nghệ hơn là về thành phố phương Nam này. Một phụ huynh có con học chung lớp con gái tôi vẫn thường ghé mua cam vẫn nhắc chuyện quê miền Tây dù hỏi ra thì đời bà cố đã lên lập nghiệp Sài Gòn rồi.
 
Chỉ khi qua những ngày phong tỏa (cách đây gần một năm), sống chung những người từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Nha Trang... cùng một chung cư. Cùng chia nhau từng củ khoai, bó rau, trái bầu, trái bí; chia nhau từng đóa hoa, nén nhang khi nhà hàng xóm có người thân mất mà không thể mua đâu ra một nén nhang... Đó là những ngày nước mắt có thể rơi bất kì lúc nào vì sự ám ảnh, sự sẻ chia... trong cơn hoạn nạn và cảm hiểu tận lòng nhau. Vẫn thường nghe những chữ thành phố bao dung, hào sảng, nghĩa tình, nhưng thú thực phải qua những ngày tháng ám ảnh ấy, tôi cũng như muôn ngàn người đã gắn với thành phố mới cảm nhận thật rõ, mới thấy Sài Gòn đã thực sự ở trong tim mình rồi.
 
Khi viết những dòng kết thúc của bài này thì người dân nơi thành phố tôi đang ở đang rộn rịp với ngày lễ hội đọc sách và chỉ vài ngày nữa là lễ hội mừng ngày thống nhất - ngày mà không ít người dân thành phố gọi theo cách đặc biệt: Tết Thống Nhất. Tôi cùng những người bạn vẫn đeo khẩu trang, đứng bên nhau khi nghe Phương Mỹ Chi, Phan Mạnh Quỳnh, Phương Thanh... hát trong lễ hội ở phố đi bộ tối qua. Bọn trẻ lại có thể được đi trên cầu tre lắc lẻo, nghe đờn ca tài tử, ngắm hoa sen, hoa súng nở, nhìn bí bầu kết trái, người lớn ngồi uống trà dưới mái tranh nơi Quận 1, ở khu vực trung tâm nhất của thành phố. (Thành phố vẫn thường chọn cách trang trí những tiểu cảnh thôn quê trong những dịp lễ, tết, phải chăng vì hiểu lòng người tứ xứ về đây vẫn mang trong mình hình bóng quê nhà). Cô bạn hàng xóm vừa qua nhà hẹn hò 30/4 cho lũ trẻ đi xem pháo hoa... Những lễ hội sắc màu tháng Tư lại rộn rã, báo hiệu đã thực sự trở lại cuộc sống bình thường rồi. Cuộc sống bình thường mà khi xưa, trải qua bao tháng năm cha anh đổ máu mới có được; ngày nay, trải qua cả những tháng năm dịch dã càng thêm thương quý.
 
Tháng Tư ở thành phố mang tên Người là khi bạn có thể thấy đầy đủ nhất về một vùng đất anh hùng nghĩa tình, thành phố vang danh Hòn Ngọc Viễn Đông một thuở.
 
KHÔI NGUYÊN THẢO