(LĐ online) - Sau 1 tuần diễn ra tại Đà Lạt, chiều 12/5, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Múa năm 2022. Tham dự trại có 38 hội viên là các nhà lý luận phê bình múa, huấn luyện múa, thành viên Ban Chấp hành Hội, chuyên gia lý luận đến từ 11 tỉnh, thành trong cả nước; trong đó gồm: 6 nghệ sĩ nhân dân, 5 nghệ sĩ ưu tú, 3 nhà giáo ưu tú, 7 tiến sĩ, 12 thạc sĩ.
Trao bản thảo tác phẩm cho Nhà sáng tác Đà Lạt |
Trại sáng tác kết hợp hài hòa giữa hai nhiệm vụ là sáng tác kịch bản múa và công tác lý luận phê bình, cùng nhiều vấn đề chuyên môn trong việc đổi mới, phát triển nghệ thuật múa nước nhà được đặt ra tại các buổi tọa đàm, thảo luận, trao đổi nghiệp vụ. Như một cuộc hội ngộ lớn, các nghệ sĩ đã cùng nhau bàn về chương trình lý luận phê bình nghệ thuật múa đối với cuộc sống và sáng tạo theo tinh thần nghị quyết 33 của TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; trao đổi về tính hấp dẫn của tác phẩm múa, đưa ra một vài nhận định của hội bạn, âm nhạc, giai điệu, ca từ, sân khấu đối thoại và văn học…; trao đổi thực trạng về công tác lý luận phê bình về nghệ thuật múa, tọa đàm trao đổi suy nghĩ sau khi xem một số tác phẩm được đánh giá cao trong liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2021 - Hải Phòng… Những phát biểu, nhận diện, đánh giá của các nghệ sĩ múa có uy tín nghề nghiệp, có chuyên môn cao đã kích thích sự hứng khởi, tinh thần phản biện của các thành viên trong các buổi tọa đàm. Nhiều ý kiến trái chiều từ các biên đạo, huấn luyện, nhà lý luận đã làm bừng sáng lên cảm hứng sáng tạo.
Qua đó đã làm bật lên nhiều vấn đề: nhận diện đội ngũ lý luận đang rất hạn chế, đa phần quá già trên 80 tuổi; mức độ tiếp cận, hay phương pháp tiếp cận cần đòi hỏi năng lực ban đầu hay kỹ năng mềm trong tư duy, khả năng thuyết trình trước công chúng về lý thuyết nghề nghiệp. Cần tập hợp những nghệ sĩ múa có khả năng viết cho nghệ thuật múa, mức độ trao đổi kinh nghiệm, nhận thức, trải nghiệm về nghề. Các bài viết mang tính diễn giải có lý luận về cách tư duy thực tiễn quá trình giảng dạy, sáng tạo hay tập luyện. Một số bài mang tính sưu tầm, nghiên cứu từ các khóa luận, luận văn trong nước và quốc tế. Mạnh dạn đánh giá các tác phẩm múa bằng trực quan của mỗi cá nhân hay nhóm nhỏ đồng niên trong cùng một khóa, bàn về tính thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật múa, mẫu số chung là sự tổng hòa giữa âm nhạc, ngôn ngữ múa, hình thức sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn và sự sáng tạo của cá nhân hay êkip thực hiện, tính duy nhất của một tác phẩm, sự tương tác của các lớp diễn viên khác nhau, khán giả khác nhau.
Toàn cảnh bế mạc trại viết |
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ múa đã thâm nhập thực tế, tham quan danh lam thắng cảnh như thiền viện Trúc Lâm, thăm buôn làng Đạ Nghịt (xã Lát – Lạc Dương), giao lưu văn hóa nghệ thuật qua các vũ điệu múa xoang của người K’Ho, Mạ, múa Arya của người Churu... đã bổ sung chất liệu dân tộc độc đáo, sinh động cho những kiến thức tạo nên những hứng khởi sáng tạo cho các nghệ sĩ.
Kết thúc trai sáng tác, các nghệ sĩ đã sáng tạo được 20 kịch bản múa ngắn, 2 kịch bản lễ hội cấp tỉnh và 11 bài viết nghiên cứu nghệ thuật múa. Các đề tài kịch bản múa phong phú, đa dạng và phản ánh những trang sử hào hùng của dân tộc, sự sinh động của cuộc sống xã hội Việt Nam hôm qua và hôm nay, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần và ý chí của những người con đất Việt trong lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới đất nước. Đây là kết quả của tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, là minh chứng của lòng nhiệt thành, tình yêu nghệ thuật và khát vọng được cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.
Từ trại viết, các các biên đạo, các nhà lý luận phê bình như được tiếp lửa để tiếp tục sáng tạo được nhiều tác phẩm chất lượng và giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin