Búp bê trong ba lô người lính

10:05, 03/05/2022
Đến tận bây giờ và mãi mãi Mơ vẫn sẽ giữ con búp bê bên mình. Dù đi đâu, du lịch hay công tác, hay trốn khỏi thành phố mỗi khi buồn Mơ đều mang theo con búp bê trong giỏ. Con búp bê bằng vải độn bông ở phía trong, tóc chẻ đôi, tết bím. Màu váy áo của búp bê đã phai lợt theo thời gian. Thi thoảng Mơ lại đem con búp bê ra giặt sạch rồi phơi nắng ở ban công. Mỗi lần bé Na chạy sang chơi thấy Mơ phơi búp bê trên song sắt có treo thêm mấy chậu hoa leo đủ màu, bé Na cười tíu tít: “Búp bê của cô Mơ cũ quá, không đẹp bằng búp bê của Na. Sao cô Mơ không mua búp bê mới chơi mà chơi con cũ mèm vậy?”. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Mơ cười phát ra tiếng. Cô không đáp lại vì con bé còn quá nhỏ, nó chưa đủ hiểu vì sao Mơ quý trọng con búp bê cũ kỹ, váy áo đen nhẻm này. Nhưng trong thâm tâm Mơ lại muốn trả lời con bé rằng: “Nhìn cũ vậy chứ quý lắm, tiền cũng không thể nào mua được đâu”. Mỗi buổi chiều đi làm về Mơ thường mang con búp bê ra ban công ngồi ngắm nghía. Xa xa, dưới tầng trời xanh đỏ tím vàng như tấm vải voan che chắn mỗi độ hoàng hôn buông là dòng kênh uốn lượn giữa thành phố, những cung đường lá rơi. Ở nơi đó, Mơ thường thoáng trông thấy bóng dáng của những người lính về ngang qua, vai đeo ba lô, khuôn mặt trầm ngâm. Mơ định rời ban công tầng 14 chạy xuống nhưng không kịp. Người lính già lặng lẽ rời, bóng dáng nhập nhòa rồi khuất sau hàng cây trút lá. Hình ảnh cuối cùng Mơ nhìn thấy là chiếc ba lô sau lưng người lính, trong ngăn ba lô có cô búp bê xinh xắn thò ra một nửa. Mơ nhìn kỹ thấy con búp bê đó y hệt búp bê của mình. Đó là khi cô đứng ở ban công tầng thứ 10 nhìn ra, nước mắt chan chứa…
 
 
Anh Năm vẫn thường ngồi nói với Tiến về ngày giải phóng. Tiến nói anh mơ xa xôi quá, khi nào giải phóng hẳn hay, việc của chúng mình là gắng sức chiến đấu, nỗ lực giữ gìn để khỏi bị thương tích, hoặc mang thương tích nhưng vẫn còn được về nhà chứ không phải hy sinh trên chiến trường, không được thấy mặt cha mẹ, vợ con. Bên đám lá dừa nước vo ve tiếng muỗi kêu. Ở xứ này, bất kể ngày hay đêm đều có muỗi. Căn cứ cách mạng nằm lọt thỏm trong rừng, bốn bề tràm đước. Hồi này rừng chưa bị con người khai phá hay tác động quá nhiều, mọi thứ nguyên sinh và rậm rạp. Muốn vào cứ phải có cán bộ bơi xuồng dẫn đường.
 
Tiến hút thuốc và nhả khói, lấy cục đất ném xuống ụ lá dừa nước, muỗi động ổ bay tán loạn. Một lúc, Tiến khề khà nói:
 
- Anh Năm, nếu còn sống đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh sẽ làm việc gì đầu tiên?
 
Anh Năm nhìn xa xăm. Rừng chiều u tịch, vẳng nghe tiếng chim bìm bịp kêu khắc khoải mà chạnh nhớ nhà, nhớ vợ con da diết. Anh mỉm cười, nụ cười chân chất. Cái hoang dã của rừng, vị mặn lè của nước, khói lửa chiến tranh đã làm mờ đi nét phố thị trên con người của anh. 
 
- Về thành phố! - Mắt anh sáng long lanh - Thằng Mỹ rút đi rồi, tao về thành phố với vợ, con. Mà, giả dụ sau này về thành phố không gặp lại, chắc tao nhớ mày, nhớ anh em, nhớ căn cứ, nhớ vùng sông nước này dữ lắm Tiến ha.
 
Tiến dụi điếu thuốc cho tắt hẳn, tiếp lời:
 
- Nhớ gì cũng được chứ đừng nhớ chiến tranh, đừng nhớ đạn bom thằng Mỹ trút xuống nước mình là được. Em ám ảnh dữ lắm rồi, anh Năm.
 
- Nhớ luôn chứ mậy. Tao phải nhớ! - Anh Năm dứt khoát - Chiến tranh đã cướp đi biết bao đồng chí, biết bao người máu đỏ da vàng. Hận lắm chứ mậy. 
 
Tiến im lặng. Nhắc đến sự hy sinh, Tiến thấy chạnh lòng, nét cười tắt vụt trên môi. Tiến nhớ đến cái chết mới hôm qua, hôm kia của Việt Đoàn - người anh em, người đồng chí. Và biết bao người khác nữa. Biết bao người đã ra đi khi tóc vẫn còn xanh, trong tim vẫn còn ấp ôm những giấc mơ rất đẹp của tuổi trẻ. Biết bao người đã nằm xuống, máu chảy ra nhuộm vào mảnh đất quê hương. Có ai đó trước khi hy sinh vẫn còn tinh nghịch nói cười, còn hỏi các chú, các anh cảm giác khi hôn lên má người con gái như thế nào, như thể họ không biết rằng một chút nữa thôi mình sẽ ngủ yên vĩnh viễn ở thời tươi đẹp nhất.
 
Chiều vắng. Hiếm khi anh Năm thấy lòng thảnh thơi như vậy. Các anh em đồng chí đang nổi lửa trong lán trại nướng cá lóc. Anh Năm không hòa nhập. Trong đơn vị, anh thuộc hàng “có tuổi”. Tiến đã đi vào trong làm một vài việc lặt vặt, kiểm tra súng, chỉ còn một mình anh ngồi lại bên bờ con kinh. Anh nhớ nhà. Ngày anh vào hoạt động ở căn cứ, vợ anh khệ nệ ôm bụng tiễn anh, mắt ngấn nước. Đứa con mà anh và vợ đã đắn đo mãi trước khi nó xuất hiện trong khuôn bụng của vợ anh. Vợ anh Năm muốn có con, nhưng anh lại sợ đứa nhỏ sinh ra sẽ không được lành lặn do ảnh hưởng bởi chất độc đi-ô-xin mà Mỹ đã rải xuống miền Nam. Chất độc gặm nhấm cỏ cây, một thế hệ ra đời không ít người dị dạng. Nhưng giấc mơ về đứa con cứ lớn dần trong hai vợ chồng. Cuối cùng cả hai quyết định giữ lại. Anh vẫn hy vọng ngày con chào đời, nó sẽ sống trong không khí thanh bình, sẽ viết tiếp ước mơ mà thế hệ cha anh đã gác lại vì nghĩa lớn.
 
Nhận được thư Hiền gửi từ thành phố báo tin đã sinh con, trời thương nên đứa nhỏ lành lặn, là con gái, đôi mắt y hệt anh Năm. Anh mừng hứm. Anh mong một ngày sẽ được bồng bế đứa con trên tay, sẽ cõng nó trên lưng đi hết con đường lá me bay, sẽ chơi với con suốt ngày mà không biết chán. Ở căn cứ, lòng anh lúc nào cũng hướng về phố thị, về gia đình. Những chiều thanh thản, anh hay ngồi nắn nót viết những dòng đầy cảm xúc từ chiến trường để chừng đất nước thống nhất anh sẽ đem về cho con, khi con biết chữ con sẽ đọc nó và hiểu được tâm tư người cha - người lính ngày ngày đối mặt với bom đạn, với sự hy sinh. Anh muốn con biết rằng con được sinh ra trên một đất nước anh hùng, đất nước của những người kiên trung, đêm ngày đấu tranh để giữ gìn từng tấc đất.
 
*
 
Đã dặn mấy lần mà Thư quên, anh Năm cằn nhằn. Cuối cùng Thư cũng đem về cho anh Năm con búp bê to hơn cổ tay trong lần đi công tác ngang qua chợ. 
 
- Sao không đợi ngày trở về rồi mua luôn, anh Năm? Ở thành phố thiếu gì. Mua trước để đến ngày về nó cũ hết. 
 
Anh Năm cầm con búp bê trên tay. Búp bê mềm nhũn, tóc chẻ làm đôi, tết thành hai bím gọn gàng. Khuôn mặt búp bê hiền lành, nhân hậu. Anh nói, tự dưng giọng anh run run:
 
- Con búp bê mới tinh ở thành phố làm sao quý giá bằng con búp bê theo anh từ chiến trường về thành phố được, Thư. Anh muốn con anh cảm nhận được tình yêu thương, những ước mơ,… của người cha từ trong khói lửa. Và…
 
Anh ngừng lại, mắt anh bất giác đỏ hoe. Thư tiếp lời:
 
- Và sao nữa anh?
 
- Và anh biết mình có còn trở về thành phố được hay không. Nếu không trở về được thì Thư hoặc đồng chí nào đó giúp anh đưa những món đồ này cho Hiền - vợ anh, cho con gái anh, nghen em!
 
Thư gắt:
 
- Anh Năm nói gì kỳ vậy, bậy quá chừng!
 
- Không đâu em, chiến tranh mà, đâu ai nói trước được điều gì. Nhưng anh vẫn hy vọng mình còn sống.
 
Anh Năm cười. Nụ cười đó Thư nhớ mãi. Giá mà có thể thu được vào trong chiếc túi, Thư sẽ gửi những hình ảnh đẹp nhất của anh Năm cùng những kỷ vật về cho Hiền khi miền Nam giải phóng.
 
*
 
Nhưng những dự cảm của anh Năm đã đúng. Trong một trận càn quét, gần như là trận cuối, anh Năm đã trúng đạn của thằng Mỹ. 
 
Tiến biết anh Năm vừa trúng đạn, Tiến hét toáng: “Anh Năm…”. Tiến chạy lại định dìu anh về căn cứ nhưng anh Năm xua tay. Ánh mắt anh Năm lúc đó như ánh lên những tia lửa khiến Tiến không thể nào cãi lời được. Tiến quệt nước mắt, tiếp tục chiến đấu. Máu anh Năm túa ra ướt cả khuôn ngực, tấm áo. Máu anh nhuộm đỏ cả vạt cỏ chỗ anh nằm. Anh gục mặt xuống đất để kìm nén cơn đau dội lên từng đợt chỗ vết thương nơi lồng ngực. Nhưng anh không hy sinh ngay lúc đó.
 
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, trận đánh dừng lại. Phía địch tổn hại rất nhiều, một vài đồng chí ta cũng bị thương, trong đó có anh Năm là nặng nhất. Thư cũng bị thương ở cánh tay. Lúc này Tiến chạy lại chỗ anh Năm đỡ anh lên, máu trên cỏ đã khô lại, đen thẫm.
 
- Anh Năm… Anh Năm ơi… Tỉnh dậy đi anh, đừng chết nghen anh! - Tiến nói trong nước mắt.
 
Anh Năm dùng hết sức lực còn lại trên cơ thể mình mở mắt nhìn Tiến, tay anh nắm lấy bàn tay Tiến, không chặt vì sức anh không đủ, nhưng Tiến vẫn thấy như rất chặt.
 
- Tiến, Thư… ở lại chiến đấu… Anh đi…
 
- Đừng nói vậy mà anh. - Thư mếu máo.
 
- Hòa.. bình… nhớ gặp Hiền… Đưa… đưa… - Anh nói ngắt quãng, thở dốc, mắt anh trâng tráo. 
 
Anh Năm không nói được trọn vẹn câu nói của mình, câu nói đầy tâm huyết, nhưng cả Thư và Tiến đều hiểu anh muốn nói điều gì. Tiến đưa tay vuốt mắt cho anh. Nước mắt Tiến chảy ra, rớt trên khuôn mặt lạnh toát của anh Năm…
 
*
 
Thư đã kể lại tất cả cho Hiền nghe. Chị xúc động vô cùng. Chị ôm những kỷ vật còn sót lại của anh Năm vào lòng: tấm áo lính anh thường mặc vẫn còn mùi mồ hôi, mùi đất bùn, mùi của chiến trường lửa khói; cái ba lô cũ; con búp bê… Chị trân trọng và ôm ấp từng món đồ, bởi nó tạo cho chị cảm giác như anh Năm vẫn còn kề bên, vẫn còn đứng đâu đó trong ngôi nhà này, dưới giàn cây leo trước cửa nhìn chị, nhìn đứa nhỏ nằm trên võng đôi mắt nhắm lại và khuôn mặt thần tiên trong giấc ngủ say sưa.
 
Chị không hiểu sao đứa con gái bé bỏng của mình vẫn thích mỗi con búp bê cha nó gửi lại từ chiến trường - nơi cha Mơ ngã xuống. Mỗi dịp sinh nhật hay ai đó đến thăm mẹ con Mơ, thoảng lại tặng búp bê cho cô bé, nhưng Mơ chỉ chơi cho khách vui lòng rồi bỏ vào trong tủ, chỉ có con búp bê của anh Năm là Mơ ôm vào giấc ngủ, ôm cả trong mơ. Dù khi ấy Mơ vẫn còn là đứa trẻ hồn nhiên, chưa hiểu gì về chiến tranh, lửa khói.
 
Mãi sau này Mơ mới hiểu ra, cô càng trân trọng con búp bê hơn. Những chuyến công tác dài ngày Mơ vẫn mang búp bê theo bên cạnh, như mang theo hình ảnh người cha anh dũng, người cha hiền lành.
 
Chiều loang nắng. Phố phường bất giác thưa người. Mơ đứng nhìn xa xôi, lòng Mơ dâng đầy nỗi nhớ. Phố yêu thương. Phố che chở mẹ con Mơ qua những tháng ngày không có cha bên cạnh. Thi thoảng Mơ vẫn thấy nơi con phố đó có bóng hình người lính già về ngang qua, đeo ba lô và trong ba lô có con búp bê, đẹp lắm. 
 
Nhưng Mơ không thể nào đuổi kịp. Tất cả thoáng hiện rồi tan theo sương khói mong manh…
 
Tháng tư, 2022
 
Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY