Du miên cùng hoài niệm với tranh 5 tác giả tại Ana Mandara-Đà Lạt

05:05, 15/05/2022
(LĐ online) - Đó là 25 tác phẩm tranh chủ đề “Mây Đông Dương” của 5 họa sĩ tài năng chính thức triển lãm hôm nay, ngày 15/5/2022, tại Khu biệt thự Ana Mandara (Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa Dalat, nơi đậm nét kiến trúc Pháp xen lẫn văn hóa Đông Dương. Triển lãm kéo dài trong 2 tháng (15/5 - 15/7/2022). Đến tham dự cùng với 5 tác giả có họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Francois Malric -GM Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa; lãnh đạo và các văn nghệ sĩ của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, đông đảo các văn nghệ sĩ trong nước cùng những người yêu nghệ thuật hội họa là du khách và bạn bè… 
 
Các đại biểu tham quan phòng tranh
Các đại biểu tham quan phòng tranh
 
Từ thành công triển lãm lần thứ nhất chủ đề “Những bé gái Ballet” với 17 tác phẩm, của họa sĩ Lê Anh Quân tại Ana Mandara Đà Lạt, không gian thiên nhiên và kiến trúc của thành phố Đà Lạt đã cuốn hút 5 tác giả để có 25 tác phẩm triển lãm lần này. Ngoài họa sĩ Lê Anh Quân (sinh năm 1977), còn có những người bạn đến từ các tỉnh, thành phố là các họa sĩ Lưu Vũ Long (1976), Đào Lê Hương (1965), Đinh Thiên Tâm (1982) và Đinh Khắc Công (1958). Họ cảm nhận mỗi người một giác độ thẩm mĩ bằng sở trường và tài năng riêng biệt. “Chúng tôi đã có 10 ngày cùng nhau ở đây, cùng vẽ, cùng sáng tác, trên là mây, xung quanh là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Trong triển lãm, chúng tôi mang đến cho khán giả những tác phẩm tươi mới nhất, có thể còn chưa kịp khô màu…”, họa sĩ Lê Anh Quân hào hứng kể về duyên cớ khiến anh và nhóm những người họa sĩ yêu Đà Lạt gặp gỡ sáng tác. Nhóm họa sĩ đã chọn “Mây Đông Dương” là chủ đề trại sáng tác, đồng thời là tên của triển lãm. 
 
Nắng (Đinh Khắc Công)
Nắng (Đinh Khắc Công)
 
Họa sĩ Lê Anh Quân hoà mình vào thiên nhiên và dành trọn vẹn thời gian để hoàn thiện bức tranh “Mây”. Anh chia sẻ: “Các tác phẩm là xúc cảm xuyên suốt trong quá trình sáng tác, sự xuyên suốt ấy nó liền mạch luôn cả 5 bức vẽ. Lần này tôi đến Đà Lạt với xúc cảm khá đặc biệt. Những gam màu trên bức tranh là ý tưởng xuyên suốt của tôi về một Đà Lạt bồng bềnh trên mây và bình minh ở đây rất đẹp.”
 
Dứa rừng (Đào Lê Hương)
Dứa rừng (Đào Lê Hương)
 
Nổi bật ấn tượng trong 25 tác phẩm của 5 hoạ sĩ là những bức vẽ của hoạ sĩ Lưu Vũ Long được anh tâm đắc đặt tên “Vẽ giữa đại ngàn Langbiang” hay “Câu chuyện của rừng”. Đối với anh: “Đại ngàn thâm sâu mang trong mình bao sử thi hùng tráng. Lắng nghe những câu chuyện của đại ngàn, tôi thấy chỉ ghi chép thiên nhiên thôi là không đủ. Tôi cảm nhận, tôi hoà mình vào Langbiang để viết những câu chuyện của rừng.” Còn với họa sĩ Đinh Thiên Tâm, nguồn cảm hứng sáng tác của anh là sự rung động trước khung cảnh thiên nhiên, là những con dốc, tán cây và những ngôi nhà tưởng chừng chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Trong các tác phẩm của anh, khu biệt thự Lê Lai cũ hiện ra thật ấn tượng: “Khi đến Ana Mandara, khung cảnh nơi đây tạo cho tôi nhiều cảm xúc và tôi đã vẽ lại nó theo cách của mình. Bức tranh này tôi vẽ hàng rào cây xanh bao quanh căn biệt thự tôi ở. Mỗi buổi sáng khi mở mắt ra đều nhìn thấy một hàng rào xanh mướt trước mặt, tự nhiên trong tôi nảy sinh cảm xúc thật khó tả. Còn bức này là hàng rào có rất nhiều hoa tôi bắt gặp trên đường khi đi dạo quanh khu nghỉ. Giữa một không gian rộng lớn, ánh mắt luớt qua một hàng rào cây xanh điểm vài bông hoa trắng đã gây ấn tượng trong tâm trí khiến tôi phải ghi lại bằng hình ảnh trên mặt tranh.”
 
Gió (Đinh Thiên Tâm)
Gió (Đinh Thiên Tâm)
 
Thể hiện cảnh sắc Đà Lạt, hoạ sĩ Đinh Khắc Công nói: “Tôi cảm nhận được sự thay đổi của không gian ở đây vào buổi sáng mặt trời mới lên, buổi trưa hay chói chang buổi chiều… cả quá trình ấy, mỗi không gian tôi lại cảm nhận một khác, thế nên bút pháp có thể là tĩnh lặng, cũng có thể là ào ạt, cũng có thể là gam màu đối chọi mạnh và tả được đúng cái thần của nó”. Là nữ hoạ sĩ duy nhất tham gia trại sáng tác, hoạ sĩ Đào Lê Hương lại mang tới triển lãm những tác phẩm theo trường phái nghệ thuật siêu thực. Chị chia sẻ: “Các tác phẩm tranh của tôi vẽ là những hình khối, đường nét giúp khơi gợi cho người xem cảm giác để cảm nhận chứ không phải là tả thực. Bức “Dứa rừng”, tôi vẽ cây dứa rừng và ngôi nhà màu hồng, tuy khác biệt so với những hình ảnh thường thấy nhưng người xem vẫn có thể hình dung ra và cảm nhận được chúng. Ngôi nhà màu hồng gợi cảm xúc rất mộng mơ, rất đẹp. Khi đến với khu biệt thự Pháp cổ, tôi có những cảm xúc rất mạnh về khung cảnh ở đây. Và đấy là khi tôi nhìn thấy từ trên phòng ăn tại khu biệt thự nhìn ra khung cảnh hoàng hôn ở thung lũng phố đồi”. 
 
Chùm tác phẩm Mây (Lê Anh Quân)
Chùm tác phẩm Mây (Lê Anh Quân)
 
Đến nay, cả 5 họa sĩ đã có riêng và chung hàng chục cuộc triển lãm tranh trong nước và quốc tế. Với Đà Lạt, trại sáng “Mây Đông Dương” không chỉ là một buổi triển lãm tranh đơn thuần, mà còn là nơi để các họa sĩ thả hồn lang thang như đám mây “lãng du” đi tìm những khoảnh khắc sống động của thời gian ẩn chứa trong từng ngóc ngách, cảnh vật, hoa lá…Tại buổi khai mạc phòng tranh, những mĩ cảm thể hiện bằng sự phong phú về ý tưởng, đa sắc, nhiều mảng, khối và đường nét đã để lại cảm xúc mạnh nơi đông đảo người thưởng lãm. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn và Phó Chủ tịch UBND Phạm S đều trân trọng ghi nhận sự lao động sáng tạo rất thành công của các các họa sĩ. Kết quả sáng tác hội họa lần này càng tiếp tục khẳng định địa danh Đà Lạt đặc sắc, hấp dẫn, luôn là đưa đến những cảm xúc lớn đối với giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tìm đến… 
 
Vẽ giữa đại ngàn (Lưu Vũ Long)
Vẽ giữa đại ngàn (Lưu Vũ Long)
 
MINH ĐẠO