(LĐ online) - “Khoảng trời thần tiên” là một nhạc phẩm mới rất dễ thương của nhạc sĩ Cao Nguyên dành riêng cho các cháu thiếu nhi. Nhạc sĩ là người đã công tác tại Nhà Thiếu Nhi Lâm Đồng trong khoảng thời gian gần 25 năm, nên rất gắn bó và tâm huyết với các cháu. Nhân Kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2022), nhạc sĩ Cao Nguyên gửi tặng “Khoảng trời thần tiên” đến với các cháu thiếu nhi Lâm Đồng như một món quà đặc biệt.
Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Lạt xinh đẹp, cùng với biết bao kỷ niệm thân thương gắn bó cùng bạn bè và gia đình thân yêu. Nơi đó không chỉ chất chứa những ký ức tuổi thơ tuyệt diệu, những câu chuyện vui buồn của năm tháng, nhưng đồng thời khi nhớ đến nơi mình sinh ra và lớn lên; ta lại càng không thể quên công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha... Bắt đầu bằng câu hát “Em yêu sao núi đồi quê em” cùng với nét nhạc vừa có màu sắc dân ca, vừa có tiết tấu nhẹ nhàng như không gian êm đềm của vùng đất Đà Lạt, cụm từ “Em yêu sao…” được nhắc nhiều lần trong ca khúc, nhưng mỗi lần nhắc lại đều ở một cung bậc khác nhau làm cho người nghe như tăng dần cảm xúc khi nghĩ về những kỷ niệm tuổi thơ, nghĩ về những cảnh vật xinh đẹp của Đà Lạt đã in đậm vào tâm trí. Chữ “yêu” trong ngữ cảnh không phải là tình yêu đôi lứa, nhưng là tình cảm trong sáng của tuổi thơ như: Yêu hàng thông, yêu khóm hoa, yêu phố xanh thật lạ…ca khúc dẫn người nghe từ tình yêu thiên nhiên tươi đẹp đến một tình yêu sâu thẳm, lớn lao hơn đó là tình yêu gia đình, yêu cha mẹ, thầy cô, bạn bè… câu hát “Núi công cha bao vất vả ngược xuôi; suối ơn mẹ bao khó nhọc ngày đêm”, đó là những ca từ với lối đảo ngữ rất độc đáo và nội dung lại mang tính nhân văn, giúp cho bài hát thật giàu ý nghĩa và có tính giáo dục cao. Xét về mặt âm nhạc, các ca từ "Núi công cha, suối ơn mẹ" sử dụng nốt nhạc với dấu hóa bất thường cho giai điệu, vừa mang vẻ lạ lẫm gây ngạc nhiên cho người nghe, vừa man mác màu sắc dân ca, đồng thời cũng là điểm nhấn của bài hát. Điểm nhấn này làm cho người nghe như tăng thêm cảm xúc và niềm tri ân khi nghĩ về bao công ơn trời biển của cha mẹ.
Nội dung của toàn bài hát thật giàu hình ảnh, vẽ nên những bức tranh tươi đẹp về núi đồi quê hương, về những hàng thông bát ngát hát ru các em bé thơ từ những ngày nhỏ dại. Ca từ của bài hát cũng vẽ nên “những khóm hoa xinh tươi trước ngõ, hé cười mỗi sớm mai khi các em đến lớp” và những phố phường của Đà Lạt mỗi ngày lại đem đến nhiều nét lạ lẫm. Tác giả còn nói đến “Hồ gương soi bóng mây” và “những ngôi nhà đẹp như tranh treo trên những vách núi”; do đất Đà Lạt với núi đồi trập trùng làm cho những ngôi nhà không cùng nằm trên một mặt bằng. Vì thế từ ngọn đồi này nhìn qua ngọn đồi kia có thể thấy những ngôi nhà như được treo lên vách núi…
Bài hát cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến ý nghĩa của quê hương, nguồn cội, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mỗi người. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, những hoài niệm tuổi thơ luôn đi cùng với mình qua mọi chặng đường cuộc sống. Vì thế mai sau cho dù có khôn lớn thành tài, hoặc đi đâu xa xôi, những người con của Đà Lạt cũng nhớ lại những câu hát ru của mẹ và những lời dạy dỗ của cha. Thật vui khi chúng ta nhớ lại tuổi thơ của mình với những năm tháng êm đềm đáng yêu, những tháng ngày bình yên, những tiếng cười hồn nhiên, những vòng tay yêu thương của gia đình…
Chính công lao vất vả khó khăn của cha mẹ làm nên một “khoảng trời thần tiên” cho tuổi thơ và khoảng trời đó có thể đọng lại nơi mỗi người khi chúng ta khi biết dành thời gian để nhìn lại cuộc sống của mình. Một tác giả khác đã viết: “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ đi” (Nguyễn Nhật Ánh); vì khi trở lại với tuổi thơ ai cũng có thể cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp, sự trong sáng hồn nhiên, vui tươi hạnh phúc… Tuổi thơ của ai cũng luôn đầy ắp những nụ cười khi được sống trong một gia đình êm ấm, và đó chính là nơi người ta luôn muốn trở về.
Nhạc phẩm “Khoảng trời thần tiên” nói lên tâm tình biết ơn của một người con đối với cha mẹ, đối với gia đình thân thương, thầy cô, bạn bè, và đối với vùng đất Đà Lạt nơi có những khung cảnh thân quen tuyệt vời. Để rồi dù có đi xa, người ta cũng vẫn cứ nhớ về nơi mình sinh ra và lớn lên. Đà Lạt ơi! Đà Lạt ơi! Em yêu sao “khoảng trời thần tiên” của đất quê hương mình.
Ước mong tất cả những trẻ em trên thế giới ngày hôm nay, đặc biệt là thiếu nhi của thành phố Đà Lạt luôn cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên nơi đây, khi có những ngày thơ ấu hồn nhiên trong tình yêu thương bao bọc của cha mẹ, gia đình, thầy cô, bạn bè thân thương. Và mong các cháu giữ mãi những ký ức tốt đẹp của tuổi thơ để làm hành trang, làm giá trị cho cuộc sống khi bước vào tương lại.
Chương trình đem đến cho khán giả những ý nghĩa nhân văn cao quý của hình tượng hoa sen, hình tượng người mẹ - cụ Hoàng Thị Loan - trên chất liệu âm nhạc đậm chất dân gian sâu lắng.
(LĐ online) - Đó là 25 tác phẩm tranh chủ đề "Mây Đông Dương" của 5 họa sĩ tài năng chính thức triển lãm hôm nay, ngày 15/5/2022, tại Khu biệt thự Ana Mandara...
(LĐ online) - Tối 13/5, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Lâm Đồng tổ chức Chương trình bế mạc Trại sáng tác Âm nhạc năm 2021 và năm 2022.
(LĐ online) - Sau 1 tuần diễn ra tại Đà Lạt, chiều 12/5, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Múa năm 2022. Tham dự trại có 38 hội viên là các nhà lý luận phê bình múa, huấn luyện múa, thành viên Ban Chấp hành Hội...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin