Ngày 21/5, tại Đường sách TP Hồ Chí Minh đã diễn ra sự kiện giao lưu, ra mắt những cuốn sách viết về Bác Hồ nhân Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2022).
|
Chương trình giao lưu, ra mắt sách viết về Bác Hồ có Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn; nhà báo Dương Thành Truyền; PGS.TS Huỳnh Thị Gấm, Trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia khu vực II; TS Nguyễn Thị Thanh Kiều, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh |
Hai tác phẩm được giới thiệu, ra mắt dịp này có tên gọi: "Từ 'Đường cách mệnh' đến 'Sửa đổi lối làm việc' - Ánh sáng xuyên thế kỷ" của PGS.TS Bùi Đình Phong (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành) và cuốn sách: "Hành trình theo chân Bác" của tác giả Trần Đức Tuấn (NXB Trẻ phát hành).
Cuốn "Từ 'Đường cách mệnh' đến 'Sửa đổi lối làm việc' - Ánh sáng xuyên thế kỷ" sẽ cho người đọc thấy tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đó, "Đường cách mệnh" được xuất bản cách đây 95 năm, còn "Sửa đổi lối làm việc" được Bác viết cách đây 75 năm. Song qua hai tác phẩm này, Bác đã nhìn xuyên suốt và nói với chúng ta những vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta đang đối diện trên hai phương diện: tích cực và tiêu cực, đúng và sai, tốt và xấu, hay và dở, giá trị và phản giá trị, tiến bộ và phản tiến bộ; đặc biệt là những thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó chúng ta có thể sửa mình cho đúng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên gương mẫu vì dân.
Đặc biệt, trong cuốn sách này, tác giả Bùi Đình Phong còn làm nổi bật ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn của hai tác phẩm trên trong tiến trình cách mạng Việt Nam như bó đuốc soi đường, ánh sáng xuyên thế kỷ cho cách mạng của dân tộc Việt Nam.
|
Các tác phẩm viết về Bác Hồ đang được trưng bày, giới thiệu tại Đường sách TP Hồ Chí Minh |
Cuốn ký sự “Hành trình theo chân Bác” của tác giả Trần Đức Tuấn được hình thành từ ý tưởng hợp tác giữa NXB Trẻ và Hãng phim TFS để cho ra đời một quyển sách nói về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 5/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng đến ngày 28/1/1941 tại cột mốc 108 ở Cao Bằng; đặc biệt là giai đoạn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Ngoài ra, chính tác giả Trần Đức Tuấn cũng là người biên soạn nội dung cho tấm bản đồ "Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ", từng đoạt giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII- 2021.
Theo đó, nội dung cuốn sách “Hành trình theo chân Bác” là tập hợp những trang bút ký về những chuyến đi của đoàn làm phim Hồ Chí Minh - Một hành trình lần theo dấu chân xưa của Bác trên con đường hoạt động cách mạng. Sách được lấy chất liệu từ những lời bình của bộ phim 15 tập “Hồ Chí Minh - Một hành trình” và một số đoạn trong bộ phim 90 tập “Ký sự hành trình theo chân Bác". Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tác giả Trần Đức Tuấn cũng đã dành nhiều tâm huyết để viết thêm, chỉnh lý thêm nội dung cho phong phú, đa dạng, thậm chí có những chương được tác giả viết lại gần như hoàn toàn nhằm giới thiệu đầy đủ về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác đến khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng nước nhà thành công.
|
Nhà báo Dương Thành Truyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV NXB Trẻ chia sẻ về quá trình thực hiện bản đồ "Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ" trong buổi giao lưu ngày 21/5 |
Chia sẻ tại buổi giao lưu, PGS.TS Huỳnh Thị Gấm cho biết, hiện nay tư tưởng Hồ Chí Minh đã được khẳng định vai trò rất rõ trong đời sống của nhân dân và trong những hoạt động chính trị, đạo đức, tư tưởng của các đảng viên, cán bộ, viên chức... Vì vậy, để thế hệ trẻ ngày nay quan tâm nhiều hơn, đam mê hơn đến quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết, phải làm cho họ hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời gian đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin