Trở về hồn địa Chu Ru

06:05, 23/05/2022
Nhà thờ Ka Đơn, kiến trúc tôn giáo thấm đẫm hồn địa Chu Ru, nơi thiên nhiên và nhà thờ cùng tôn vinh nhau.
 
Nhà thờ Ka Đơn mang đậm nét văn hóa Chu Ru
Nhà thờ Ka Đơn mang đậm nét văn hóa Chu Ru
 
Tôn tạo những giá trị tự nhiên, làm toát lên vẻ độc đáo giữa cảnh quan thiên nhiên và công trình kiến trúc”, ý tưởng về ngôi nhà thờ giản dị, thân thiện, hòa điệu với mảnh đất và con người sở tại của Linh mục Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) đã được vợ chồng kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Tuấn Dũng (Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức) hiện thực hóa bằng một bản thiết kế mang đậm bản sắc địa phương: “Đơn sơ, ít màu sắc, ít trang trí, trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu”. “Mảnh đất nhà thờ đã sẵn thiêng liêng. Chúng ta không cần thay đổi bất cứ điều gì”, Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc nêu rõ.
 
Theo đó, vợ chồng kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Tuấn Dũng đã thiết kế nhà thờ Ka Đơn với cấu trúc thấp rộng, ẩn giữa rừng thông, đậm hơi thở văn hóa Chu Ru. Chỉ có tháp chuông đưa thánh giá lên cao để tín hữu nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, cũng như nhận ra sức mạnh nội tâm, mảnh mai nhưng mạnh mẽ. Nhà thờ Ka Đơn xây dựng trong 4 năm, từ năm 2010 đến năm 2014, kế thừa và phát triển thêm một số chi tiết của ngôi nhà truyền thống người Chu Ru, đáp ứng công năng vừa là nơi thực hành thánh lễ vừa là nơi lưu giữ văn hóa bản địa. Toàn bộ vật liệu chính xây nên nhà thờ là những vật liệu có sẵn tại địa phương: gỗ thông, gạch, ngói, đá... Bởi nhịp điệu tạo ra từ hệ thống những thanh gỗ thông nhỏ xếp song song tựa những bức rèn cách điệu, cộng hưởng với tiết tấu của hệ thống cột mảnh dẻ mà không gian bên trong nhà thờ và cảnh vật thiên nhiên bên ngoài không bị chia cắt. Người tham dự thánh lễ, nếu đứng ở bên trong thánh đường, không hề bị che khuất tầm nhìn, vẫn thấy cảnh đẹp của thiên nhiên để nâng tâm hồn mình lên, nếu đứng ở bên ngoài thánh đường vẫn cảm nhận rõ bầu không khí bên trong thánh đường để cầu nguyện.
 
Chính nhờ nhịp điệu, tiết tấu của hệ thống tường bao quanh và trần nhà ghép từ những thanh gỗ thông đã làm tăng thêm tính thiêng liêng của không gian thánh lễ. Nhờ thiết kế này, nhà thờ Ka Đơn, vừa tận dụng được nguồn sáng tự nhiên, vừa tạo được một không gian thoáng rộng và gần gũi để bất cứ ai cũng có thể bước vào nhà thờ. Sự mộc mạc và gần gũi của nhà thờ còn thể hiện qua việc thiết kế nhà thờ Ka Đơn không có bậc thềm, chẳng tiền sảnh, không cổng rào... Ngay cả tranh tượng trang trí trong nhà thờ cũng không theo lối thông thường, chỉ trang trí những mảng phù điêu gỗ hoặc gốm tối giản. Ở nhà thờ Ka Đơn, tất cả các băng ghế đều làm từ gỗ thông, cách điệu từ hình ảnh con trâu trong văn hóa truyền thống của người Chu Ru. Ghế không có lưng dựa để khỏi vướng víu, vì tín hữu nơi đây phần đa luôn mang gùi mỗi khi tham dự thánh lễ. Một lý do nữa, vì không gian thánh lễ ở đây là phòng sinh hoạt đa năng, những băng ghế nhẹ nhàng sẽ dễ sắp xếp mà không tốn quá nhiều công sức và thời gian di chuyển.
 
Trở về hồn địa để cùng tôn tạo nét riêng của mảnh đất, nhà thờ Ka Đơn đã tạo ra những giá trị mới, vượt qua giới hạn hình khối và công năng sử dụng. Theo Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long, Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn, “Sự trở lại của hồn địa - thiết kế nhà thờ Ka Đơn” sau khi thành hiện thực có sự đóng góp của nhiều giáo sư, kiến trúc sư, kỹ sư người Đức và Việt Nam, cùng hàng chục ngàn giờ lao động của cư dân bản địa. Công trình này, đã nhận Giải thưởng Kiến trúc Tôn giáo - Kiến trúc Thánh lần thứ IV, năm 2011, tại Italia. Năm 2016, công trình nhà thờ Ka Đơn tiếp tục đoạt giải Nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ VI, tại Italia, do Quỹ Frate Sole tổ chức trên toàn thế giới.
 
TRỊNH CHU