Giải thưởng Văn học tuổi 20 thêm một lần không có giải Nhất, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhì cho tác giả Yang Phan với tập truyện dài “Vụn ký ức” và tác giả Duy Ân với truyện ngắn “Nửa lời chưa nói".
Trao giải Nhì cho tác giả Yang Phan với tác phẩm "Vụn ký ức" |
Ngày 24/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ bảy.
Cuộc thi không có tác phẩm đoạt giải nhất. Ban tổ chức đã trao hai giải Nhì cho tác giả Yang Phan (tên thật là Phạm Anh Tuấn) với tập truyện dài “Vụn ký ức” và tác giả Duy Ân với truyện ngắn “Nửa lời chưa nói.”
Giải Ba thuộc về tác giả Lê Quang Trạng với tác phẩm “Vệt sáng của bụi” và Nguyễn Thu Hằng với tác phẩm “Chuồng cọp trên cao.”
Đây là lần thứ hai liên tiếp, cuộc thi Văn học tuổi 20 không có giải Nhất.
Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết, sau 7 kỳ tổ chức Văn học tuổi 20, số lượng tác phẩm dự thi lên đến 2.133. Trong đó, mùa thứ bảy có 511 tác phẩm gửi dự thi, là con số lớn nhất trong các kỳ tổ chức.
Bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, giải thưởng cũng thu hút những cây bút mới, nhiều tác giả còn kiên trì theo đuổi giải thưởng bằng cách gửi bài dự thi 2-3 mùa.
Các tác giả đến từ mọi vùng, miền của Tổ quốc, có những người đang học tập, làm việc tại nước ngoài.
Văn học tuổi 20 đã phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng.
Theo bà Phan Thị Thu Hà, những cái tên như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Phong Điệp, Nhật Phi… vẫn đang tiếp tục thể hiện cá tính sáng tạo, đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng có tên Văn học tuổi 20.
Đánh giá về tác phẩm “Vụn ký ức” của tác giả Yang Phan, hai vị giám khảo nữ là Phan Hồn Nhiên và Nguyễn Ngọc Tư đều đưa ra nhận định khá ngắn gọn là có sự vượt trội, nội dung hay và hấp dẫn.
Về tác phẩm “Nửa lời chưa nói” của tác giả Duy Ân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Thi cho rằng, tập truyện mang lại một cái nhìn có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hóa.
Các truyện viết khá nhuần nhị đều tay, tuy đôi lúc hơi nặng về lý trí. Kỹ thuật trần thuật khá linh hoạt, biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn.
Ở góc độ khác, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Văn Giá đánh giá tác giả trẻ Duy Ân đã chọn chủ đề khoa học về ngôn ngữ và nhận thức của con người làm đối tượng quan tâm và mô tả.
Nhờ lối viết thông minh xen chất trào tiếu nhẹ nhàng, tác phẩm nêu lên những phát hiện bất ngờ như giữa hoạt động ngôn ngữ và hoạt động nhận thức không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, mà nhiều khi chênh lệch, bất khả tri, bất khả dụng...
Đây là vấn đề về triết học ngôn ngữ, chỉ mới ra đời vào nửa sau của thế kỷ 20 và cũng vấn đề mà từ trước đến nay các nhà khoa học và triết học vẫn luôn bận tâm.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin