(LĐ online) - Tranh bút lửa là môn nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa của thành phố Đà Lạt nói riêng và đã xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 6 làm tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Lâm Đồng năm 2022.
|
Anh Nguyễn Khánh Hoàng đang vẽ tranh bằng bút lửa tại Đà Lạt |
Lâm Đồng ngoài các tác phẩm về hội họa, điêu khắc, tranh thêu tay... từ lâu đã nổi tiếng với nghề vẽ tranh bút lửa. Cái tên Nguyễn Khánh Hoàng được xem là một trong số những nghệ nhân còn giữ “hồn xưa” của Đà Lạt vì gần 10 năm qua, anh đã góp phần hồi sinh, giữ gìn tranh bút lửa của Đà Lạt tại Lâm Đồng. Mới đây, những tác phẩm của anh lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng chính thức đưa vào sách giáo khoa lớp 6 làm tài liệu giáo dục địa phương.
|
Tác phẩm tranh bút lửa của anh Nguyễn Khánh Hoàng chính thức được đưa vào tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng |
• NGƯỜI “MÚA” BÚT LỬA THÀNH DANH TẠI LÂM ĐỒNG
Anh Nguyễn Khánh Hoàng sinh năm 1979, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Đà Lạt. Anh sinh ra tại vùng quê nghèo khó, sau khi học xong cấp 3, anh phải làm nhiều công việc cùng lúc để mưu sinh ở nhiều nơi. Năm 2013, một phần vì muốn ổn định cuộc sống và hơn hết, anh cảm thấy nhàm chán với công việc làm thuê hiện tại nên quyết định vào Đà Lạt lập nghiệp và cái duyên “gõ cửa” tranh bút lửa cũng có từ ngày đó.
Ban đầu, anh cũng vẽ tranh màu như bao người nhưng do ngày càng nhiều người vẽ, tranh bán không chạy, mặc dù anh đã thử qua nhiều chất liệu như vẽ trên bút gỗ, móc khóa, sành sứ… nhưng vẫn không duy trì được dài lâu. Có lẽ trải qua nhiều sóng gió, anh Hoàng mới tìm được “chân ái” của những người làm nghệ thuật như mình...
Trong lần tình cờ bắt gặp một người bạn đang dùng bút lửa để vẽ, anh Hoàng tò mò và thấy hay nên đã theo học, phải mất gần nửa năm, anh mới có thể cầm bút lửa và đi những đường nét cơ bản trên gỗ. Nhờ sự cần cù, tỉ mỉ mà sau 10 năm theo nghề, tranh bút lửa của anh Hoàng đã được rất nhiều người biết đến.
Đúng là không có nghề nào dễ dàng nhưng tranh bút lửa đã thay đổi và trở thành bước ngoặc lớn của cuộc đời người con xứ Huế. Tranh của anh từ vẽ thư pháp, phong cảnh đến vẽ chân dung chủ yếu được lấy từ các tác phẩm văn học Việt Nam và đặc biệt là anh luôn tìm vẽ chân dung những người còn mang đậm cái “thần” của người Đà Lạt xưa. Do đó, những tác phẩm của anh không chỉ góp phần giữ gìn nghề tranh bút lửa tại Đà Lạt mà còn được chính thức đưa vào sách lớp 6 làm tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng. Chính vì vậy, năm 2022 là một cột mốc khó quên trong cuộc đời đi theo nghệ thuật của anh Nguyễn Khánh Hoàng.
|
Một số tác phẩm của anh Nguyễn Khánh Hoàng được vẽ theo nhiều chủ đề khác nhau |
• TRANH BÚT LỬA VÀO TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG
Được biết, mỗi chủ đề mà tài liệu giáo dục địa phương lựa chọn đều hướng người học đến gần hơn với thực tiễn. Do đó, “Giáo dục địa phương” là tài liệu bắt buộc đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chiếm 20% thời lượng giảng dạy. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 33, quy định việc thẩm định tài liệu dạy học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn. Trong đó, giáo viên phải vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương nhằm tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh… Qua đó, giúp người học cảm thấy hứng thú với chương trình dạy học “mở” và vận dụng tính thiết thực của tài liệu giáo dục địa phương vào trong cuộc sống thường nhật.
Năm 2022, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng lớp 6 được biên soạn theo 7 chủ đề, đều hướng người học đến gần hơn với thực tiễn. Trong mục “tác phẩm mỹ thuật Lâm Đồng” có giới thiệu nghề vẽ tranh bút lửa, hai tác phẩm là phong cảnh “Đà Lạt sương” và chân dung “Già làng” của anh Nguyễn Khánh Hoàng được đưa vào sách, để học sinh có thể phân biệt được giữa tranh bút lửa với các loại tranh khác, cũng như các nguyên liệu làm nên tranh bút lửa.
Ở trang 45, mục “em có biết” đã có giới thiệu sơ lược về nghề vẽ tranh bút lửa: “tranh bút lửa thường được tạo bởi một vật kim loại được đốt nóng bằng điện rồi đốt hoặc khắc trên loại gỗ tốt, mịn, trắng, không bị nứt, có mùi thơm. Màu sắc, đường nét, hình khối, không gian trong tranh phụ thuộc vào kỹ thuật đốt/khắc nông – sâu, to – nhỏ của người nghệ sĩ”...
Có lẽ nhờ vậy, mà người trẻ mới biết đến nghề vẽ tranh bằng bút lửa phải trải qua nhiều công đoạn từ tìm ý tưởng, phát họa nội dung, mài gỗ và sử dụng khéo léo cây bút lửa để thể hiện sức sáng tạo của người nghệ nhân… và với tình yêu nghề của người nghệ sĩ mới làm nên những tác phẩm để đời cho hôm nay. Tùy vào tuổi nghề để quyết định mỗi tác phẩm có những đường nét nhấn nhá và “thần thái” riêng…
|
Tạo tác một tác phẩm tranh bút lửa |
Anh Hoàng tâm sự: Hồi xưa, lúc tôi còn lận đận chưa tìm được công việc ổn định, nhờ bạn bè và mọi người đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi hành nghề những ngày đầu ở nơi xứ người và có động lực gắn bó đến ngày hôm nay. Cảm ơn những người con Đà Lạt đã cho phép tôi được khắc họa chân dung, lưu giữ lại cái “hồn xưa” trên những tác phẩm tranh bút lửa của mình.
Hiện tại, anh Hoàng vẫn duy trì nghề vẽ tranh bút lửa ở Đà Lạt và Huế. Ban đầu, ước mong của anh Hoàng chỉ là tìm cho mình một công việc ổn định kiếm kế mưu sinh qua ngày. Nhưng có lẽ, nhờ vào sự kiên trì, nhẫn nại để anh theo nghề với tấm lòng nhân hậu của mình, anh luôn vui vẻ, hòa động và sẵn lòng nhận lời chỉ bảo người sau về cách vẽ tranh từ bút lửa. Vậy nên, ngày càng nhiều người biết đến cái tên Nguyễn Khánh Hoàng và trân quý người con “bắt nhịp cầu 2 xứ Huế”.
Sau gần 10 năm theo nghề, điều mong mỏi của anh Hoàng là nghề vẽ tranh bút lửa sẽ được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù, “người giữ lửa” ngày càng ít, cộng với sự trùng lặp, cạn kiệt về đề tài, tranh bút lửa dần bị mai một… Nhưng, với sự nỗ lực đổi mới của các nghệ nhân trong nghệ thuật tranh bút lửa và sự tiếp sức của các sở, ban, ngành thì dòng tranh độc đáo của Đà Lạt chắc chắc sẽ còn được lưu truyền.
ĐẶNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin