Hạ đã về. Nắng chiếu qua những tán lá xanh, ngồi trước hiên nhà nhìn xa xăm bỗng thấy mình thật lạ, cứ ngẩn ngơ nhớ về những ký ức xa xưa. Là cả một bầu trời nhớ thương thương nhớ. Như hôm nay tôi nhớ về Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) ở miền quê nghèo nhưng đầy ắp tình yêu có mẹ cha, có ông bà và những người mến thương.
Nụ cười trẻ thơ. Ảnh: Phan Nhân |
Ngày ấy còn bé tí thế mà bây giờ đã ngoài ba mươi. Thời gian cứ thế mà trôi đi chỉ có ký ức là vẫn vẹn nguyên không bao giờ trôi mất. Đôi khi nó chỉ lạc vào một góc nhỏ tận sâu trong tâm hồn khi chúng ta mãi vướng bận chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Để rồi hôm nay mọi người mua quà tặng các con nhân dịp 1.6 cứ tưởng những kỷ niệm ngày ấy bị lãng quên nhưng nay miền ký ức ùa về như những thước phim và phát lại vào một thời điểm luôn bắt đầu bằng hai tiếng “ngày xưa...”.
Ngày xưa, mẹ cha dạy con về những bài học về tử tế, những phép tắc, lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới, lòng biết ơn, lối sống ngay thẳng, bao dung... Và những câu ca đến giờ con vẫn nhớ. Để rồi khi trưởng thành mỗi khi con vấp ngã, khó khăn hay hạnh phúc con luôn nghĩ về mái ấm gia đình như nguồn động lực tiếp thêm cho con ý chí, sự tin tưởng để bước đi mạnh mẽ hơn.
Tuổi thơ ngọt ngào quá đỗi. Là những ngày được theo cha ra đồng, rồi được đi dạo quanh làng. Lúc về, cha cõng tôi trên lưng. Lưng cha như tấm thảm rộng, trải đầy gió, trải đầy mây. Cái cảm giác đó đến giờ tôi không thể nào quên được. Một cảm giác ngọt ngào khó tả. Trên bờ đê, nhìn ra cánh đồng lúa cha sẽ chỉ cho cách nhổ cỏ, cày sâu, cấy lúa... Nhưng cha sẽ không quên dặn “Học hành tiến bộ, bay cao bay xa hơn nữa con ơi”. Thương lắm chứ cái đức chịu khó làm lụng và hiền lành như đất, như lúa khoai, như vườn ruộng của cha.
Ngày Quốc tế thiếu nhi hồi ấy còn nghèo lắm. Không đủ đầy như bây giờ. Nhưng sao những đứa trẻ ở xóm nghèo ấy vẫn rất vui, mạnh khỏe và cứ thế lớn lên. Dịp ấy, trưởng thôn sẽ nói trên loa phát thanh mời tất cả trẻ em lên nhà văn hóa để chung vui. Có kẹo, có bưởi, ổi hái trong vườn. Cùng nhau hát, đọc thơ. Ánh mắt, nụ cười đứa nào đứa nấy ngập tràn sự hạnh phúc và vui sướng. Còn ở nhà mẹ sẽ chuẩn bị những bữa cơm ấm áp, giản dị. Mẹ vẫn thế, dịu hiền tần tảo sớm hôm, dẫu có thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho con cái được no đủ.
Tôi có cái lạ là thích ngắm cảnh đồng quê buổi chiều. Bởi đồng làng về chiều dẫu nắng có hoàng hôn hay là những ngày mưa âm u thì trong tôi đó là cảnh bình yên nhất. Như một bức tranh hiền hòa và êm diu. Bức tranh ấy tuy có mộc mạc, đơn sơ nhưng đủ ấm lòng người xa xứ ngày trở về và rơm rớm nước mắt ngày chia xa. Kìa, là thằng Tí, con Tèo nằm trên lưng trâu, tóc mùi khét nắng. Rồi những trưa trốn mẹ ra đồng mò cua, bắt cá nướng ăn. Cái thời đói nhưng sao lại vui đến thế. Nghĩ tới đây cứ ước có tấm vé trở về tuổi thơ đắt mấy cũng mua cho bằng được. Nhớ nhung da diết.
Giờ lập nghiệp nơi đất khách quê người, nhiều lần mỏi bước giữa cái xô bồ của thành thị, lòng lắm lúc cứ mong được bé lại trở về khoảng trời yêu dấu ngày đó. Mong rồi sẽ có một dịp trở lại với tuổi thơ nơi quê nhà để sống trọn với tình thương yêu dịu dàng, gần gũi. Bất chợt nhớ những vần thơ của nhà thơ Tế Hanh:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng...”.
THIÊN KIM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin