Cách mạng tháng 8/1945 cách đây 77 năm nhưng âm vang của những ngày lịch sử hào hùng đó vẫn còn vang mãi trong kí ức của dân tộc. Đó là những ngày không thể nào quên, những ngày mà cả nước đứng lên “như nước vỡ bờ” cuốn phăng đi mọi thế lực của chính quyền cũ, lập nên chính quyền mới. Đó là âm vang lời Hịch, lời kêu gọi hào sảng, thiết thực biết bao của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đó là chớp lấy thời cơ của bước ngoặt lịch sử: “Pháp - Nhật bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đó là khí thế trầm hùng mà nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi trong bài hát “Diệt Phát xít” nhịp điệu như làn sóng vũ bão, bước đi rắn rỏi điệp khúc hòa chung của tầng tầng, lớp lớp Nhân dân đã chịu bao áp bức xiềng gông nay vùng dậy đứng lên: “Việt Nam, bao năm ròng rên xiết lầm than - Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang - Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình - Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình - Đồng bào tuốt gươm vùng lên - Đã đến ngày trả mối thù chung”. Âm vang hào hùng những tháng ngày mùa thu lịch sử đó đã được các nhà nhiếp ánh chớp lấy khoảnh khắc có một không hai. Đó là: Những đoàn người tiến vào Bắc Bộ phủ, cả rừng người trước nhà hát lớn Hà Nội. Từ đó hai tiếng “đồng bào” thật thân thiết biết bao cùng chung đội ngũ, cùng chung ước nguyện, cùng chung ý chí. Ngọn gió cách mạng tháng 8 thổi đến sự hồi sinh kỳ diệu của dân tộc, cả một khối kết đoàn tạo ra sức mạnh vô biên. Sức mạnh đó từ cội nguồn trầm tích lịch sử của quá khứ, sức mạnh đó được nhân lên gấp bội lan tỏa khi có ánh sáng của Đảng soi đường của lý tưởng cách mạng. Cả dân tộc “Vui bất tuyệt” như tên một bài thơ viết trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng của nhà thơ Tố Hữu. Chưa bao giờ đại từ “Ta” được sử dụng với tần suất lớn với nhịp điệu rạo rực hào hùng: “Hãy bay lên sông núi của ta ơi - Nước mắt ta trào húp mí, tràn môi - Ai dám cấm ta say, say thần thánh - Ngực lép 4.000 năm trưa nay cơn gió mạnh - Thổi phồng lên, tim bỗng hóa mặt trời”. Tôi bồi hồi và xúc động khi xem lại, sống lại với những thước phim thật sống động trong bộ phim truyện “Sao tháng Tám” đã tái hiện lại chân thực không khí, khung cảnh những ngày cách mạng hào hùng. “Sao tháng Tám” là ngôi sao đưa dân tộc ta từ bị áp bức nô lệ vùng lên xóa bỏ xiềng gông làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ non sông đất nước! “Sao tháng Tám” là ngôi sao chiếu rạng tỏa ánh hào quang từ ngày ấy đến hôm nay; là ngôi sao lấp lánh trên lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cắm lên nóc hầm của tướng Đờ Cát-xtơ-ri trong Chiến dịch toàn thắng Điện Biên Phủ; “Sao tháng Tám” theo bước chân anh giải phóng quân cắm lá cờ giải phóng lên tòa nhà Dinh Độc Lập trưa ngày 30/04/1975 lịch sử.
|
Lăng Bác như một đài hoa giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu |
Để có 15 ngày cả nước vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân, Đảng ta đã có một cuộc chuẩn bị 15 năm (1930 - 1945) từ những cuộc tổng diễn tập, đổ bao xương máu để có kinh nghiệm đấu tranh bằng thực tế phong phú trong mọi hoàn cảnh diễn biến phức tạp.
Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng (1930 - 1931) với đỉnh cao là Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Trong các cao trào cách mạng đó có biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nhưng tên tuổi của các chí sĩ yêu nước, của các lãnh tụ Đảng còn sống mãi ghi danh vào lịch sử nước nhà, ghi danh vào ký ức dân tộc, ghi danh vào niềm thương mến với bao tình cảm của Nhân dân.
Trong những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử hào hùng này ta lại càng bồi hồi nhớ đến Bác Hồ kính yêu - Người thuyền trưởng tài ba đã lái con thuyền cách mạng của dân tộc ta vượt qua bao ghềnh thác đến bến vinh quang. Bác Hồ là người chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám từ những bước đi, bước ngoặt của tiến trình cách mạng hợp với quy luật của thời đại nhưng lại có bao sáng tạo mới phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đó là việc ra đời mặt trận Việt Minh khối đoàn kết, là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Bác đã soạn thảo “Mười chính sách của Việt Minh” để tuyên truyền cổ động Nhân dân làm thức dậy truyền thống yêu nước của mọi tầng lớp đứng lên đánh giặc cứu nước. Bác viết: “Chúng ta có Hội Việt Minh - Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh”. Song song với việc chuẩn bị lực lượng cho cuộc giải phóng mà Bác đã tiên tri dự báo chính xác: “45, sự nghiệp hoàn thành”, ngày 22/12/1944 theo chỉ thị của Bác, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đội gồm 34 cán bộ, chiến sĩ long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự trong đó lời thề thứ nhất khẳng định: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”. Đây là những cuộc chuẩn bị có tầm nhìn chiến lược vạch ra đường lối cụ thể để tiến tới Cách mạng tháng Tám thành công như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định “Một bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử loài người”. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, với lực lượng chỉ 5.000 đảng viên, Đảng ta đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang của toàn dân từ Bắc chí Nam. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi giành được chính quyền đầu tiên. Rồi đến Hà Nội, đông đảo Nhân dân biểu tình tuần hoàn vũ trang cướp chính quyền ngày 19/8. Làn sóng biểu tình lan rộng khắp miền Bắc, miền Trung. Hơn 15 vạn Nhân dân Huế xuống đường tuần hành vũ trang buộc chính quyền trung ương đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị chấm dứt chế độ quân chủ ở nước ta. Tiếp đó, Nhân dân Sài Gòn đứng lên lật đổ chính quyền tay sai Nhật thành lập chính quyền cách mạng. Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng oanh liệt nhất, vẻ vang nhất cực kỳ vĩ đại của dân tộc mang tính thời đại, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử trong nắng thu vàng, lá thu vàng, với màu cờ đỏ sao vàng tươi thắm trên các ngã đường Thủ đô Hà Nội. Một mùa thu tuyệt đẹp và thu Hà Nội đẹp nhất cả nước. Lòng ta xao xuyến khi nghe giai điệu da diết của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: “Hà Nội mùa thu - Cây cơm nguội vàng - Cây bàng lá đỏ - Nằm kề bên nhau - Những ngôi nhà cổ - Mái ngói thẩm nâu”. Một Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Một Hà Nội đã từng là “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng - Cho hôm nay và cho mai sau” (Phan Nhân). Hà Nội, Thành phố hòa bình; Hà Nội, Thành phố rồng bay. Chính nơi đây, cách đây 77 năm là tâm điểm, là nơi tạo ra sự rung chấn cộng hưởng lịch sử là dây chuyền bùng nổ cuộc cách mạng “long trời, lở đất”. Tôi bồi hồi đi trên các ngả đường mà cứ ngỡ như mình đang cuốn đi trong âm vang hào hùng của mùa thu lịch sử, của dòng người cuồn cuộn muôn ngả đổ về phất cao lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, hát vang khúc “Tiến quân ca” (Sau này là Quốc ca của Việt Nam): “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu nước…”. Nhìn lên vòm trời cao rộng bỗng bát ngát lòng mình với cảm xúc lớn lao niềm tự hào dân tộc: “Mây của ta, trời thẳm của ta”. Tháng Tám này mùa thu xanh thắm, đó là sắc xanh, sức xanh trỗi dậy lòng người hồ hởi, thiên nhiên đẹp tươi. Lăng Bác như một đài hoa giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Quảng trường Ba Đình sắc xanh ngời tươi màu cỏ. Nơi đây ngày 02/09/1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu đã long trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Thưa Bác, tuy Bác đã đi xa cũng vào một ngày mùa thu lịch sử nhưng sự khẳng định hào khí của chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn sáng mãi trong tâm thức và ý chí của dân tộc. Từ âm hưởng của bản tráng ca cách mạng tháng 8 đã truyền thêm sức mạnh, lòng tự hào tô thắm mãi trang sử vàng của một mùa thu cách mạng hào hùng…
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin