|
Minh họa: Phan Nhân |
Lâm lơ ngơ đứng trước cổng một ngôi nhà lạ. Người đàn ông mà mẹ nói “từ giờ sẽ thay bố chăm sóc cho con” đang lạch cạch mở khóa. Cánh cửa sắt được mở ra, nó không kêu lẹt kẹt như cửa căn nhà trọ của mẹ con Lâm. Đưa mắt nhìn vào trong, Lâm bắt gặp một bé gái đang nằm ngủ trên chõng, tay còn ôm con gấu bông. Đỡ chiếc túi xách trên tay mẹ, chú Hải nói:
- Nhà mình đây rồi. Hai mẹ con vào đi.
“Nhà mình”, hai từ ấy Lâm nghe vừa lạ lẫm vừa thân thuộc. Kể từ khi ngôi nhà của ông bà bị bán, thằng nhỏ không dám tin sẽ có ngày này. Trước đó cả nhà Lâm ở trọ trong một con hẻm cụt. Hàng ngày bố mẹ đi làm, Lâm nghỉ hè bị nhốt tịt trong nhà không nhìn thấy gì ngoài những bức tường cao chót vót. Xóm trọ nghèo lụp xụp, lời ru của cô Bông hàng xóm chới với mãi vẫn không thoát nổi khung trời chật hẹp. Lâm nhớ ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa nhà nội. Ở đó, mở mắt ra đã có thể nhìn thấy bầu trời xanh vời vợi trên đầu. Lâm nằm dưới chiếc chõng bà mắc vào hai cây xoài ngoài vườn, đung đưa ngắm những đám mây. Bà nói: “Nếu mây bã bừa, trời sẽ nắng rất to”. Những đám mây diệu kì biến hóa liên tục, từ con chó cụt đuôi bỗng chốc đã biến thành ông bụt với bộ râu trắng muốt. Lấp ló giữa núi mây là Tôn Ngộ Không cầm gậy, vậy mà vừa chớp mắt đã kịp biến hóa thành con quái vật khổng lồ. Có khi Lâm reo lên: “Bà ơi nhìn kìa! Đám mây giống bà quá chừng kìa. Cái lưng còng và đôi tay đang bưng cái mẹt”. Bà nheo đôi mắt mờ đục nhìn lên bầu trời nắng chói chang, chịu không thể nào kiếm tìm nổi một dáng lưng còng trong tiếng reo trong veo của thằng cháu nội.
Ôi mảnh vườn của bà đẹp hơn bất cứ câu chuyện cổ tích nào mà Lâm từng nghe kể. Từng tán cây xanh mát đan vào nhau rì rào những buổi trưa hè. Lũ chim sâu lích chích luồn trong vòm lá. Thỉnh thoảng lũ ve rỉ rả kể câu chuyện mùa hè. Mặc kệ, Lâm nằm ngủ sau khi đã trèo leo thấm mệt. Trong túi áo còn bỏ quên quả ổi chưa kịp chín. Những chùm vải đầu mùa chờ nắng nhuộm đỏ au lớp vỏ. Bà sẽ hái chúng thắp hương cho ông. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, sau này bà mất rồi, mùa quả nào cháu cũng thắp hương cho ông nhé. Ngày xưa ông vất vả lắm mới khai hoang được mảnh đất này. Cũng vì làm lụng nhiều quá mà ông lao lực mất sớm”. Lâm sinh ra, ông đã mất rồi. Dù chưa hề được sống cùng ông ngày nào nhưng Lâm luôn cảm nhận được sự ấm áp đâu đó trong mỗi bóng cây. Lâm cứ nghĩ mình sẽ được lớn lên trong ngôi nhà ấy. Cho đến khi bà bệnh nặng, nợ mới chồng nợ cũ. Bố mẹ không còn cách nào khác phải bán nhà để chạy chữa cho bà và đắp đậy nợ nần. Nhưng không có phép màu nào xảy ra. Bà mất đi, mảnh vườn góc sân cũng không còn nữa. Bố mẹ theo người quen xuống phố mưu sinh.
Ngôi nhà trọ tuy chật chội nhưng ấm cúng tiếng cười. Bố mẹ xin làm trong công ty vệ sinh, hàng ngày thu gom rác trên các tuyến phố. Sau giờ làm, bố trở về nhà cặm cụi sửa cho Lâm vài món đồ chơi cũ nhặt được ở đâu đó. Mẹ tạt qua chợ mua món mà bố con Lâm thích. Bữa nào có bát canh chua, bố ăn ngon miệng lắm. Ăn xong, thỉnh thoảng buổi tối cả nhà ra phố chơi. Bố chỉ chỗ này chỗ kia, nói với Lâm bao nhiêu điều thú vị. Ngồi sau xe, Lâm vòng tay ôm chặt, tựa đầu vào lưng bô,́ phố xá ồn ào cũng thấy đáng yêu. Nhưng ngày tháng bình yên ấy không được bao lâu. Buổi chiều hôm ấy trời mưa to lắm. Lâm đợi mãi, đợi mãi không thấy bố về. Một chiếc xe ô tô nào đó đã lao vào bố. Lúc đội vòng khăn trắng trên đầu, Lâm cứ nghĩ chỉ là một giấc mơ…
***
Trong lúc chú Hải vung tay đuổi mấy con gà mon men bén mảng vào sân thì mẹ con Lâm còn ngơ ngác đứng nhìn. Lâm không biết làm thế nào để nhà người lạ sẽ trở thành nhà mình? Làm sao có thể coi người lạ là gia đình? Lâm còn đang loay loay với đủ câu hỏi trong đầu thì bé gái tỉnh giấc chạy ào ra:
- Bố ơi! Anh Lâm đây đúng không ạ?
Không kịp để ai trả lời, bé gái vừa chạy lại nắm lấy tay Lâm vừa láu táu:
- Em là bé Na. Từ giờ anh về đây ở đúng không? Bố ơi! Thế là con có anh trai rồi nhé. Khỏi lo ai bắt nạt.
Bàn tay bé nhỏ của bé Na nắm lấy tay Lâm lôi vào nhà. Con bé chỉ tay bảo:
- Đây là phòng của em. Dưới kia là bếp. Chiếc tivi này bố em mới mua đấy, nhưng tiếng nó ồn lắm em không thích. À, con chó của em tên là Mi nu. Nó chỉ thích ăn thịt, ăn cá mà chẳng chịu ăn rau. Nó giống em đấy mà, ăn rau xanh ruột.
Lâm phì cười, nhìn đôi má bống phúng phính thấy bé Na đáng yêu quá chừng. Thỉnh thoảng con bé lại ngước đôi mắt đen láy, trong veo, chớp chớp hàng mi nhìn Lâm hỏi đủ điều: Anh học lớp mấy rồi? Bạn thân nhất của anh là ai? Mai em dẫn anh đi thăm đứa bạn thân nhất xóm của em nhé. Đó là cái Thạch, thích ngoáy mũi và có giọng hát như Chaien ấy. Anh đã thấy đói bụng chưa? Nhà vẫn còn ngô nếp luộc. Ngô non ơi là non, ngọt ơi là ngọt. À mà anh thích ăn khế không? Khế nhà mình ngọt lắm, mẹ em trồng trước khi mất đấy. Nói đến đây đôi mắt Na cụp xuống, buồn rượi. Lâm rụt rè an ủi, xoa mớ tóc rễ tre cứng còng của Na mà thương quá chừng thương. Nhìn lên bàn thờ, Lâm bắt gặp ánh mắt người phụ nữ xinh đẹp, hiền từ như đang nhìn mình. Nhìn nụ cười trên môi người phụ nữ, Lâm thấy bé Na giống mẹ quá chừng. Lúc này Lâm mới tháo ba lô trên lưng xuống lôi ra bức di ảnh bố mình. Lâm ôm chặt vào ngực lòng tự hỏi không biết căn nhà này có chỗ nào dành cho bố hay không? Bé Na chạy lại sờ bàn tay bé nhỏ lên tấm di ảnh trên tay Lâm, hỏi:
- Bố anh đây đúng không?
Lâm khẽ gật đầu, lấy vạt áo lau đi lau lại di ảnh bố. Mẹ đỡ lấy tấm di ảnh của bố rồi quay sang nhìn chú Hải như dò hỏi. Chú Hải cười bảo:
- Anh đã đặt riêng một chiếc bàn thờ nhỏ. Để hai mẹ con em thờ cúng chu đáo cho anh ấy.
Bữa cơm đầu tiên ở nhà người lạ, Lâm ăn ba bát ngon lành. Bé Na chia cho người anh mới nửa vầng cháy đáy nồi “món khoái khẩu của em đấy nhé”. Chú Hải mổ một con gà béo mang nướng than thơm lừng. Vườn nhà rộng quá chừng, thế mà mẹ như đã thân quen. Mẹ cắp rổ ra vườn chừng năm phút là được bát canh rau tập tàng nấu với cua đồng “ăn vừa ngon vừa bổ”. Ấy là bé Na nói như thế, cứ như là bà cụ non ấy. Chú Hải bảo:
-Tội nghiệp! Mẹ mất từ lúc còn bé xíu, chú thì bận suốt. Na tự chơi, tự buồn, tự vui, tự an ủi vỗ về. Nhưng con bé ngoan ngoãn và tình cảm lắm. Từ giờ cháu về đây, anh em cùng một nhà phải thương lấy em nhé.
Lâm khẽ gật đầu, nhìn bé Na đang lúi húi xếp chỗ cho mình. Lâm chưa từng hình dung ra cảnh tượng này. Trước giờ, Lâm cứ nghĩ đến khung cảnh bị ghẻ lạnh khi tự nhiên đến nhà người ta ở. Khi một đứa trẻ nào đó phải nhường chỗ mình nằm, nhường cơm mình ăn, san sẻ tình yêu thương cho một người xa lạ. Nhưng sao giờ Lâm thấy được an ủi quá chừng. Bé Na ngước lên hỏi:
- Anh Lâm thích gối đầu cao hay thấp? Giường này gần cửa sổ, anh có thích không?
Chẳng kịp để cho Lâm trả lời, bé Na lôi trong tủ một chiếc gối thơm tho có in hình quả bóng. Chú Hải dặn bé Na: “Anh Lâm hôm nay chắc đã mệt. Để anh đi ngủ sớm con nhé. Mai dẫn anh đi khắp xóm làm quen”. Lâm nằm xuống giường nhìn thăm thẳm bóng tối chỉ thấy nụ cười của bố đang tỏa sáng trong tâm trí của mình. Đã bốn năm kể từ ngày bố mất, không có đêm nào Lâm ngủ được ngon giấc. Chập chờn những giấc mơ về bố. Đêm nào Lâm cũng thấy hình ảnh bố mơ hồ, mờ ảo lấp lóa lúc gần lúc xa, lúc mờ lúc tỏ. Ánh mắt bố thường thăm thẳm lo âu. Nhưng đêm nay lạ lắm. Lâm thấy bố trở về nhìn mình lâu thật lâu, mỉm cười rồi vẫy tay từ biệt. Tỉnh dậy nhìn qua cửa sổ thấy trăng đã lên cao, trên những đám mây đêm hình như bố vẫn đang cười. Trong buồng vọng ra tiếng bé Na ngủ mớ. Đêm ngoại thành vọng vào tiếng gà đêm. Sao giống với những đêm quê nội xưa. Bình yên và thân thuộc…
Sáng hôm sau, mở mắt ra Lâm đã thấy đôi mắt đen láy của bé Na cúi xuống nhìn mình. Con bé cười khanh khách chỉ ra sân bảo: “Mặt trời lên cao lắm rồi kìa anh ơi. Anh dậy nhanh đi thôi. Bọn thằng Tí, thằng Tèo đang í ới gọi anh em mình ngoài cổng”. Lâm dụi mắt bước xuống giường, thấy chú Hải đang đóng đinh treo thêm một chiếc bàn thờ mới. Mẹ vừa đi chợ về, tất tưởi xách làn thức ăn vào trong bếp rồi ra sân vung tay đuổi mấy con gà. Trông mẹ cứ như thể là chủ của căn nhà. Trông mẹ không phải như vừa mới chiều qua bước vào cổng nhà này, lạ lẫm nhìn quanh. Mẹ bảo Lâm ra giếng rửa mặt đi, nước trong và mát lắm. Mấy đứa nhỏ trong xóm đã đứng đầy ngoài cổng ngó nghiêng. Vài tiếng gọi: “Anh Lâm ơi! Anh Lâm à” cất lên. Bé Na kéo tay Lâm chạy ùa ra cổng. Con bé đứng thẳng người, dõng dạc giới thiệu: “Đây là anh trai tớ”. Lâm thấy mình tự nhiên lớn hơn, thấy vai mình thêm rộng. Thấy mình có trách nhiệm bảo vệ và yêu thương bé Na. Thấy mình như một người anh lớn của đám trẻ trong làng.
Mẹ húi lúi trong bếp, nấu một mâm cỗ cúng. Chú Hải nói: “Lập bàn thờ, bốc bát hương là phải cúng mời bố cháu về”. Bé Na ra vườn hái một bó hoa dại đòi cắm vào lọ đặt lên hai bên bàn thờ. Con bé nhí nhảnh bảo: “Bố anh da đen hơn bố em. Bố em trông đẹp trai gần bằng bố anh đấy nhỉ”. Những tiếng cười khúc khích của bé Na lăn trong lòng mẹ con Lâm, khấp khởi. Lâm nhìn ra mảnh vườn trước mắt chỉ thấy một màu xanh mát rượi. Chú Hải nói thêm người thì sẽ trồng thêm cây. Vườn cần thêm bóng xanh, người cần thêm trái ngọt. Lâm băn khoăn không biết chọn cây gì để tự tay trồng trên mảnh đất trống còn sót lại trong vườn. Hay là trồng cây na đi anh? Em được gọi là Na, vì mẹ nói: “Những trái na vừa thơm vừa ngọt…”.
Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin