Đạ Tông bảo tồn văn hóa truyền thống

06:09, 23/09/2022
Đạ Tông không chỉ được biết đến là khu trung tâm của 3 xã vùng khó gồm: Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông (Đam Rông) mà còn được nhắc tới là một điểm sáng trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên. 
 
Đạ Tông hiện có 2 thôn tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Cồng chiêng và dân ca truyền thống
Đạ Tông hiện có 2 thôn tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Cồng chiêng và dân ca truyền thống
 
Xã Đạ Tông có 8 thôn với 1.850 hộ, 9.800 nhân khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc M’nông và K’Ho (nhánh Cil) chiếm 90% dân số toàn xã và các dân tộc khác. 
 
Những năm qua, cùng với việc chú trọng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới…, công tác phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được sưu tầm, phục dựng, truyền dạy. Các giá trị văn hóa truyền thống về trang phục, dân ca, sử dụng nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực được bảo tồn và phát huy. Ông Hoàng Mạnh Huỳnh - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, chia sẻ: Mặc dù đã được địa phương quan tâm nhưng công tác phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc vẫn còn những hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển trong quản lý văn hóa chưa được hài hòa. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và cả chất lượng.
 
Lãnh đạo Đảng ủy xã Đạ Tông cũng đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do quá trình phát triển của xã hội, các phương tiện nghe, nhìn, mạng Internet phát triển, đặc biệt là thanh, thiếu niên tiếp cận nhiều với văn hóa hiện đại, ít chú trọng đến giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, điều kiện kinh tế của xã còn nhiều khó khăn. Các cấp ủy, chính quyền chủ yếu tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo... Do đó, chưa thật sự quan tâm đến việc phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đối với sự phát triển của địa phương. Việc đầu tư cho hoạt động phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương còn thấp và dàn trải, chủ yếu lồng ghép với các nguồn vốn khác; việc huy động nguồn lực xã hội còn ít, chưa hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn, cảnh quan thôn, buôn chưa được khang trang, sạch, đẹp, hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ. Chưa có cơ chế, kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho nội dung phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã. 
 
Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên trên địa bàn xã, Đảng ủy xã Đạ Tông đã ban hành Nghị quyết số 45 ngày 8/6/2022 về “Phục hồi, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cảnh quan thôn, buôn, đón đầu phát triển du lịch từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 
 
Trên cơ sở đó, Đảng ủy, chính quyền xã Đạ Tông đã đề ra quan điểm rõ ràng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025, đó là: Tập trung phục hồi, bảo tồn, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc ở xã Đạ Tông một cách khoa học, nguyên bản, không bị lai căng; khơi dậy, phát huy tiềm năng, giá trị di sản văn hóa, hướng tới hình thành một không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, xây dựng cảnh quan thôn, buôn, đón đầu phát triển du lịch tại xã Đạ Tông nói riêng và huyện Đam Rông nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
 
Phục hồi văn hóa truyền thống tốt đẹp, nghệ thuật trình diễn dân gian, phấn đấu mỗi thôn có ít nhất 2 bộ cồng chiêng và 2 đội biết đánh cồng chiêng thuần thục, 1 đội văn nghệ dân ca; Phục hồi, bảo tồn văn hóa phi vật thể đại diện hình ảnh của dân tộc, của thôn, buôn, xây dựng được bộ sưu tập hiện vật và sưu tầm hình ảnh, tư liệu văn hóa nơi đồng bào dân tộc K’Ho, dân tộc M’nông cư trú thành cộng đồng phục vụ công tác trưng bày chuyên đề (ghi hình, nghi âm, viết lời, nguồn gốc dân ca lễ hội) đón đầu cho phát triển du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, địa phương phấn đấu xây dựng được ít nhất 3 cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký giấy phép, thương hiệu các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc như: gạo nếp đen, rượu cần, măng le, cơm lam, lợn đen địa phương, cá suối Đạ Tông, tạo tiền đề đón đầu cho việc phát triển du lịch khi thông tuyến đường 722 đi Đà Lạt và Khu du lịch suối nóng Hoàng Trang đi vào hoạt động. Đến năm 2025, đầu tư xây dựng nhà dài truyền thống để sinh hoạt, trưng bày, giới thiệu văn hóa và dụng cụ, lưu giữ bảo tồn kiến trúc nhà ở dân cư đặc trưng, truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho, dân tộc M’nông. Quy hoạch các khu, điểm du lịch, đặc biệt là khu du lịch sinh thái lòng hồ, sông gắn với trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, đến năm 2030 trên địa bàn xã có ít nhất 4 điểm du lịch. 
 
NDONG BRỪM