Khắc Lời đá vào Thành phố Bông hồng vàng

01:09, 15/09/2022
Đà Lạt sau 1975 tĩnh lặng lạ thường. Vốn trầm mặc, càng trầm mặc hơn. Những con phố im ắng, không ai mở toang cửa nhà ra đường để kinh doanh buôn bán.
 
Nhà thơ Nguyễn Đệ (bút danh Hà Linh Chi)
Nhà thơ Nguyễn Đệ (bút danh Hà Linh Chi)
 
Tôi được người anh trai ruột là Trần Nguyên Vấn, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu đến một số bạn bè văn nghệ, báo chí thân quen của anh ấy ngày xưa ở Huế, ở Hà Nội đang định cư ở Đà Lạt. 
 
Người đầu tiên tôi ghé thăm là gia đình anh Nguyễn Đệ (bút danh Hà Linh Chi) và chị Kim Chi ở một con hẻm đường Bá Đa Lộc (nay là Hà Huy Tập). Ngôi nhà nằm cuối đường, mặt tiền trông ra một khoảng trống lớn lãng đãng sương mờ mỗi khi chiều xuống. Tôi ở lại đây một đêm với anh chị, nghe anh kể về năm tháng cùng anh trai tôi ở trong rừng; nghe anh đọc thơ của anh mới viết… và bao giờ trên tay vẫn ấm nồng một bình rượu “nặng đô” mà anh luôn cặp kè bên mình. Chị Kim Chi vốn là người Hà Nội, da dẻ trắng trẻo, nhẹ nhàng. Ngược lại, anh là người có nước da ngăm đen, người gầy, nói năng mạnh mẽ, bộc trực và lúc nào cũng có một chiếc mũ bê-rê đen đội trên đầu. Ngày ấy, anh chị cũng có một cái quán tạp hóa nhỏ nằm ngoài đường Hà Huy Tập nối ra đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú), kiếm thêm thu nhập. Thông thường, anh tiếp bạn văn nghệ ngay cái quán này; ít khi vào nhà. Khách đến nhà, phần lớn là bạn bè văn nghệ, người thân ở xa đến. 
 
Ngày đó, anh tặng tôi một số bài thơ của anh viết được đánh máy trên tờ pơ-luy trắng ngả màu, hoặc bản thảo viết tay. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội I năm 1967, anh được bố trí về làm giáo viên Trường Phổ thông cấp III Thuận Thành (Hà Bắc). Năm 1970, anh được mời dự tham gia học một khóa bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam và vào chiến trường, hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên - Huế. Nơi mà trước đó, ba năm, anh trai tôi từng có mặt cùng với nhạc sĩ Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… 
 
Với quê hương Thừa Thiên - Huế, anh là người rất sâu nặng. Đọc lại những bài thơ của anh viết trong giai đoạn này được chọn lọc in lại trong tập thơ “Lời Đá” càng hiểu anh hơn. Ở đó, người đọc bắt gặp ngọn gió thổi từ La Vang: Trời Lang gió giật từng cơn/ Cát quất như roi/ Lá mài như kiếm/ Tre xát vào nhau ớn lạnh/ Lào rào kẽm sắt/ Lảng rảng mái nhôm/ Gió từ La Vang tràn sang cửa Việt/ Mùa hanh heo gợi nhớ đồng bằng.
 
Cảm xúc ấy của anh cứ miên man qua từng câu thơ trong “Màu đất đỏ Cùa”, “Chiếc guốc trẻ em ở ngã ba đường Chín”, “ Tiếng chim chèo bẻo ở Đông Hà”, “Về Thừa Thiên”, “Sông suối miền Trung”… gợi lên bao điều thân thiết mà anh đã trải qua.
 
Trở lại Huế chưa tròn một năm, anh dắt díu vợ con lên Đà Lạt và chọn nơi này làm quê hương, định cư lâu dài. Năm 1976, vợ anh là chị Kim Chi vào làm phóng viên thời sự của Đài Phát thanh Lâm Đồng. Anh công tác ở Ty Văn hóa thông tin của tỉnh. Một thời gian sau đó, anh được điều động sang Đài làm công tác biên tập của Phòng Văn nghệ. Năm 1987, anh chuyển sang Báo Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu.
 
Những năm tháng gắn bó với Đà Lạt, Lâm Đồng, với vùng đất Nam Tây Nguyên như khơi gợi trong anh bao điều muốn nói. Anh vốn là một người sôi nổi, năng nổ, nhiệt tình với bạn bè, với anh em. Anh là một nhà báo xông xáo và “không chịu được” những điều “chướng tai gai mắt” giữa đời thường; nhưng anh có cách hóa giải riêng bằng những câu thơ của mình. Bên ngoài là khuôn mẫu của một con người năng động, bộc trực, có khi ào ạt; nhưng bên trong chan chứa một trái tim nhân hậu, một con người mẫn tuệ, thông minh, sắc sảo.
 
Tháng Tư năm 1985, nhà thơ Hà Linh Chi viết một bài thơ dài “Thành phố Bông hồng vàng” với 246 câu, chia làm 5 đoạn để ngợi ca thắng cảnh thiên nhiên, con người và tấm lòng quyết tâm đi theo cách mạng đến cùng của cán bộ, Nhân dân thành phố Đà Lạt.
 
Những vần thơ được anh viết ra bằng một mạch cảm chân thành đầy trách nhiệm của một người làm thơ trước quê hương, đất nước. Những dòng thơ đã qua thời gian, đọc lại vẫn hừng hực trong lòng với sự cảm phục người viết đã nói hộ những suy nghĩ của những người đang sống.
 
 
Giữa cuộc đời thường với biết bao lo toan, nhưng trong thơ anh là những suy nghĩ chín chắn; những câu chữ không còn thô ráp mà được anh chọn lựa, gửi gắm những gì mình muốn tâm sự: Nơi đêm đêm ta lắng từ tiếng thác/ Lòng miên man về biển lớn bạn bè/ Trong cơn mưa nghe bồn chồn lá hát/ Ngọn lửa hồng trăn trở đêm khuya.
 
“Nghe bồn chồn lá hát” - thật thế, lá hát giữa rừng thông xanh xào xạc, giữa những cơn mưa cao nguyên không còn nặng hạt. “Lá hát” nhưng không hát khúc vu vơ vì trong đất đỏ bazan này có máu của mình, của đồng đội mình ngã xuống. Và anh đã thốt lên: Ly rượu nhạt sao nỡ mời bạn uống/ Khi lòng mình sắc áo lính còn xanh. Đúng vậy, không ai nỡ mời nhau một ly rượu nhạt, không ai có thể quay lưng với mảnh đất đã sinh ra mình, nuôi mình lớn lên, nơi mình từng được yêu, được sống và đã từng trăn trở những đêm khuya thanh vắng.
 
Nhà thơ Hà Linh Chi đã có mặt rất sớm với thành phố Đà Lạt. Đó là thành phố Bông hồng vàng ẩn mình trong một bầu không khí ảm đạm của chiến tranh: Thành phố trước năm 1975. Thành phố như con ve đực/ Cồn cào cưa kéo cơn giông/ Lặng im những giò lan đất/ Hoàng hôn mờ ám sương giăng/ Còi khuya hù ré thất thanh/ Lao nhao trùm hoa tầm gửi/ Thép gai rào giăng ngõ tối/ Rằn ri sắc lính đầy đường.
 
Anh khắc họa một thời u tối và nỗi lo lắng hoang mang của những chàng trai trẻ: “Trốn lính núp dưới tỏi hành/ Anh nằm thu lu gác xép/ Ghiền thuốc cứng đờ mi mắt/ cơn ho giả tiếng mèo hen”; của người mẹ già: “đêm sâu thao thức/ u ơ giật mình bé khóc/ giày đinh lùng sục cuối vườn”; là nỗi vất ve của đoạn trường của người đàn bà: “gầy khô lồng ngực/ lằn trán xếp dày tủi cực/ phận nghèo đi gió về sương”; là tương lai mờ mịt: “Bông hồng khô ép giữa trang/ Chốt cửa em ta ngồi học/ Câu thơ ướt nhèm nước mắt/ Chân trời mờ xám cô đơn”; là những tiếng cười man rợ của kẻ ngoại bang “lạnh buốt sau lưng”… Tức nước vỡ bờ - đó là quy luật tự nhiên. Những gì dồn nén, chịu đựng sau những năm tháng nặng nề, đau thương ấy, tất sẽ có ngày phải bùng phát. Như một quy luật, trước cơn dông ầm ào sấm nổ rền vang sẽ là một cơn mưa như trút nước, và trời lại sáng. Ngày ấy - tháng Tư lịch sử năm 1975 đã mở ra: “Khát vọng sắc cờ chớp lửa/ Bùng lên trận sấm mùa xuân”.
 
Để có những ngày chiến thắng rộn ràng ấy, hưng phấn ấy, toại nguyện ấy, là những tháng năm có biết bao những con người của thành phố Bông hồng vàng phải chịu cơ cực, tra tấn, tù đày do kẻ thù gây ra, mà nhà thơ Hà Linh Chi đã dành hẳn một đoạn thơ dài để kể lại. Đó là: “Những đêm sâu buốt giá tro tàn/ Mẹ ta ngồi khum tay ủ lửa/ Nghe âm thầm rễ cây chuyền nhựa/ Mùa anh đào lặng lẽ đơm bông”; là ký ức về một thời: “Màu thắm đỏ sắc cờ buổi ấy/ Giữa ngực gầy trái tim rực cháy/ Mong chờ ngày thắp sáng quê hương”; dẫu “Da nhăn nheo bầm tím roi đòn/ Chân lê lết lao tù cửa ngục/ Giữa guồng đời nổi trôi bầm dập” nhưng vẫn hướng về cội nguồn miền Bắc yêu dấu; là những ngày: “Cha ở tù suốt hai mươi năm/ Mẹ tảo tần thăm nuôi, nỉa đất”. Nhưng trong: “Tờ công phiếu in hình ảnh Bác/ Mẹ cuộn tròn dưới đáy bình nhang” đã nói lên biết bao điều.
 
Đà Lạt vẫn còn dấu tích một thời giặc Pháp đưa hai mươi chiến sĩ cách mạng ra xử bắn trên sân bay Cam Ly, giữa đồi ba cây, nhưng kẻ thù không bao giờ giết được ý chí và tinh thần quật cường của người con nước Việt, không thể nào xóa được tấm lòng: “Vẫn thảo thơm xanh vỏ đỏ lòng/ Dù hạt muối cọng rau viên thuốc/ Mẹ vượt qua bãi mìn phục kích/ Tay nâng cầm lòng ta rưng rưng”. Những năm tháng thành phố còn nằm trong vòng vây kềm kẹp của địch, một ánh đèn le lói liên lạc có ý nghĩa biết bao: “Đôi mắt nào khắc khoải chờ mong/ Ngọn đèn khuya gió lay mưa lấp/ Xuyên rừng đêm băng qua bãi chết/ Ta gặp nụ cười thắp sáng niềm tin”.
 
Hình ảnh người mẹ Việt Nam chân chất, hiền lành mỗi khi qua phố về, vẫn còn hằn lên những nỗi đau khi có kẻ trở mặt phản bội Nhân dân: “Chợ chiều về gió thắt từng cơn/ Bên gánh rau cuối ngày héo hắt/ Tai lắng hết mọi điều phản phúc/ Mẹ trở về nhớ mặt chỉ tên”.
 
Và làm sao quên được hình ảnh người chiến sĩ, hay anh du kích, những người lính cảm tử không tiếc thân mình vì Tổ quốc hy sinh: “Giữa bình minh phố chặt người nêm/ Anh thản nhiên bước vào tiệm phở/ Đồn trại giặc bất thần mìn nổ/ Còi thất thanh vây ráp nhoáng nhoàng”.
 
Và lặng lẽ như người yêu đi bên người yêu giữa phố đông người qua, chị trở thành cô liên lạc thông minh: “Vịn tay chồng chị bước hiền ngoan/ Nghiêng ô che chiều mưa đường dốc/ Nơi gốc cây dừng chân phút chốc/ Chị chuyển giao thư mật ra rừng”.
 
Hình ảnh cô nữ sinh trung học đến lớp trong những ngày xưa ấy là hình ảnh: “Em dịu dàng như nụ tầm xuân/ Gót chân son hồn nhiên tới lớp/ Bó truyền đơn nằm im đáy cặp/ Chợt bay lên bừng trắng sân trường”.
 
Đất nước đã quy về một mối, thành phố bốn mùa hoa đã trở về với Nhân dân, thì lớp lớp cháu con hôm nay không thể nào quên những năm tháng cha ông đã chiến đấu ngoan cường giành từng tấc đất cho hôm nay. “Mai ta về Xuân Trường nghe em/ Mình ghé thăm xóm đồi Cầu Đất/ Nơi còn những căn hầm bí mật/ Mẹ cha từng nuôi giấu các anh”.
 
Đà Lạt thành phố Bông hồng vàng đã khoe sắc. Tình yêu đã được nhân lên từ mỗi tấm lòng. Khúc ca dài theo tháng năm như có lửa nhen ấm lên giữa đất trời bình yên: “Giữa tấm lòng thành phố và em/ Cánh rừng thông lặng thầm nhựa lửa/ Như chim én dưới trời rộng mở/ Anh lắng buồn vui vào khúc hoa hồng/ Nghe bồi hồi tiếng hát trong đêm/ Để thắm hết mưa rừng nắng núi/ Trong sắc lá nửa đời xanh lại/ Anh hiểu mình từ ấm áp tay em”.
 
Khép lại những vần thơ trong Thành phố Bông hồng vàng, ta thầm cám ơn nhà thơ Hà Linh Chi đã để lại những dòng tâm huyết với mảnh đất cao nguyên yêu thương này, để lại những gì mà anh muốn trao gởi, những gì mà anh muốn nói với chúng ta qua những vần thơ ơn nghĩa với đời…
 
Ngày Nhà báo Việt Nam (21/6/1994), Báo Lâm Đồng tổ chức cho cán bộ, phóng viên từng công tác ở Báo Lâm Đồng một chuyến đi biển ở Ninh Chữ (Ninh Thuận). Hôm đó, tôi với anh nằm trên bãi biển. Hai con anh đang chơi đùa dưới nước. Anh nằm sát biển. Anh vốc từng nhụm cát đắp lên toàn thân của mình. Anh nói thật nhiều chuyện, mà trước đây tôi ít nghe anh kể. Anh bảo, anh thương các con anh; thương chúng vất vả. 
 
Hôm sau, Hội Nhà báo chuẩn bị làm lễ kỷ niệm Ngày truyền thống của ngành, thì hay tin nhà thơ, nhà báo Hà Linh Chi vừa ra đi lúc mờ mờ sáng, trên tay còn ôm chặt chiếc ấm đựng rượu, trong dáng ngồi bên cầu thang trong nhà.
 
Tin đến bất ngờ, ai cũng bàng hoàng, vì ngày hôm qua còn nằm bên nhau, cùng nghe nhau nói, còn đùa giỡn cùng nhau. Thế mà… anh không kịp chào bạn bè đã ra đi. Tôi viết mấy dòng nôm na tiễn biệt anh: Hôm qua anh gào với biển/ Thơ vui chưa kịp cạn lời/ Sáng nay, tin buồn vuốt mắt/ Xa rồi Tuyền Lâm chơi vơi (1)/ Sóng vỗ ngoài khơi Ninh Chữ (2)/ Rượu cần anh nhấp ché vơi/ Bỗng dưng anh khen con giỏi/ Một mình nũng nịu biển khơi/ Mờ sương, anh người thiên cổ/ Lặng thầm như thơ anh thôi/ Cuộc đời có khi lầm lỗi/ Thơ anh ở mãi với người.
 
Thương tiếc anh xin được thắp một nén nhang bằng những bông hồng vàng mà anh rất đỗi yêu thương.
 
(1) Những năm sau 1975, anh Hà Linh Chi có khai hoang một mảnh đất ở hồ Tuyền Lâm để làm nơi nghỉ ngơi, sáng tác. 
 
(2) Ninh Chữ - bãi biển ở Phan Rang (Ninh Thuận).
 
TRẦN NGỌC TRÁC