Không chỉ độc tấu mà còn có nhị tấu, tam tấu, tứ tấu và cả một ban nhạc 9 cây đàn cùng hòa tấu. Đây là lần thứ hai Khoa Guitar Nhạc viện TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt biểu diễn trong một đêm mưa đầy lãng mạn.
|
Một tiết mục tứ tấu |
Cơn mưa chiều Đà Lạt đến rất nhanh. Mưa như trút nước gần sát giờ biểu diễn nhưng vẫn không ngăn được nhiều người đến xem. “May quá, cứ sợ mọi người ngại mưa không đến nhưng khán giả đêm nay vẫn trên 70 người, vậy cũng đủ cho một buổi diễn vì guitar cổ điển kén người nghe” - ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi, Đà Lạt, đơn vị tổ chức đêm diễn cho chúng tôi biết.
Và cũng vì mưa nên chương trình đêm diễn buộc phải thay đổi. Do gian phòng rộng dùng biểu diễn nằm trên tầng áp mái của tòa nhà với mái tôn lợp phía trên, âm thanh mưa đập xuống vang rất lớn nên Ban Tổ chức thay vì đưa các bài độc tấu êm dịu ra trước như đã sắp xếp thì thay vào các bài tam tấu, tứ tấu. Cả 3 cây đàn hay 4 cây cùng ngân vang để át bớt tiếng mưa rơi.
Rồi cuối cùng cơn mưa cũng ngớt, trả lại một không gian sâu lắng cho buổi hòa nhạc. Vẫn là những giai điệu ngọt ngào của guitar qua các tấu khúc viết riêng cho cây đàn này hay những bài chuyển thể, những trích đoạn từ các tác phẩm hòa âm của các nhạc sỹ lớn trên thế giới dùng cho Tây Ban Cầm.
Nhưng cái khéo của Ban Tổ chức đã biến đêm biểu diễn nhạc thành một cuộc hành trình đầy thú vị của âm thanh qua những miền văn hóa với lời giới thiệu rất hay và chi tiết của người dẫn chương trình. Từ các tấu khúc viết riêng cho guitar mang những nét văn hóa và cách phối âm rất độc đáo của những tác giả người Tây Ban Nha, nơi cây guitar ra đời cách đây cả nghìn năm; rồi qua đến châu Á, nơi cây đàn guitar có thể cho ra những âm thanh độc đáo như đàn toko của đất nước Phù Tang Nhật Bản. Chuỗi hành trình âm thanh đưa người nghe qua đến Nam Mỹ, nơi có các giai điệu ngọt ngào rộn rã hay thánh thót như tiếng chuông ngân của một giáo đường và có cả các bài soạn riêng cho guitar chơi cổ điển nhưng lại theo phong cách hiện đại rất mới của giới trẻ ngày nay.
“Đây đã là lần thứ 2 chúng tôi đến với Đà Lạt” - Guitarist Nguyễn Thanh Huy, Trưởng bộ môn Guitar, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết. Cách đây 3 năm (năm 2019), khi thời điểm dịch bệnh COVID-19 chưa đến, theo ông Huy, Nhạc viện đã có một chương trình giao lưu với người Đà Lạt trong một đêm Đà Lạt rất lạnh như thế.
“Đêm đó khá lạnh, hình như là mùa đông, rất Đà Lạt, nhưng không có tiếng mưa ngân vang như đêm nay. Nhưng những khán giả đến với đêm nhạc đó bày tỏ với chúng tôi niềm hân hoan vì có một đêm nhạc như vậy. Chính không khí thưởng thức tuyệt vời như thế đã làm chúng tôi suy nghĩ sẽ trở lại Đà Lạt. Trong 2 năm dịch bệnh vừa rồi chưa có điều kiện, nay chúng tôi mới có cơ hội lên lại chơi nhạc nơi đây” - ông Huy nói.
Theo ông Huy, lâu nay bên cạnh các chương trình biểu diễn thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh, thường là mỗi tháng 1 chương trình, Nhạc viện còn tổ chức các chuyến lưu diễn nhiều thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng hay Cần Thơ vì những nơi này thường có các hoạt động văn hóa nghệ thuật. “Đà Lạt lâu nay nổi tiếng trong nước là một đô thị du lịch, chúng tôi cũng muốn du khách biết đến nơi đây như là một thành phố có các hoạt động văn hóa chứ không chỉ du lịch thôi. Người nghe địa phương và cả du khách khi đến đây có thể thưởng thức các hoạt động về nghệ thuật của thành phố này. Những đêm nhạc này như là bước kết nối giữa Nhạc viện với thành phố Đà Lạt cho các chương trình biểu diễn khác nữa sau này” - ông Huy cho biết.
Trong lần biểu diễn thứ 2 này tại Đà Lạt, theo ông Huy, Nhạc viện may mắn đã kết nối được với Trung tâm Không gian sáng tạo “Phố bên đồi” - một đơn vị chuyên về các hoạt động nghệ thuật tại Đà Lạt để có buổi diễn. “Chúng tôi đợt này lên đây với 9 Guitarist trong một không gian rất ấm cúng. Lượng khán giả chừng 80 người đổ lại như thế cũng là vừa đủ vì nếu sảnh diễn lớn với người nghe đông quá sẽ không còn là cuộc đối thoại thân tình giữa người nghe và người chơi đàn nữa” - ông Huy nói.
Theo ông Hiền, từ khi thành lập năm 2016 đến nay, Trung tâm Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi của ông tại Đà Lạt đã liên tục tổ chức các hoạt động về văn hóa nghệ thuật như triển lãm tranh, ra mắt sách, tổ chức đêm nhạc hay các buổi hòa nhạc. Riêng trong hòa nhạc, đơn vị ông đã tổ chức hòa nhạc cổ điển về dương cầm (Piano), cho Tây Ban Cầm (Guitar), cũng như cho nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
“Có một quy tắc rằng các buổi hòa nhạc cổ điển thường nên cách nhau chừng 45 ngày. Thông thường mỗi buổi hòa nhạc như vậy lượng vé bán ra cũng chừng 50-70 người, vừa đủ gần gũi để tạo một không gian thưởng thức nhạc và người nghe có thể giao lưu với người biểu diễn sau buổi diễn” - ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, không thể nhanh hơn được vì các buổi biểu diễn cần chuẩn bị rất công phu. Cũng nói thêm rằng đơn vị tổ chức như Trung tâm của ông Hiền, vì tinh thần đam mê văn hóa nghệ thuật là chính bởi theo ông, một lượng khán giả nhỏ và rất chọn lọc như vậy dù bán vé nhưng thật ra cũng không đủ chi phí để trang trải mọi thứ và mời các nghệ sỹ lên đây.
Còn với ông Huy và các thành viên trong đoàn biểu diễn, để tổ chức một chương trình lưu diễn được như đêm hôm đó, Nhạc viện phải mất cả tháng trở lên để chuẩn bị, tập luyện. “Về lâu dài chúng tôi muốn kết hợp với thành phố Đà Lạt để tiếp tục duy trì các đêm hòa nhạc nơi đây. Chúng tôi sẽ quay trở lại” - ông Huy mỉm cười.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin