Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn của Công ty Than, chị có thể điều xe ô tô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Công nhân bị chết là Hội, mới hai mươi hai tuổi, vợ đang mang thai đứa con thứ hai ở tháng thứ sáu. Chị Hồng nghẹn ngào, nước mắt dàn dụa, trời ơi, nó còn quá trẻ bằng tuổi thằng con thứ hai của mình, mới hôm qua gặp mình ở nhà ăn tập thể, nó còn chào mình, khen mình mặc bộ đồ mới nom trẻ đẹp, thế mà hôm nay nó đã vĩnh viễn ra đi. Nó chết đi là hết nhưng còn vợ nó, con nó!
Chị đề nghị được trực tiếp tắm rửa, thay bộ quần áo mới cho Hội, trước khi khênh vào quan tài. Đứa con gái ba tuổi của Hội mếu máo hỏi chị: “Bác đưa bố cháu vào đấy ngủ làm gì? Khi nào thì bố cháu lại về với cháu?”, không ai cầm được nước mắt, chị đành nói dối, đừng khóc nữa, rồi bố cháu sẽ về.
Sau đám tang của Hội, chị Hồng lên gặp giám đốc Hữu Đạt đề đạt nguyện vọng, cho chị chuyển xuống Ban An toàn lao động để chị có thể đi đến tất cả các hầm lò, quan sát, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và các giải pháp để hạn chế tối đa tai nạn hầm lò. Giám đốc Hữu Đạt bảo chui xuống hầm lò rất nguy hiểm, vất vả, đến nam giới nếu không vì miếng cơm manh áo nuôi gia đình thì họ còn ngại xuống, huống chi chị là phụ nữ. Chị khẳng định mình đủ sức khỏe, đủ can đảm để chui xuống hầm lò, chị muốn những năm tháng công tác cuối cùng của mình sẽ làm được nhiều việc để đem lại sự an toàn cho mỗi người thợ mỏ. Trước sự nhiệt tình của chị, giám đốc Hữu Đạt nói sẽ họp Ban Giám đốc để xem xét nguyện vọng của chị.
Hai tuần sau, chị được toại nguyện, rời bỏ căn phòng có máy điều hòa mát lạnh về mùa hè, ấm áp vào mùa đông để thường xuyên xuống các mỏ đang khai thác, cùng làm, cùng ăn, cùng nghỉ với thợ mỏ. Từ một kỹ sư kinh tế công tác ở Phòng Lao động tiền lương, rồi trở thành cán bộ công đoàn, lúc nào chị cũng lấy thợ mỏ là nhân vật trung tâm. Chính chị đã đề nghị với ban giám đốc thay đổi chế độ tiền lương, phần thợ trực tiếp tham gia khai thác dưới hầm lò được nhiều hơn cán bộ làm hành chính bên trên. Ngày còn thiếu thốn, nhiều thợ lò đã bớt phần sữa uống giữa ca của mình mang về cho con nhỏ, sẽ dễ làm cho thợ mỏ thiếu dinh dưỡng dẫn đến sức khỏe suy giảm, chị đã đề nghị Công đoàn cơ quan thường xuyên tặng sữa cho các gia đình thợ mỏ có con nhỏ. Thợ mỏ vì thế ai cũng yêu mến chị. Nay thấy chị chuyển công việc, từ nhàn nhã, sạch sẽ xuống vất vả, nguy hiểm thì mọi người càng thêm kính trọng.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, chị đã từng nhiều lần xuống hầm lò để thăm hỏi, động viên trực tiếp thợ mỏ, nhưng đi nhiều, đi liên tục xuống hầm lò, đến cả những nơi nguy hiểm nhất như các diện khấu than lò chợ dây diều, giếng đứng, giếng nghiêng… chị Hồng mới thấy đúng là thợ mỏ là nghề đặc biệt nặng nhọc, biệt đặc nguy hiểm và theo quy định của Luật Lao động thì phụ nữ không được phép làm việc liên tục nhiều giờ dưới hầm lò. Nhưng sự thôi thúc làm giảm thiểu tai nạn hầm lò để tránh những cái chết thương tâm như Hội đã tiếp thêm sức mạnh cho chị.
Sáng nay, đúng tám giờ, chị và kỹ sư Bản ở Ban An toàn lao động đi vào mức + 180. Nơi gương than sâu thẳm, giữa khoảnh khắc giao ca, chị nghe rất rõ tiếng thở của đất, tiếng nước chảy róc rách, nghe tiếng than rơi trên máng trượt trước khi nhập vào băng chuyền. Đến khu vực đào lò chuẩn bị sản xuất, kỹ sư Bản bảo chị nằm xuống, bò qua đoạn lò đối hướng này, thế là chị nằm và bò theo kỹ sư Bản. Đến đoạn lò vừa đào xong, dầm tiến gương mới lao, chưa dựng vì những tảng đá to như mái nhà chắn ngang nóc lò. Có tiếng gáy khò khò, chị và kỹ sư Bản chẳng khó khăn gì tìm ra nơi phát ra tiếng khò khò, đấy là tiếng gáy của một công nhân khai thác, mệt quá nên tranh thủ tìm chỗ khuất để chợp mắt rồi ngủ quên. Ngủ kiểu này rất nguy hiểm, dễ bị than rơi hoặc khí độc do nổ mìn bất ngờ xuất hiện… Chị lay lay người thợ mỏ, anh giật mình tỉnh dậy, miệng rối rít xin lỗi hai người và van xin đừng lập biên bản gửi về công ty vì nếu như vậy thợ lò đã vi phạm nội quy làm việc trong hầm lò và rất có thể bị buộc thôi việc hoặc nhẹ cũng học lại an toàn, hạ bậc lương, cắt thưởng. Chị nhắc nhở, cảnh cáo người thợ mỏ và bắt công nhân vừa vi phạm cam kết ko được ngủ trong lò nữa rồi tiếp tục đi vào đường hầm khác.
Một thợ mỏ chào hai người rồi đề nghị dừng lại vì đây là khu vực cấm vào, sắp nổ mìn khai thác.
Huỳnh!
Bỗng có tiếng nổ rung chuyển như bom, anh thợ mỏ kéo chị nằm xuống, đợi cho khói mìn loãng ra rồi đi vào phía trong, kiểm tra độ an toàn rồi mời hai người tiếp tục đi. Chị và kỹ sư Bản rẽ sang một nhánh khác. Nhiều công nhân khai thác than đang làm việc. Vì tính chất công việc, thợ mỏ thường hay làm theo cặp, có khi một người đào than bằng máy còn người kia quan sát cảnh giới sự cố. Khuôn mặt thợ đen nhẻm,lộ rõ hàm răng trắng sứ rất tươi trên cặp môi đỏ như son mà phụ nữ vẫn trang điểm. Trong hầm lò thiếu gió, cường độ làm việc cao nên mồ hôi ướt sũng.. Cũng đã đến giờ nghỉ, hai thợ soi đèn mời chị và kỹ sư Bản cùng ăn giữa ca, thợ mỏ ăn xôi thịt, uống sữa hộp còn chị và và kỹ sư Bản ăn bánh mì kẹp thịt. Chị vừa ăn vừa trò chuyện với hai thợ mỏ, mỗi người một hoàn cảnh; mà đã là thợ mỏ thì gần như nghèo khó, có sức khỏe họ mới xin vào làm thợ. Thợ Thiên có vợ làm nông nghiệp, hai con nhỏ lại còn bố mẹ già nên cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc chính vào thu nhập của anh. Thợ Hạt mới có một con nhưng con hay ốm đau nên vợ phải ở nhà trông con, tiền thuốc thang cho con có tháng ngốn hết cả tiền lương của bố.
Tạm biệt thợ Thiên và thợ Hạt, chị Hồng và kỹ sư Bản lại tiếp tục cuộc hành trình vì sự an toàn của thợ mỏ của mình. Sau ba tháng ròng rã ba cùng với thợ mỏ, cùng ăn, cùng nghỉ, cùng tham gia vào tất cả các hoạt động diễn ra trong hầm lò, chị ghi chép tỷ mỉ vào đầy mấy cuốn sổ tay và tìm ra những nguyên nhân có thể gây ra tai nạn hầm lò.
Nguyên nhân khách quan, do biến động của địa chất, vách vỉa không ổn định, xảy ra cú đấm làm tụt nóc lò; cũng có khi gặp phải hố nước từ thời Pháp hoặc thăm dò địa chất dẫn đến sự cố bục nước.
Nguyên nhân chủ quan, do con người hay ăn bớt quy trình; khoan thăm dò bục nước tiến trước gương, không thực hiện đúng biện pháp thi công để chạy theo năng suất. Quy trình khấu than lò chợ, mở cửa tháo than ngắn hơn 5 m. Cột thủy lực không bơm đủ 10 AMP. Tai nạn cũng thường xảy ra khi thu hồi cột chống, giá khung và tận thu than. Rồi người khai thác không đảm bảo sức khỏe khi vào hầm lò như uống rượu, xem bóng đá ban đêm, bất ổn về tâm lý như cãi nhau với vợ, giận dỗi người yêu.
Từ những nguyên nhân trên, chị Hồng đã đề ra một loạt những giải pháp phòng tránh tai nạn lao động hầm lò, trình lên ban giám đốc cho triển khai thực hiện. Một điều chị trăn trở mãi mới có lời giải đáp là những bài huấn luyện an toàn lao động trước đây thường soạn sẵn, khi lên lớp có cả vài trăm công nhân, họ nói chuyện to hơn giáo viên. Thấy hiệu quả không cao, chị vò đầu, bứt tai tìm mọi biện pháp mà vẫn không hiệu quả. Một lần đi máy bay sang nước bạn ký hợp đồng mua cột thủy lực về chống lò thay cho gỗ. Chị thấy tiếp viên hàng không hướng dẫn cách sử dụng áo phao, túi thở. Chị như vớ được vàng, mang ý tưởng này chuyển tải vào trong các tiểu phẩm và báo cáo cấp trên được chấp thuận. Tiểu phẩm tuyên truyền an toàn bảo hộ lao động do chị viết nhiều chủ đề bao gồm các quy trình chống giữ lò chợ, đào lò đá, đào lò than, biện pháp tự chủ an toàn, biện pháp sơ tán khi gặp sự cố, cách lắp đặt và bảo quản trang bị phòng hộ cá nhân, phòng cháy, chữa cháy. Tiểu phẩm viết xong trình hội đồng khoa học duyệt, tìm diễn viên là những công nhân có tay nghề cao, trẻ khỏe, giỏi chuyên môn đóng rồi quay video dựng phim. Chị về tận Hà Nội học cách dựng phim, lồng tiếng, ghép nhạc cho video hoàn thiện. Khi trình chiếu, hội đồng nghiệm thu và cho mở trên xe ca đưa đón thợ mỏ, nhà giao ca được công nhân đón nhận nhiệt thành.
Công tác huấn luyện đã đi vào cơ bản, mỗi khi huấn luyện an toàn, vài trăm công nhân ngồi xem phim, không mất trật tự, họ lắng nghe, họ thấu hiểu hơn ai hết. Cuối buổi, các câu hỏi đã có sẵn in ra giấy, họ cứ tích vào chỗ mà họ vừa thấy trên màn hình. Thường thì các mỏ hầm lò có từ ba ngàn đến sáu ngàn công nhân nên phải chia ra nhiều lần để huấn luyện.Từ đó tai nạn hầm lò của công ty giảm mạnh, sáng kiến của chị được cả ngành Than nghiên cứu, áp dụng, chị mừng lắm.
Thợ mỏ không chỉ bị tai nạn hầm lò rình rập mà bệnh nghề nghiệp cũng luôn ám ảnh họ bởi phải thường xuyên tiếp xúc với bụi than, cadimi, man gan, phóng xạ, bùn ứ đọng, tiếng ồn và các loại khí độc CH4, CO, CO2. Chị Hồng cũng đề xuất với ban giám đốc trang bị các thiết bị bảo hộ mới nhất, tốt nhất cho thợ mỏ và cho khám bệnh định kỳ bắt buộc với thợ mỏ; trước khi thợ mỏ vào lò phải được đo nhiệt độ, ai ốm sốt thì cho nghỉ việc nhưng được hưởng lương theo chế độ quy định.
Chiều cuối năm, chị Hồng lại vào hầm lò để thực hiện việc giám sát an toàn lao động, đi xa, thấm mệt, chị lấy me rừng mang theo ra nhấm nháp, vị chát, vị chua thấm dần vào đầu luỡi làm cơn khát dịu hẳn. Đến khi trái me được nuốt qua cổ họng thì hương vị đặc trưng làm giãn cả thanh quản bởi vị ngọt dịu dàng đằm thắm hơn cả nụ hôn đầu tiên. Đến đoạn hầm lò có thợ đang chống lò, chị quan sát thấy một thanh niên hay ngáp ngáp, chị kéo tổ trưởng ra một chỗ trao đổi đề nghị cho người thợ trẻ kia dẫn chị ra ngoài cửa hầm lò có việc cần giúp. Ra đến cửa lò, chị đưa người thợ trẻ đến bộ phận kiểm tra an toàn trước khi vào hầm lò:
- Cháu có biết tại sao cô nhờ cháu đưa ra đây không?
- Dạ, cháu không biết ạ!
- Cô quan sát thấy cháu có biểu hiện của người nghiện hút, cháu khai thật đi, nếu không cô mời y tế test nhanh. Và kết quả dương tính, công ty sẽ gửi cháu đi cai nghiện.
Biết không giấu được, người thợ trẻ thú nhận là kẻ nghiện hút, gần Tết xin vào mỏ làm việc để kiếm tiền thưởng Tết rồi ra Giêng bỏ việc. Chị giải thích với thợ trẻ, nghiện hút mà vào hầm lò khai thác, khi cơn nghiện lên, không làm chủ được lý trí, sức khỏe không đảm bảo sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Chị mời bảo vệ và y tế công trường đến dẫn về khu điều hành xử lý theo quy định.
Xử lý xong việc, chị lại tiếp tục quay vào hầm lò. Lần này chị đến chỗ cánh thợ đang nổ mìn để kiểm tra. Có hai người đang thực hiện cảnh quay video phục cho công tác phòng, chống tai nạn lao động, người cầm máy được huấn luyện an toàn trước khi vào lò bị sốt phải nghỉ đột xuất, người đi thay thế chưa được huấn luyện kỹ nhưng mọi công việc đã chuẩn bị từ trước, lại có sự đảm bảo của phó ban an toàn lao động nên cảnh quay vẫn được thực hiện như kế hoạch. Khi đang thực hiện cảnh quay, người cầm máy vô tình chạm vào hai dây mìn đã nạp pua, nhồi thuốc. Nhanh như cắt, chị xô đổ thợ quay và người phụ máy ngã xuống. Mìn nổ chát chúa, hai người kia an toàn còn chị thì bị mìn làm nát bàn tay trái phải cắt bỏ.
Sau gần một tháng điều trị, chị đề nghị ban giám đốc cho chị được chôn cánh tay bị mìn mà phải cắt bỏ vào gốc cây xà cừ trước cửa phòng làm việc của ban an toàn lao động, để mỗi khi vào ca mới, chị lại đi qua gốc cây, nhắc nhở mình không được chủ quan, dù là điều nhỏ nhất để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mình và thợ mỏ. Lạ thay, tuần sau, một đôi vợ chồng chim chích ở đâu bay đến làm tổ trên cây xà cừ, chúng đẻ trứng rồi nở được năm con chim non. Chị bảo đất lành chim đậu, còn kỹ sư Thiểm, Trưởng Ban An toàn lao động thì nói với chị rằng, chúng cảm phục trước tinh thần dũng cảm cứu người của chị nên bay đến để xây tổ đấy.
Chồng con chị nhất quyết bắt chị phải nghỉ việc, từ bỏ cái nghề nguy hiểm này để ở nhà, người con cả đang giám đốc một công ty tư nhân còn nói hàng tháng sẽ trả cho chị gấp đôi số lương mà chị đang hưởng của công ty nhưng chị thuyết phục chồng con cho chị tiếp tục công việc, vài ba năm nữa chị về hưu luôn thể. Chị làm thợ mỏ không phải vì tiền mà vì không muốn nhìn thấy những cái chết, những thương tật suốt đời của người thợ mỏ. Còn giám đốc Hữu Đạt gọi chị lên trao đổi, chị là nữ thợ mỏ duy nhất của ngành Than gắn mình với thợ mỏ, với những công việc vất vả, nguy hiểm trong hầm lò, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bây giờ... Ông chần chừ một lúc như thăm dò ý chị rồi nói:
- Ban giám đốc sẽ rút chị lên làm Phó Giám đốc hoặc Chủ tịch Công đoàn công ty, chị chọn đi.
Chị im lặng một lúc, đáp lời:
- Tôi muốn tiếp tục công việc ở ban an toàn lao động, bài học xương máu mất một bàn tay không thể làm tôi nhụt chí, nó càng làm cho tôi quyết tâm với cái nghề vô cùng quan trọng với người thợ mỏ.
Giám đốc Hữu Đạt xúc động nắm lấy bàn tay còn lại của chị, từ đó ông cảm nhận được một sức mạnh tinh thần vô giá đang truyền sang ông.
Truyện ngắn: VŨ ĐẢM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin