Trung thu là tết yêu thương

12:09, 01/09/2022
Tôi ý niệm Trung thu là Tết của trẻ nhỏ nên con là ưu tiên số một, trước nay tôi luôn tạm gác nỗi buồn của mình về cuộc hôn nhân tồi tàn để “tận hưởng” những mùa trăng tròn với con.
 
Trưa nay, đang ngồi xem quảng cáo bánh Trung thu trên ti vi, con trai quay xuống bếp hỏi:
 
- Cô giáo mẹ ơi, sao lại gọi Tết Đoàn viên?
 
- Là tên gọi khác của Trung thu thôi con! - tôi trả lời quấy quá.
 
- Tên gọi khác là “Tết trông trăng” cơ mà?
 
Thấy không thể “chống chế” được nên tôi đành giải thích:
 
- Đây là tên gọi mới, Trung thu cũng là ngày tất cả các thành viên trong gia đình quây quần sum họp nên được gọi Tết Đoàn viên. 
 
Phải cố tỏ ra mạnh mẽ để trả lời con như vậy chứ lòng đã bật khóc. Tôi ám ảnh hai tiếng “đoàn viên” - những tiếng chỉ khiến người đang cô đơn cảm thấy xót xa. Chắc những người mang thiên chức làm mẹ trong tình huống tương tự đều có cảm giác này. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
*
 
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc tôi khao khát làm mẹ nhưng rất khó, khổ mới mang thai, niềm vui lại nhén cơn lo vì nỗi gian nan thai nằm không thuận. Kết quả tôi sinh non, phải kí chọn mẹ hoặc con, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật. Cũng may mẹ tròn con vuông. Nhưng thấm nỗi đoạn trường đẻ chửa nên tôi xem con là thế giới. Thấy tôi cuồng con, chồng nhiều khi khó chịu, anh thường lèm bèm lí lẽ “có con quên chồng”.
 
Tôi đã sinh con trong cận kề cái chết nên hãy thông cảm cho tình thương vô bờ bến tôi dành cho con. Còn nhớ, khi được đưa lên phòng mổ vô tình nghe được tiếng cô y tá: “Không nghe được tim thai bác sĩ ạ!”. Tôi tuyệt vọng, thiếu điều chỉ muốn nhắm mắt ngủ luôn trên bàn mổ. Nên lúc còn nằm trên bàn phẫu thuật lạnh băng, nghe tiếng con khóc, tôi liền bật cười. Nhưng những giọt nước mắt cứ tứa ra, đấy là lúc tôi hiểu thế nào là giọt nước mắt hạnh phúc.
 
Từ khi sinh con, tôi đã luôn có chủ kiến làm gì làm, Trung thu phải dành trọn thời gian cho con. 
 
Con trai tôi đã có những mùa Trung thu ấu thơ hạnh phúc. 
 
Hồi đó, con dù còn rất nhỏ nhưng từ những ngày trăng còn mang hình lá lúa, vợ chồng tôi đã cho con thấy khí thế của mùa “cắc tùng cắc…”. Ba đội tấm vải hoa, nhảy, uốn, lượn, vồ… động tác hùng dũng như một con lân. Hai mẹ con làm khán giả vỗ tay hoan hô. Có khi “con lân” lại biến thành ông Địa mang cái bụng lặc lè, theo chọc hai mẹ con cười. Mỗi khi ba đóng vai lân, ông Địa, con phấn khích đập tay chân, vợ chồng tôi cùng cười nắc nẻ. Hai vợ chồng trông chờ con lớn từng ngày. Khi con mới tập đi đã chạy mua lồng đèn, dạy con gõ trống, đeo mặt nạ ông Địa, cầm gậy Tề Thiên… 
 
Nhưng khi con biết mang đầu lân nhảy múa thực thụ thì gia đình tan đàn xẻ nghé. Phần lỗi này tại tôi. Vì quá chú tâm vào con mà chồng đã tìm người đàn bà khác để cận kề. Khi nhà chỉ còn hai mẹ con, tôi luôn có cảm giác của người mang trọng tội - không giữ được “con lân, ông Địa” cho riêng con.
 
*
 
Sau li hôn, tôi chọn sống trong ngôi nhà cũ, sát vách ông bà nội vì muốn cuộc sống của con không có bất kì một xáo động nào. Hằng ngày tôi phải chứng kiến cảnh người cũ chở vợ mới, con mới, cảm giác này thật tệ. Nhưng tôi phải vững vàng. Vì con, tôi không được chạnh lòng, không được khóc. Tôi đang cần truyền cho con sự dũng cảm thì sao cho phép mình yếu lòng được?
 
Ở gần nội, con thường xuyên gặp ba, được ông bà nội yêu thương, tôi dù tổn thương vẫn bằng lòng vì mọi thứ gần giống như cũ. Có điều hơi bất tiện và nhạy cảm. Tình huống này nằm ngoài dự liệu. Mỗi lần đang chơi ở bên nội nhưng thấy ba chở dì và em về chơi thì lật đật chạy về nhà, mặt buồn xo. Tôi tan nát!
 
- Mẹ ơi, sao người lớn cứ gặp con là nói “tội nghiệp thằng bé” vậy? Không dám đi coi múa lân là tội nghiệp hả? Vậy từ nay con không sợ ma, con sẽ đi coi một mình, không đòi mẹ dẫn nữa. 
 
Mẹ phải làm sao bây giờ? Con là một đứa trẻ nhạy cảm, con đang giả vờ mạnh mẽ vì có cảm giác được/bị thương hại. Tôi thực không muốn con duy truyền sự nhạy cảm, dễ bị tổn thương từ mẹ nhưng sợ của nào trời trao của ấy rồi. Tôi dỗ: 
 
- Con đừng tin những lời nói đùa kia, tin mẹ nè. Đứa nhỏ nào bằng tuổi con cũng được mẹ dẫn đi coi múa lân mà.
 
- Chỉ mỗi mẹ dẫn con thôi, các bạn được bố chở đi.
 
Tôi không nói gì được nữa, nước ứa ra đầy mắt.
 
Nỗi đau chết người của tôi là hôn nhân gãy gánh. Bạn tin không? Khi chồng ném tờ đơn li hôn vô mặt, chút kiêu hãnh đàn bà bị giáng một đòn chí mạng nhưng tôi vẫn cố mềm mỏng “thương lượng” hãy để qua Trung thu rồi tính. Việc giàn xếp cho con một mùa Trung thu êm ấm được anh xem là kế hoạch níu kéo nên bất thành.
 
Không có anh, tôi vẫn muốn con trai có Trung thu.
 
Sau khi con mắt bị lệch trục và nhược thị, tôi cực sợ ban đêm - ảnh bên đông nhưng cứ thấy bên tây. Cơ khổ! Ba hai tuổi, tôi đường ngay ngõ thẳng không đi mà cứ đâm đầu vô gai, đau nhăn mặt mới nhớ mình bị lệch trục rất nặng. 
 
Nhưng con người ta đâu có quyền bám chấp vào sợ hãi của mình mà tránh đối mặt với thực tế, dù là thực tế khốc liệt. Sợ nhất là phải ra đường vào ban đêm, đêm ở quê không có đèn đường, mùa Trung thu thì xe cộ, người ngựa chật như nêm. Nhưng đâu còn cách nào, tôi làm sao tước đi niềm vui Trung thu của con nên đêm nào cũng lọ mọ cầm pin dắt con đi coi múa lân. 
 
 Năm nào tôi cũng mời đoàn lân về nhà múa cho con vui. Nhà tôi trồng nhiều phong lan và các loại dây leo, lân vào nhà, khán giả xem chật ních. Chắc chắn sau khi đoàn lân đi, vườn hoa của tôi cũng… banh xác. Tôi yêu hoa nên cũng tan nát vì hoa. Nhưng không sao, tôi sẽ phục sinh lại “công trình thế kỉ” của mình, còn hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được nhìn con trai mỉm cười vui sướng.
 
*
 
- Mẹ ơi, vậy Tết Đoàn viên ổng có về thăm con không?
 
 Con yêu! Gọi như thế là hỗn đấy. Mẹ sẽ buồn biết bao khi con bất kính với ba của mình. Nhưng nói với con những điều ấy e còn quá sớm. Tôi chỉ nhỏ nhẻ dặn: đừng gọi ba bằng “ổng”, một đứa trẻ lễ phép không bao giờ gọi như vậy.
 
Câu hỏi của con làm cái dao trên tay đi chệch hướng, cắt lẹm vào da thịt, bung máu. Dù hận, rất hận người đàn ông trăng hoa phụ nghĩa nhưng tôi không buồn, không giận khi Trung thu con muốn có ba bên cạnh. 
 
Nhanh quá. Năm năm rồi, gã không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng chẳng cho con đồng tiền lẻ nào, thảng lắm, những dịp hiếu hỉ gã về đưa con đi ăn tô phở, thằng nhỏ vui phải biết. Tội, gã ít về nhưng con luôn miệng nhắc ba. Tôi cũng không nỡ gieo vào đầu con những ý nghĩ bi quan tàn nhẫn nên rất thân thiện chuyện trò với con về người bố “bạc tình”. 
 
Liên tiếp năm năm, Trung thu chỉ có hai mẹ con. Trung thu nào Ri cũng hỏi ba có về dẫn con đi coi múa lân? Có cùng phá cỗ? Tôi luôn trả lời ba bận công tác nên nhờ mẹ vui Trung thu với con, ba xin lỗi. Năm nào tôi cũng chuẩn bị lồng đèn và một mâm bánh kẹo, nói với con đây là quà Trung thu của ba. Con trai cực kì phấn khởi. (Sự thật là ba của Ri bận xuống phố coi múa lân, có điều gã đưa cô gái trẻ đẹp và hai đứa con của cô ta cùng đi chứ không phải giọt máu của gã).
 
Nhưng lần này có vẻ hết “lừa” con trai được rồi. Sau khi nghe mẹ giải thích nghĩa của cụm từ “Tết Đoàn viên”, cu Ri lên nhà trên, chuyển kênh chứ không xem múa lân nữa. Nhìn cái cách con giấu đi những đòi hỏi chính đáng của một đứa trẻ trong mùa Trung thu mà tôi đắng lòng. 
 
***
 
Chiều nay tôi rủ cu Ri cùng chế tạo một cái đầu lân. Nhà ta sẽ có đội lân riêng chỉ có mẹ và con.
 
Tôi lấy thùng giấy lớn, cắt, khoét hai lỗ lớn làm mắt và cái miệng rộng thành hình đầu lân. Con trai cắt bìa cứng làm lưỡi, tôi cuộn tròn 2 tờ giấy thành hình cái sừng rồi lấy giấy màu, giấy bạch kim ngồi cắt dán, trang trí đầu lân. Con trai nhanh trí, lấy tấm vải mỏng trải bàn làm mình con lân. Vậy là đã xong, một cái đầu lân khá bảnh. Con trai cười tít mắt, ôm cái đầu lân đi khoe mấy nhỏ cùng xóm rồi về bảo, chúng bạn đứa nào cũng trầm trồ, thán phục.
 
Có lân rồi thì tập múa. Mẹ làm đạo diễn, kiêm người gõ trống (Trống lân là cái nắp vung). Con trai làm lân. Hai mẹ con chuyên cần tập luyện.
 
*
 
Rồi cũng tới Trung thu.
 
Lân con nằm phủ phục dưới đất, chào gia chủ rồi nhảy múa. Tả xung hữu đột, tiến thoái, hùng dũng chồm tới, nhảy cao… tất tật đều nhịp nhàng, uyển chuyển. Tiếng trống của mẹ lúc chậm lúc nhanh, tùy theo nhịp múa của chú lân con. 
 
Trò chơi múa lân của mẹ và con diễn ra trước sân nhà, dưới ánh trăng vằng vặc, ngôi nhà bừng sáng, rộn rã tiếng cười.
 
Xong tiết mục múa lân là tiết mục phá cỗ. Một mâm bánh được dọn ra, ngoài chiếc bánh Trung thu là những món bánh trái mà con trai thích ăn. Trước khi tuyên bố phá cỗ, tôi chỉ lên trăng bảo chị Hằng đang mỉm cười nhìn mẹ con ta hạnh phúc. Thế này gọi là Tết Đoàn viên - tôi nói xong thì hai mẹ con ôm chặt...
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN