Tuổi 60

03:09, 29/09/2022
Dù chưa “cổ lai hy”
Sáu mươi là lên lão
Chưa rờ rẫm bước đi
Thì cốt xương đã rảo 
 
Da mồi là có thật
Tóc đen chỉ giả vờ
Ngán thời trang, nhảy nhót
Thích nói chuyện ngày xưa
 
Ra đường ngại xe cộ
Về đọc báo một mình
Gặp tin buồn cáo phó 
Để tâm vào năm sinh 
 
Những điều từng khắc sâu
Nay vùng quên lẫn nhớ
Kỷ niệm là chiêm bao
Thường chập chờn thức, ngủ
 
Phục bao người giỏi thật
Như không có tuổi già
Bảy mươi rồi tám chục
Còn hăm hở xông pha!
 
VƯƠNG TRỌNG
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Lời bình:
 
Nhà thơ quân đội Vương Trọng ở những bài thơ được bạn đọc yêu thích thường là những chiêm nghiệm từ những hiện tượng có thật của đời thường, những ngẫm ngợi thế sự, những tứ thơ có tình huống như những tổng kết nhỏ để chia sẻ giao cảm với người đọc. Và, bài thơ “Tuổi 60” nằm trong mảng thơ đó.
 
Ông chọn thể thơ 5 chữ để diễn đạt cho lối tự sự rủ rỉ tâm tình, để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình thật chân thành đồng cảm mà lay thức ngẩm ngợi. Ở tuổi 60, ông đã nhận ra một loạt tình trạng sức khỏe, tâm sinh lý, mối quan hệ xã hội đã ảnh hưởng đến trạng thái cung bậc về thể hình và tâm trạng cảm xúc thay đổi tính cách của mình. Tuổi 60 là: “Cốt xương đã rảo” là “Ngán thời trang nhảy nhót/ Thích nói chuyện ngày xưa”, hay “Ra đường ngại xe cộ/ Về đọc báo một mình”.
 
Rõ ràng đây là chân dung tinh thần tự họa vừa tự tại vừa hóm hỉnh. Phải đạt đến độ thấu hiểu lẽ đời, lẽ trời anh mới nhận ra cái quy luật tất yếu: “Da mồi là có thật/ Tóc đen chỉ giả vờ” (tóc đen do nhuộm) ta nhận cái mỉm cười của ông đồ xứ Nghệ, thích đùa cợt nhưng cái sự đùa cợt này sâu sắc và nghiêm cẩn. Sâu sắc đến độ thản nhiên, nhẹ nhàng; nghiêm cẩn đến độ hồn nhiên, tự biết. Câu thơ hay nhất trong bài tưởng như viết ra thật dễ dàng, cái chớp lóe khoảnh khắc sáng tạo đủ dựng dậy cả cái thần thái thâu tóm được không cần diễn giải nhiều lời, đọc lên ta cứ giật mình thảng thốt: “ Gặp tin buồn, cáo phó/ Để tâm vào năm sinh”. Cái nghiệt ngã của thời gian tuổi tác như một lẽ thường tình của quy luật, cái vòng biến thiên: mất được, cho nhận, vui buồn đến cái tuổi “cổ lai hy” lại trở nên nhẹ nhõm.
 
Khi nhà thơ tự trào: “Sáu mươi là lên lão”, đây cũng là cái mốc tuổi nghỉ hưu, con người hoạt động xã hội bước sang một thế giới tĩnh tại khác, tạo ra sự hụt hẫng những khoảng trống vắng mới; tạo ra những “vùng quên lẫn nhớ”, những “chập chờn thức, ngủ”. Đây là những phát hiện tinh tế của người trong cuộc cũng là một hiện tượng mang tính phổ biến của tâm lý xã hội nhưng họ hoàn toàn chủ động: “Phục bao người giỏi thật/ Như không có tuổi già”, vẫn cống hiến trí tuệ tài năng của mình: “Còn hăm hở xông pha”.
 
Đây là lối kết có hậu quen thuộc của nhà thơ Vương Trọng, vốn xuất thân là cử nhân toán học. Nhưng ta lại bắt gặp cái tủm tỉm cười vừa độ lượng vừa tự trào khi nhà thơ viết: “Phục bao người giỏi thật”, như thế mới là nguyên chất của Vương Trọng khi thốt ra chữ “phục”. Bài thơ viết cho mình mà cũng viết cho người với bao cảm thông chia sẻ mà cũng đầy khí chất tự trào. Vương Trọng khá thành công khi viết về “Bên mộ cụ Nguyễn Du” hay “Với đứa con ngoài giá thú”, nay đối diện với mình với “Tuổi 60”, nhà thơ lại thêm một bức chân dung tự họa cho một thế hệ đủ lịch lãm, kinh nghiệm sống trải qua và tự tin đón những thử thách sắp tới.
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ