|
Nhân dân chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Trong những ngày mùa thu tháng 10 này người dân cả nước hướng về Hà Nội với bao cảm xúc thiêng liêng bởi có một ngày lịch sử đáng ghi nhớ: Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Có lẽ trong âm vang hào hùng với những hồi tưởng, những kí ức đẹp đẽ trong lòng chúng ta bỗng ngân vọng da diết hai ca khúc rất hay viết về sự kiện này với những âm vang trầm hùng sâu lắng: Bài Tiến về Hà Nội của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao và bài Cảm xúc tháng 10 của nhạc sĩ Nguyễn Thành phổ thơ Tạ Hữu Yên. Nếu Tiến về Hà Nội được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước Ngày giải phóng Thủ đô từ năm 1949 như một dự đoán thiên tài với tiết tấu hồ hởi, giai điệu rộn ràng vẽ nên cảnh một ngày quân ta tiến vào Thủ đô: “
Trùng trùng quân đi như sóng - Lớp lớp đoàn quân tiến về - Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng - Cờ ngày nào tung bay trên phố”, và hiện thực ngày 10/10/1954 đã tưng bừng diễn ra như thế. Còn bài hát Cảm xúc tháng 10 thì được nhạc sĩ Nguyễn Thành viết sau Ngày giải phóng Thủ đô trong một cuộc thi ca khúc viết về Hà Nội và được giải cao, nhạc sĩ Nguyễn Thành đã chắp cánh cho bài thơ Cảm xúc tháng 10 của Đại tá - nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên bay cao, bay xa, thăng hoa niềm cảm hứng bất tận trong không khí: “
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy - Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Đến nay, nhịp trống ấy vẫn ngân vang, màu cờ, màu hoa năm ấy vẫn đỏ thắm, những ngã đường còn in dấu, in bóng đoàn quân chiến sĩ áo trấn thủ đi dép cao su, đầu đội mũ vải từ năm cửa ô như năm cánh sao tiến về theo nhịp hành khúc người lính.
|
Tái hiện cảnh đón đoàn quân trở về trên phố Phùng Hưng, Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Internet |
Trong những ngày này, ta lại càng bồi hồi nhớ lại: Để có con đường chiến thắng trở về Thủ đô là cả một chặng đường lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước. Vì thế trước đó có một sự kiện lịch sử không phải ngẫu nhiên là Đại đoàn Quân tiên phong trên đường tiến về Hà Nội đã được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu tại Đền Hùng (Phú Thọ). Dưới bóng mát linh thiêng của mái đình vút cong màu ngói đã lên rêu thời gian và những tán cây chò cổ thụ ngàn năm tuổi, Bác Hồ ngồi trên bậc thềm của ngôi đền thiêng giữa đoàn quân căn dặn các chiến sĩ: “
Ngày xưa các vua Hùng có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước. 8, 9 năm nay do Nhân dân ta cương quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận vinh dự lớn”. Vâng, thưa Bác “vinh dự lớn” này là sự tiếp nối thế hệ truyền thống lịch sử ngàn đời của cha ông đã vun đúc ý chí quật cường quyết chiến, quyết thắng, đó là sức mạnh lớn lao từ cội nguồn dân tộc, từ dáng hình cương vực của đất nước hình chữ S thân yêu. Một đất nước mà có nhà thơ ví: “
Đất nước giống như nàng tiên múa - Lại hóa ngọn lửa lúc cuồng phong”. Một thủ đô hào hoa mà oai phong lẫm liệt: “
Sống vững chãi 4.000 sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận). Trong ta còn âm vang cuộc hành binh thần tốc của đoàn quân voi chiến, ngựa chiến vua Quang Trung từ Nam ra Bắc tiến vào thành Thăng Long năm Tết Kỷ Dậu (1789) đánh tan quân Thanh với chiến thắng vang dội oanh liệt: Ngọc Hồi - Đống Đa. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang khí thế của cuộc cách mạng tháng 8/1945 như nước vỡ bờ vùng lên cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ, mít tinh ở Nhà hát lớn Thủ đô. Không phải ngẫu nhiên mà Trung đoàn Thủ đô là một trong năm cánh quân đầu tiên vào Hà Nội. Cách đây 8 năm, năm 1946, các anh là những chiến binh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc, các anh cùng Nhân dân thủ đô đã biến mỗi gốc phố, ngôi nhà, ngõ hẻm thành những pháo đài kiên cố chiến đấu cầm chân giặc Pháp để sau hai tháng hoàn thành nhiệm vụ rút quân lên chiến khu bảo toàn lực lượng kháng chiến trường kỳ. Và hôm nay các anh đã trở về trong tư thế của người chiến thắng. Trên ngực áo còn sáng ngời tấm hình huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”. Các anh đã từng: “
56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” gian khổ hy sinh để làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Và 18 năm sau (tháng 12 năm 1972) Thủ đô Hà Nội thân yêu lại làm nên chiến công oanh liệt một “Điện Biên Phủ trên không” rực sáng những con rồng lửa từ “bệ phóng” của truyền thống lịch sử ngàn đời thiêu cháy B52 hiện đại nhất của Mỹ. Đường về giải phóng thủ đô chính là con đường kết tinh cao đẹp nhất truyền thống yêu nước của dân tộc ta mà Thủ đô Hà Nội hào hoa là nơi hội tụ kết tinh tinh túy của mọi miền, chứa đựng những nét văn hóa đậm chất thanh lịch tao nhã của người Tràng An. Đường về giải phóng Thủ đô là con đường chiến lược cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra để hướng tới tương lai: Một thành phố hòa bình, thủ đô của niềm tin và hy vọng...
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin