Nhận diện văn học viết Lâm Đồng

06:10, 27/10/2022
Nhân kỷ niệm 40 năm Khoa Ngữ văn - Lịch sử & 46 năm Trường Đại học Đà Lạt đổi mới và phát triển (27/10/1976-27/10/2022), hướng tới Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022-2027, Tiến sĩ Lê Hồng Phong - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng đã dành cho Báo Lâm Đồng một cuộc trao đổi khá thú vị xung quanh vấn đề nhận diện văn học viết Lâm Đồng.
 
Tác giả gặp gỡ, trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Phong (bên phải) xung quanh vấn đề nhận diện văn học viết Lâm Đồng
Tác giả gặp gỡ, trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Phong (bên phải) xung quanh vấn đề nhận diện văn học viết Lâm Đồng
 
  PV: Có thể nói, nhận diện văn học viết Lâm Đồng là một trong những vấn đề hết sức ý nghĩa và cũng rất thú vị. Được biết, nhóm nghiên cứu của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng đã có hướng tiếp cận, nghiên cứu về vấn đề này. Vậy, hướng tiếp cận nghiên cứu ấy là gì, thưa tiến sĩ?
 
•  TS Lê Hồng Phong: Nghiên cứu văn học Lâm Đồng, đặc biệt là văn học viết thực ra là vấn đề không mới. Vấn đề này đã được nghiên cứu từ trước những năm 1990. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ sáng tác ngày càng phong phú và tác phẩm cũng ngày càng đa dạng, đạt được những giá trị nhất định về nội dung và nghệ thuật, đồng thời đã có những đóng góp nhất định cho văn học - nghệ thuật của tỉnh Lâm Đồng. Tôi nghĩ rằng vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo và nghiêm túc. Hiện nay, ở Tổ Văn học của Khoa Ngữ văn - Lịch sử Đại học Đà Lạt có khoảng vài chục thạc sĩ, tiến sĩ trẻ vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa nghiên cứu. Tôi rất mong Khoa Ngữ văn - Lịch sử cũng như Tổ Văn học phải có kế hoạch dài hơi, có một chiến lược nhất định để thấm nhuần trong đội ngũ của mình, đồng thời trình lên lãnh đạo nhà trường vấn đề này. Tôi cũng rất muốn sau đó sẽ có những đề tài, những luận văn, luận án, những công trình các cấp nhằm đánh giá, đúc kết, khái quát chung về văn học địa phương, về các thể loại của văn học địa phương và về các tác giả tiêu biểu của địa phương... 
 
Ý tưởng là như thế! Trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu đào tạo cũng như nhu cầu nghiên cứu của địa phương, chúng ta cần phải nghiên cứu một cách trọn vẹn: Có thể nghiên cứu từng tác giả, từng nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của tỉnh nhà; cũng có thể nghiên cứu theo từng thể loại (truyện ngắn, ký, thơ...). Và tất nhiên, cả hai hướng tiếp cận cụ thể đó phải đúc kết những vấn đề mang tính khái quát; phải cho thấy những đặc thù, đặc điểm chung của văn học Lâm Đồng trong bối cảnh của Việt Nam, cũng như đặc thù đặc điểm riêng của văn học Lâm Đồng mà có thể ở những nơi khác người ta ít quan tâm hơn. 
 
•  PV: Vậy đâu là phạm vi và đối tượng nghiên cứu, cũng như hình thức tiếp cận, nghiên cứu để nhận diện văn học viết Lâm Đồng?
 
•  TS Lê Hồng Phong: Về phạm vi và đối tượng nghiên cứu, tôi nghĩ trước hết là nghiên cứu những tác phẩm do các nhà văn, nhà thơ hiện đang sinh sống và sáng tác tại tỉnh nhà; tiếp đến là những nhà văn, nhà thơ đã từng sống và sáng tác ở đây nhưng đã đi nơi khác; những nhà văn, nhà thơ ở nơi khác đến tham quan, học tập, công tác viết về Đà Lạt - Lâm Đồng. Như vậy, phạm vi và đối tượng nghiên cứu là khá rộng! Còn về hình thức, có thể hướng dẫn khóa luận cho sinh viên đại học năm thứ 4, cũng có thể hướng dẫn khóa luận cho học viên cao học và tiến tới đối tượng là những nghiên cứu sinh. Đấy là hướng tiếp cận gắn chặt đào tạo với những đối tượng cụ thể mà chúng ta quan tâm. Hướng thứ hai là, thực hiện các đề tài các cấp như: Đề tài cấp trường, đề tài cấp trường trọng điểm, đề tài cấp bộ, cũng như đề tài cấp tỉnh. Đúc kết những thành tựu ấy, chúng ta sẽ có những công trình về văn xuôi, về thơ hay về các tác giả tiêu biểu để sau đó in ấn, xuất bản giới thiệu đến công chúng.
 
•  PV: Nhận diện văn học viết Lâm Đồng là một vấn đề mới và khó. Theo tiến sĩ, cần làm gì và làm như thế nào để có hướng tiếp cận và nhận diện vấn đề một cách chính xác nhất, khách quan nhất?
 
•  TS Lê Hồng Phong: Về vấn đề này, Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng nên làm việc với Khoa Ngữ văn - Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt để có sự kết nối, cùng góp phần xây dựng phát triển Hội và Tạp chí LangBian. Tôi cũng xin nói thật là: Lĩnh vực nghiên cứu, lý luận và phê bình cũng như mảng văn học trong nhà trường của Tạp chí là chưa mạnh. Chúng ta chưa huy động được “chất xám” của Khoa đóng chân trên địa bàn tỉnh. Tất nhiên, đây là trách nhiệm của cả hai bên. Tôi cũng mong rằng, Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn - Lịch sử Đại học Đà Lạt tăng cường sự phối kết hợp trách nhiệm với Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng để cùng nhau phát triển đội ngũ, trong đó có những người làm công tác nghiên cứu phê bình, những người trực tiếp khảo sát, đánh giá thực trạng văn học viết Lâm Đồng. 
 
Tôi cho rằng phía Thư viện tỉnh nên ủng hộ; các nhà văn, nhà thơ và các gia đình cũng nên ủng hộ khi có những sinh viên, học viên đến tìm tư liệu để thực hiện các luận văn, luận án. Tôi rất mong có được sự hỗ trợ rộng rãi như thế! Mong rằng, đối với tỉnh Lâm Đồng thông qua Sở Khoa học - Công nghệ cũng cần quan tâm đến lĩnh vực xã hội - nhân văn; xem xét, phê duyệt theo đấu thầu hoặc chỉ định như thế nào đấy để đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Ngữ văn - Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt có thể đăng ký các đề tài cấp tỉnh. 
 
Riêng về Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng, trách nhiệm chính của Chi hội không phải là nghiên cứu văn học viết, nhưng trong Chi hội có những người có cả hai chuyên môn, họ sẵn sàng đi những bước đầu tiên. Tuy nhiên, chủ lực trong việc này vẫn là Tổ Văn học và Khoa Ngữ văn - Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt và sự phối hợp chặt chẽ của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Với tất cả sự giúp đỡ, cộng hưởng trách nhiệm của các cơ quan hữu quan như đã nêu trên, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được những kết quả ban đầu nhất định.
 
•  PV: Xin cảm ơn tiến sĩ.
 
LÊ TRỌNG (THỰC HIỆN)