Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang

05:10, 20/10/2022
Đến với Bạc Liêu, nhiều du khách đã tìm về Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) - công trình kiến trúc lưu giữ những giá trị vật chất cũng như tinh thần của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Dạ cổ hoài lang được mệnh danh là Tiếng lòng Nam Bộ và là đứa con tinh thần của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lưu giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.
 
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu lưu niệm
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu lưu niệm
 
• CUỘC ĐỜI LÊNH ĐÊNH CỦA NHẠC SĨ TÀI HOA
 
Theo sử sách ghi lại, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1890, tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An và mất vào ngày 13/8/1976. Ông sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn với 6 anh, em. Từ thuở thiếu thời, nhạc sĩ tài hoa đã lâm vào hoàn cảnh không may, cuộc sống bần hàn, thiếu thốn. Cả nhà phải chịu cuộc sống lênh đênh, cơ cực đây đó ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Sau nhiều năm bôn ba tìm chốn mưu sinh, cuối cùng ông cùng gia đình dừng chân sinh sống tại tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, ông vào ở chùa Vĩnh Phước An để học chữ Nho. 
 
Trong thời gian học chữ tại chùa, ông hay tin có thầy đàn nổi danh xứ Bạc Liêu thời đó là ông Lê Tài Khí (còn gọi là thầy Hai Khị). Ông Tài Khí dù bị mù cả 2 mắt và di tật ở chân, nhưng lại có tài đàn hát điêu luyện hơn người. Bằng niềm đam mê của mình, cậu bé Cao Văn Lầu xin phép cha mẹ dẫn đến gặp ông Tài Khí bái sư học đàn mỗi đêm. Vốn là người siêng năng và yêu thích nhạc cụ, cậu bé Cao Văn Lầu tiếp thu rất nhanh và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, trống lễ. Điều đặc biệt, đàn tranh là loại nhạc cụ được ông sử dụng thành thạo và chơi hay nhất trong các loại nhạc cụ.
 
Năm 23 tuổi, nhạc sĩ Cao Văn Lầu lập gia đình, lấy bà Trần Thị Tấn làm vợ. Tuy đến với nhau bằng mai mối, nhưng tình yêu giữa ông và vợ rất mặn nồng. Nhưng cưới nhau 3 năm mà vợ chồng ông vẫn chưa có con. Theo phong tục xưa, với quan niệm “Tam niên vô tử bất thành thê”, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột. Vì chữ hiếu, ông đành ngậm ngùi xa cách vợ mình trong niềm nhớ thương vô hạn. Thời ấy, phải chứng kiến cảnh biết bao người vợ tiễn chồng lên đường tòng quân tham gia cuộc chiến chống thực dân Pháp còn kéo dài, ông đau cùng nỗi đau của người chinh phụ ngày đêm đợi chồng. Đêm đêm, nghe tiếng trống chùa văng vẳng vọng về, nhạc sĩ Cao Văn Lầu lại nhớ đến hoàn cảnh của chính vợ chồng mình. Tuy không phải là người chinh phu ra trận và vợ mình cũng chẳng phải là người chinh phụ chờ chồng, nhưng lại cùng chung nỗi đau biệt ly, nhớ nhung và chờ đợi. Để rồi, nhạc sĩ Cao Văn Lầu cho ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”. Hằng đêm, người ta lại thấy ông “Sáu Lầu” ngồi ôm đàn thẫn thờ ca bản “Dạ cổ hoài lang” để vơi bớt nỗi nhớ thương người vợ hiền mà ông yêu quý.
 
Tứ tuyệt (kìm, cò, bầu, tranh) biểu tượng của văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ
Tứ tuyệt (kìm, cò, bầu, tranh) biểu tượng của văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ
 
•  TIẾNG LÒNG CỦA CỐ NHẠC SĨ
 
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Cao Văn Lầu để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, mở đường cho nền nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương mang đậm chất Nam Bộ đến ngày nay và mãi về sau như: Thu phong, Oanh vàng, Bái đường, Ái cầm... Trong đó, nổi tiếng bật nhất trong bộ sưu tập sáng tác của ông là bản “Dạ cổ hoài lang” sáng tác năm 1919, là tiền thân của bài Vọng cổ ngày nay. Cái gốc của bản “Dạ cổ hoài lang” được ông viết theo nhạc dân tộc: Hò, xự, xang, xê, cống. Đến tháng 8/1919, tại Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu công bố bản nhạc lòng bất hủ của mình với công chúng. Trải qua hơn 100 năm, bản “Dạ cổ hoài lang” được các thế hệ nghệ sĩ tài hoa của vùng đất phương Nam như: Trịnh Thiên Tư phát triển thành nhịp 4; soạn giả Lư Hòa Nghĩa phát triển lên nhịp 8; soạn giả Mộng Vân phát triển thành nhịp 16; ông Trần Tấn Hưng phát triển thành nhịp 32 và Lý Phi phát triển lên đến nhịp 64. Sau đó, soạn giả Viễn Châu kết hợp từ một đoạn nhạc những điệu lý, điệu hò cùng với 4 câu Vọng cổ thể loại nhịp 32 để tạo thành Tân cổ giao duyên làm xao xuyến lòng người và được mệnh danh là “Tiếng lòng Nam Bộ”.
 
Đến với Bạc Liêu lần này, chúng tôi được ghé thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại Phường 2 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Cùng với việc tham quan Khu lưu niệm, tại đây, du khách đều được thưởng thức bản nhạc lòng “Dạ cổ hoài lang” quý giá của nhạc sĩ tài hoa. Qua đó, thấu hiểu và cảm nhận được tình cảm trìu mến của người dân Nam Bộ nói chung dành cho tác phẩm. Cùng với đó, là sự kết tinh cho một cuộc tình có hậu giữa nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bà Trần Thị Tấn (vợ cố nhạc sĩ).
 
“Dạ cổ hoài lang” chứa đựng chuyện tình đủ cay đắng, ngọt bùi giữa cố nhạc sĩ với bà Trần Thị Tấn. Trên thực tế, dù phải chia ly, nhưng chính tình yêu son sắt đã thôi thúc 2 người thường xuyên qua lại với nhau. Ban đầu bản “Dạ cổ hoài lang” chỉ có 18 câu. Để rồi, khi biết tin bà Trần Thị Tấn mang thai đứa con trai đầu lòng, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã viết tiếp 2 câu (19 và 20) “Trở lại gia đàng/Cho én nhạn hiệp đôi í a”. Cũng từ đây, vợ chồng ông sum họp và sinh được 7 người con (5 trai, 2 gái), gồm các ông, bà: Cao Văn Hùng (Cao Kiến Thiết), Cao Thị Phấn, Cao Văn Hoài, Cao Văn Cường (Cao Phương Sở), Cao Văn Bỉnh, Cao Thị Nga và Cao Văn Đàng.
 
Trong 7 người con của cố nhạc sĩ, thì cậu cả - ông Cao Văn Hùng (Cao Kiến Thiết) từng là cán bộ cấp cao Bộ Ngoại giao, giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mông Cổ. Trong khi đó, cậu út Cao Văn Đàng bộc lộ tài năng âm nhạc từ sớm được ông “Sáu Lầu” truyền dạy tất cả sở học hứa hẹn nối tiếp xứng đáng người cha tài hoa. Tiếc thay, cậu út mất sớm khi mới hơn 30 tuổi.
 
Để khắc ghi những đóng góp nghệ thuật của cố nhạc sĩ, năm 1997, Đảng, Nhà nước đã ra quyết định thành lập Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu; năm 2013 đã nâng cấp thành khu di tích quốc gia, tọa lạc ngay trên vùng đất Bạc Liêu. Qua đó, vừa để tri ân một nghệ nhân tiền bối, đồng thời khẳng định Bạc Liêu là một trong những cái nôi đã hình thành và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Sân khấu Cải lương Nam Bộ. Khu di tích gồm nhiều hạng mục, từ ngoài nhìn vào là đài Nguyệt cầm được xây dựng bằng đá, ở vị trí trung tâm và cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu - chiếc đờn đứng đầu Tứ tuyệt (kìm, cò, bầu, tranh).
 
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một minh chứng hùng hồn về vị trí đặc biệt của Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Bạc Liêu, một đặc điểm văn hóa đã đi vào lòng người và gắn liền với đời sống tinh thần dân tộc.
 
KHÁNH PHÚC