(LĐ online) - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ mới đã có tác động sâu sắc đến cách thức thu thập, lưu trữ, tổ chức, truy cập, truy xuất và tiêu dùng thông tin. Trong hoạt động thư viện, xu hướng ứng dụng công nghệ mới như công nghệ RFID, công nghệ cảm biến, robot, internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn,… trong việc tổ chức, quản lý và cung cấp nguồn tài nguyên cho người sử dụng là vô cùng cần thiết. Cùng với Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là một trong các chủ đề đang được đề cập đến nhiều nhất hiện nay trong ngành Thư viện.
Từ năm 1998, Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã ứng dụng phần mềm CDS/ISIS trong công tác biên mục và quản lý cơ sở dữ liệu. Đến năm 2007, được sự chỉ đạo từ Thư viện Quốc gia Việt Nam và sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, Thư viện Lâm Đồng đã được cấp kinh phí trang bị hệ thống máy chủ và phần mềm quản trị thư viện điện tử tích hợp Ilib3.6 (thay thế phần mềm CDS/ISIS) để đưa vào quản lý hoạt động thư viện, lúc đó thư viện cũng đã được trang bị hệ thống mạng LAN, để cán bộ thư viện có thể ứng dụng phần mềm trong công tác biên mục và lưu thông tài liệu.
Năm 2012, trong khi cả nước mới chỉ có vài thư viện có trang thông tin điện tử (website), thì Thư viện Lâm Đồng là một trong số đó, đã xây dựng được website để quảng bá các hoạt động thư viện. Năm 2017, Thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm giới thiệu tài liệu đến với người sử dụng, tích hợp thư viện số và sách điện tử, sách nói trên website qua địa chỉ http://thuvienlamdong.org.vn.
Năm 2021, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhiều lần Thư viện Lâm Đồng phải tạm dừng phục vụ người sử dụng trực tiếp, tuy nhiên người sử dụng của thư viện vẫn không bị gián đoạn trong việc mượn, đọc sách. Để vừa phục vụ người sử dụng, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, Thư viện đã tích cực tuyền truyền giới thiệu sách qua các trang fanpage, facebook, website của thư viện, tích hợp thư viện số và sách điện tử, sách nói trên website qua địa chỉ http://thuvienlamdong.org.vn....
Ngoài ra, Thư viện cũng đã tạo các link liên kết, có gắn mã QR để người sử dụng có thể dễ dàng truy cập nhanh đến tài liệu cần tìm mà không phải đến thư viện hay đánh những dòng địa chỉ dài, dễ sai, khó nhớ… như trước kia.
Nhờ sự đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, đã góp phần duy trì và thu hút được lượng lớn người sử dụng đến với thư viện tỉnh qua không gian mạng. Theo thống kê từ năm 2017 đến nay, nhìn chung mỗi năm lượt bạn đọc trên Trang thông tin của Thư viện Lâm Đồng đều tăng hàng nghìn lượt truy cập.
Để đáp ứng được nhu cầu đọc tài liệu số của người sử dụng, từ năm 2017 đến nay, thư viện đã chú trọng đến công tác bổ sung tài liệu số, và tạo ra các sản phẩm thông tin đa dạng, phong phú để phục vụ người sử dụng. Đến tháng 10/2022, thư viện đã có hơn 309.467 tài liệu số.
Thư viện cũng đã có đường truyền internet tốc độ khá cao, hệ thống máy chủ, máy trạm hoạt động ổn định. Ngoài ra, thư viện còn có phần mềm quản lý thư viện ilib có các chức năng phân tách rõ ràng như bổ sung, biên mục, lưu thông… Giúp cho việc quản lý hoạt động thư viện dễ dàng, chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa, Thư viện cũng đã có phần mềm quản lý bộ sưu tập số (Dspace) để trình bày những bộ sưu tập thông tin có tổ chức. Thư viện đã tạo lập và cấp quyền cho mỗi các thư viện huyện/thành phố và thư viện trường học trên địa bàn một tài khoản để quản lý và vận hành các Bộ sưu tập số của đơn vị mình.
Bên cạnh việc sử dụng Trang thông tin điện tử để quảng bá và truyền tải thông tin đến người sử dụng, thư viện còn có trang fanpage, facebook để giới thiệu sách, đưa các thông tin đến với người sử dụng một cách gần gũi, thân thiện hơn. Thư viện cũng đã tìm được hướng đi mới trong việc liên thông, liên kết với các thư viện để cùng xây dựng được hệ thống các cơ sở dữ liệu phong phú giúp tạo lập và chia sẻ nguồn lực thông tin. Thư viện đã liên kết Trang thông tin điện tử của các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, liên kết cơ sở dữ liệu đến các thư viện khác trong và ngoài nước, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL), tài liệu số hóa cho các thư viện huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tạo các liên kết, có gắn mã QR để người sử dụng có thể dễ dàng truy cập nhanh đến tài liệu.
Cụ thể, Thư viện Lâm Đồng đã chia sẻ kho tài liệu số gồm 3.939 bản sách trên trang thông tin điện tử của các thư viện huyện, với mong muốn “Lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng Việt Nam”, hướng đến cộng đồng, phục vụ từ xa cho người đọc không có điều kiện tiếp xúc với sách, nhằm giới thiệu đến người sử dụng những cuốn sách hay, bổ ích, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với những thư viện huyện, thành phố trong tỉnh còn khó khăn về nhân sự và đang loay hoay trong việc thực hiện chuyển đổi số, Thư viện đã cử cán bộ đến tận nơi để hỗ trợ xử lý nghiệp, từng bước đưa vốn tài liệu lên không gian mạng, qua phần mềm Vietbiblio do Thư viện tỉnh Bình Định chia sẻ, giúp cho việc tổ chức, quản lý và khai thác thông tin được nhanh chóng và hiệu quả. Đây là cơ sở để hệ thống thư viện công cộng của tỉnh nhanh chóng xây dựng được mục lục liên hợp dùng chung, là tiền đề để các thư viện có thể hội nhập liên thông, liên kết với các thư viện khác trong tỉnh, trong nước cũng như trên thế giới.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Thư viện Lâm Đồng cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đóng góp lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện làm cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển sự nghiệp có tính chiến lược, lâu dài.
Hai là, xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn, mục tiêu cụ thể.
Ba là, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các chuẩn nghiệp vụ để phát triển nền tảng số dùng chung.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển tài nguyên thông tin số.
Năm là, chú trọng việc liên thông, liên kết giữa các thư viện.
Sáu là, tích hợp dữ liệu, tìm kiếm tập trung.
Bảy là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thư viện là quá trình lâu dài, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện được điều này một cách có hiệu quả thiết thực, đòi hỏi thư viện cần phải có chiến lược và phương pháp tiếp cập phù hợp mang tính tổng thể. Việc kết hợp được những lợi thế sẵn có của thư viện và công nghệ mới đem lại, sẽ góp phần đưa hoạt động của thư viện lên tầm cao mới, đáp ứng hiệu quả và yêu cầu của người sử dụng.
VŨ HẠNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin