(LĐ online) - Chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 và kỷ niệm 18 năm thành lập huyện Đam Rông (30/12/2004 – 30/12/2022), tối 15/11, UBND huyện Đam Rông tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng huyện Đam Rông lần thứ I năm 2022. Ông Nguyễn Văn Lộc –Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đam Rông; ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 về dự.
|
Các nghệ nhân đồng tấu cồng chiêng và múa xoang quanh ánh lửa |
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Liêng Hót Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nhấn mạnh: Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Đam Rông năm 2022 là hoạt động văn hóa quan trọng, đặc sắc nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, giao lưu, học hỏi kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa và hạt nhân văn nghệ, làm nòng cốt cho hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương trong thời gian tới.
|
Các Đoàn nghệ nhân tham gia hội thi diễn tấu cồng chiêng và múa xoang |
Liên hoan bắt đầu bằng nghi thức tái hiện Lễ hạ chiêng của người K’Ho mời gọi thần linh (Yàng ndu) về dự hội với buôn làng. Đây là khí cụ linh thiêng, theo quan niêm của đồng bào trong mỗi cồng chiêng đều có thần linh trú ngụ, chiêng càng cổ xưa thì sức mạnh của chiêng càng lớn và âm thanh của chiêng được xem là ngôn ngữ kỳ diệu để con người giao cảm với thần linh. Ngay sau lễ hạ chiêng là tiếng chiêng đêm hội được ngân vang quanh cây nêu, sau đó là chương trình đồng tấu cồng chiêng của các Đoàn nghệ nhân, hòa quyện cùng điệu múa xoang quanh ánh lửa bập bùng, tạo nên không khí đêm hội thật sôi động và đặc sắc của các dân tộc bản địa K’Ho, M’nông, Churu và Mạ một bộ phận không thể thiếu trong không gian văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên.
|
Thực hiện nghi thức hạ chiêng châm lửa khai mạc đêm hội |
Tham gia Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng huyện Đam Rông lần thứ I năm 2022 có 9 Đoàn với trên 200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 8 xã trên địa bàn huyện và Trường Phổ thông dân tộc nội trú – Trung học cơ sở huyện. Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng lần này mỗi đoàn đều tham gia các hoạt động như: Hội thi trò chơi dân gian (gồm thi kéo co, đẩy gậy), Diễu hành nghệ thuật (giới thiệu các đoàn về tham gia liên hoan), Hội thi ẩm thực dân gian và trang trí không gian văn hóa truyền thống, Hội thi giã gạo, Hội thi trình diễn trang phục truyền thống và Hội thi diễn tấu chiêng...
Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao nhiều giải cho các đoàn tham gia nội dung hội thi diễn tấu cồng chiêng và múa xoang; thi ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc, trang trí không gian văn hóa cồng chiêng…
NDONG BRỪM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin