Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực tiễn đời sống

05:11, 29/11/2022
Những năm qua, việc thực hiện hương ước, quy ước ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có bước chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Có được kết quả trên là nhờ việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương  ước trong cộng đồng dân cư bám sát thực tiễn, phù hợp phong tục, tập quán, gắn kết cộng đồng. 
 
Các lễ hội được tổ chức văn minh, mang đậm bản sắc truyền thống theo đúng quy định của hương ước, quy ước
Các lễ hội được tổ chức văn minh, mang đậm bản sắc truyền thống theo đúng quy định của hương ước, quy ước
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 thị trấn) với 1.376 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số 1.296.906 người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,1%. Các dân tộc chung sống hòa thuận, đoàn kết, tạo nên nét văn hoá riêng đặc trưng của từng dân tộc. Từ đó, hệ thống hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh cũng mang nhiều màu sắc và nét đặc trưng riêng. Những năm qua, hoạt động xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự quản, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước, giữ vững ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.
 
Tại 12/12 huyện, thành phố, hương ước, quy ước được lồng trong ghép trong các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và quy chế dân chủ ở cơ sở, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm xóa bỏ những phong tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; vận động người dân đóng góp vào các Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học, Vì người nghèo; gắn với Phong trào Toàn dân xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... Từ đó phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực đời sống.
 
Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 1.213 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng và được phê duyệt hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 88%). Việc xây dựng hương ước, quy ước được xây dựng theo ý nguyện của người dân qua các hình thức trưng cầu dân ý, dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa; đồng thời bổ sung những nội dung mới, tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Nội dung và hình thức của các bản quy ước, hương ước đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của quy định hiện hành. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở. Bên cạnh các quy định chung, đa số quy ước, hương ước đã bám sát với tình hình thực tế, tập trung xoay quanh các vấn đề như: An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, việc cưới, việc tang, chính sách dân số, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống các tệ nạn xã hội, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẩn nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, coi trọng việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, tạo dựng môi trường sống lành mạnh. 
 
Việc thực hiện hương ước, quy ước đã được các địa phương chú trọng; các hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt đều được phổ biến đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các thôn, tổ dân phố như: Photocopy hương ước, quy ước phát đến các hộ gia đình, trích yếu một số nội dung cơ bản dễ nhớ, dễ hiểu và niêm yết tại nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên loa truyền thanh, được phổ biến công khai trong các cuộc sinh hoạt thôn, khu phố. Việc theo dõi, xem xét đánh giá hương ước, quy ước được thực hiện qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, ngày hội đại đoàn kết dân tộc. Đa số người dân tự nguyện, tự giác thực hiện một cách nghiêm túc, có tính tự giác cao. Có thể nói, hương ước, quy ước đã góp phần vận động Nhân dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, đóng góp huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, chung tay xây dựng nông thôn mới.
 
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của quy ước, hương ước đối với mọi tầng lớp Nhân dân, cần quan tâm, rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời sửa đổi, bổ sung thay thế những quy ước không còn phù hợp với pháp luật hiện hành. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể theo dõi và giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình thực hiện. Nâng cao năng lực chuyên môn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức trong thực hiện việc tiếp nhận và thẩm định hương ước, quy ước; định kỳ, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt; đưa việc thực hiện hương ước, quy ước là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu đơn vị, gia đình văn hoá, thôn, khu phố, xã văn hóa... 
 
Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng khẳng định: “Việc thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào kết quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới; phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng nội dung của các bản hương ước, quy ước; xây dựng hương ước, quy ước mang tính đặc thù, sát với điều kiện, đặc điểm của từng thôn, bản, tổ dân phố; tránh việc xây dựng hương ước, quy ước mang tính hình thức, nội dung sơ sài, rập khuôn, sao chép. Từ đó đưa hương ước, quy ước ngày càng đi vào thực tế đời sống của người dân”.
 
QUỲNH UYỂN