(LĐ online) - Sau bao ngày mong chờ, Nhà hát đầu tiên của Đà Lạt có kiến trúc mang biểu tượng hoa dã quỳ vàng giữa Quảng trường Lâm Viên đã khai trương vào đêm 26/11 bằng vở diễn Yêu là thoát tội (Đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018).
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng (đóng vai Thái giám Nguyễn Hiền, thiết kế trang phục nhân vật) chụp hình với khán giả Đà Lạt trước giờ lên sân khấu |
Bi kịch về cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi từng được khai thác nhiều lần ở nhiều khía cạnh qua tác phẩm văn chương và các loại hình sân khấu. Yêu là thoát tội là vở kịch nói được phóng tác từ câu chuyện tình của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Không khai thác những câu chuyện kịch tính, những thủ đoạn liên quan đến chính trị, ở Yêu là thoát tội, tác giả Lê Chí Trung đã khắc họa tâm trạng cô đơn của các nhân vật trước thời cuộc, trước nhân tình thế thái. Đạo diễn Cao Đức Xuân Hồng đặt cho các nhân vật chính sử của mình những cái tên mới để khán giả dễ tiếp nhận và thả sức tưởng tượng.
Nội dung kịch lấy bối cảnh nước Việt dưới triều đại hậu Lê vừa qua những tháng ngày binh biến, trở lại thanh bình. Những tưởng đó là lúc "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" nhưng lúc này đây, triều đình xảy ra lục đục, quan thần tranh quyền đoạt lợi, thu vén cho mình. Nhà vua (diễn viên Lê Hoàng Giang) ôm giấc mộng phục hưng xã tắc nhưng đơn độc, bởi xung quanh ông là những gian thần, những kẻ bất tài chuyên vơ vét, bòn rút. Đến cả hoàng hậu, tưởng là người gần gũi nhất, ông cũng không thể chia sẻ.
NSND Hoàng Yến và nghệ sĩ Lê Hoàng Giang trong vở diễn Yêu là thoát tội |
Nguyễn Thái úy, một người nhân nghĩa, chính trực mang tâm hồn thanh tao, một kẻ sĩ tài hoa luôn đau đáu với vận nước, nhưng lại không được trọng dụng. Không ai hiểu ông, cũng không ai giúp; chỉ có người vợ là thấu hiểu cho nỗi lòng của ông, làm điểm tựa, nguồn vui sống cho ông ở tuổi xế chiều. Nhưng một ngày, người vợ cũng bị nhà vua đoạt lấy, để một lần nữa ông phải chịu nỗi cô đơn.
Thị Lan là một người đàn bà tài sắc vẹn toàn. Cái tài của bà một phần được người chồng là quan Thái úy khai sáng. Bi kịch của bà cũng từ tài sắc mà ra. Với tài năng của mình, Thị Lan được nhà vua phong làm Học sĩ, chăm lo việc học cho hoàng tử. Trẻ trung, xinh đẹp, hiểu biết sâu rộng, bà nhanh chóng trở thành hồng nhan tri kỷ của hoàng thượng. Cũng chính lúc đó, Thị Lan phải rơi vào tâm trạng giằng xé giữa một bên là người chồng nặng nghĩa tình với một bên là tuổi trẻ, tình yêu. Không thể tỏ bày, không thể thanh minh, bà ôm nỗi cô đơn vào lòng...
Cách dàn dựng sáng tạo với sân khấu giản đơn, mang tính ước lệ đã gây ấn tượng mạnh cho vở diễn. Với background (phông nền) màu đen, chỉ bằng chiếc thang được đặt trên sân khấu xoay, khán giả có thể hình dung ra mọi khung cảnh trong vở diễn. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng dành nhiều tâm huyết và ý tưởng cho trang phục của nhân vật, chủ yếu là áo dài khăn đóng. Để khắc họa cái chết, các nhân vật chỉ cần bỏ chiếc áo trắng bên ngoài, mặc áo đen bên trong; vì thế cái chết của các nhân Thị Lan, Hoàng thượng, Nguyễn Thái úy trở nên nhẹ nhàng hơn với khán giả.
NSƯT Cao Đức Xuân Hồng và NSND Hoàng Yến trong vở diễn Yêu là thoát tội |
Lấy cảm hứng từ vụ án Lệ Chi viên, nhưng Yêu là thoát tội lại lý giải cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông theo một góc nhìn khác biệt. Không nặng về chính sử, vở diễn đi sâu khai thác tâm tư, tình cảm của các nhân vật chính, với mọi nguồn cơn đều khởi sự từ tình yêu. Ngẫm cho cùng, con người được sinh ra từ tình yêu, vì tình yêu mà mang tội, và thoát tội cũng nhờ tình yêu.
Dù phỏng theo câu chuyện cách đây 580 năm, nhưng vở kịch vẫn nóng hổi tính thời sự về chuyện đời, chuyện người, chuyện trần thế, gần gũi với xã hội đương đại. Những người tốt, những người có công với cộng đồng, xã hội chưa chắc đã có số phận tốt đẹp, nhiều người gặp phải bi kịch, gặp oan trái. Chỉ có tòa án Nhân dân mới đánh giá họ một cách chính xác nhất, phán xét họ một cách công bằng nhất.
Trong tiết trời lạnh lẽo của mùa Đông Đà Lạt, Yêu là thoát tội do Công ty Cổ phần Sử Việt sản xuất và tổ chức biểu diễn đã làm cho sân khấu Nhà hát Đà Lạt Opera House ấm áp trong đêm đầu tiên sáng đèn. Kịch bản hay, chặt chẽ, các tình tiết lịch sử được khai thác hợp lý, câu chuyện chân thật, từng lời thoại như thấm vào người xem qua từng cảnh diễn, kéo theo là những tràng pháo tay vang dội.
Dàn nghệ sĩ gồm NSND Hoàng Yến, NSƯT Cao Đức Xuân Hồng, NSƯT Phạm Huy Thục, Lê Hoàng Giang, Sĩ Hoàng, Quốc Việt, Chu Anh, Trọng Hiếu, Chí Bảo đã thể hiện tài năng biểu diễn xuất thần, hóa thân vào các vai diễn một cách trọn vẹn làm cho đông đảo khán giả rung cảm trước cái hay cái đẹp của vở diễn.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin