Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: Người lao lực vì nghệ thuật

05:12, 20/12/2022
Nói đến điêu khắc gia Phạm Văn Hạng là nói đến một con người lao lực vì nghệ thuật. Ông miệt mài làm việc như con thoi, năm này sang tháng khác; hết đêm lại ngày, không có thời gian thư giãn. 
 
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng bên tác phẩm Đất lành chim đậu
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng bên tác phẩm Đất lành chim đậu
 
Một biệt thự cổ với vườn tượng của riêng mình nằm đầu đường Hùng Vương, Đà Lạt, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đã trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và nhiều chất liệu khác để công chúng Đà Lạt và du khách có dịp chiêm ngưỡng. Trải qua hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất này, ông xem đây như là nơi chốn đi về; là nơi thai nghén và cũng là điểm xuất phát cho nhiều ý tưởng về các tượng đài hay tác phẩm nghệ thuật mà ông vô cùng trân quý. Một gian phòng lưu giữ nhiều tác phẩm về chân dung các nhà văn, nhà thơ, học giả, nhạc sĩ... những người ông kính trọng, biết ơn và gần gũi đã được ông tư duy, hình thành và tạo tác. Sức sống mãnh liệt của những công trình điêu khắc của ông cũng đã tạo được dấu ấn khó phai mờ. Tuy vậy, ông vẫn không chịu nhận mình nghệ sĩ, là người nổi tiếng hôm nay. Ông kính trọng những người thầy, người anh đi trước và cảm thấy sức và lực của mình chỉ là những hạt cát nhỏ nhoi, những giọt nước mong manh dễ vỡ.
 
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 tại làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ông sinh ra và lớn lên khi đất nước đang có chiến tranh. Ông khao khát tự do hòa bình cho đất nước, khao khát tự do cho người nghệ sĩ. Năm 1970, ông đã từng gây chấn động với công chúng miền Nam, đặc biệt là tại TP Sài Gòn hoa lệ với tác phẩm “Chứng tích”. Chất liệu là ruột gan, xương thịt, máu, dây kẽm gai, mảnh bom của các nạn nhân chiến tranh ở Quảng Trị. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thổ lộ: “Tôi là người phản chiến. Đây là tiếng nói của người nghệ sĩ phản kháng. Tôi không thích chiến tranh. Tác phẩm này, ban đầu tôi đặt tên là “S.O.S Việt Nam”. Trịnh Công Sơn đặt lại tên là “Chứng tích”, tôi thấy thi ca hơn”.
 
Là người lao động thực sự vì nghệ thuật và không ai biết rằng, nhiều đêm ông đã thức trắng để tìm ra ý tưởng mới cho một tượng đài, cho một công trình điêu khắc nhỏ hay lớn; ông không màng đến việc có tiền hay không có tiền. Nơi mà ông hướng tới là một công trình mới sáng tạo, một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa của nó.
 
Khi nói về nghề, ông lặng đi: “Những đêm mình ngồi dậy, thao thức, thấy mình cơ cực, nhưng vẫn có một hoài bão. Hoài bão đó không phải để nổi tiếng như người ta nghĩ. Hoài bão để sống. Sống bằng sức lực của mình, nên tôi ít dùng chữ nghệ sĩ; mình cũng không có tuyệt tác gì; không thể có tuyệt tác như Trịnh Công Sơn, như Phạm Duy. Tôi chỉ là người lao lực hết sức mình. Theo bản năng một tý, theo cảm xúc một tý, chưa phải là tác phẩm. Nhưng may mắn của cuộc đời tôi để lại là cái công việc mà tôi hy vọng rằng nó tồn tại. Ví dụ, ở Sài Gòn tôi để lại tượng Lê Văn Duyệt; ở huyện Bình Chánh tôi để lại tượng “Đất lành chim đậu”; ở đường Tôn Đức Thắng tôi để lại “Người chứng đức tin”. Ở Đà Nẵng, chắc chắn tôi để lại Cầu Rồng. Tôi đặc tả cái đuôi và đầu Rồng. Ở Huế, Quảng Trị - mỗi nơi tôi cũng để lại một cái. Tôi chỉ ước ao, nếu có dịp gửi gắm lại những người nghe tôi kể chuyện bằng tấm lòng khiêm nhường, hết mình yêu nghề. Yêu nghề phải biết trả giá, kể cả bị khinh bỉ và cuộc đời ai cũng vậy. Cái được thì người ta vinh quang, vỗ tay. Tôi thấy những người ấy thật hạnh phúc. Nhưng ngược lại, về phần người nghệ sĩ thì cô đơn, đau khổ để mà sáng tạo. Tôi lựa chỗ trong bản năng sống của tôi, mà làm nghệ thuật là một cuộc phiêu lưu không thể không tai tiếng được”.
 
Cả một đời dâng hiến cho những tượng đài, cho những tác phẩm mỹ thuật đồ sộ, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng còn có một góc khuất dành tặng cho đời mình. Đó là thi ca. Thơ của ông cô đọng, ngắn gọn. Tháng 9/2007, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cho ra mắt tập thơ đầu tay “độc nhất vô nhị” mang tên “30 năm tập tễnh làm thơ” làm bằng đồng nặng 200 kg với 25 bài thơ. Bài dài nhất 28 chữ. Bài ngắn nhất 5 chữ, được gò nổi bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa và đạt 3 kỷ lục: Tập thơ nặng nhất, Tập thơ có số bản ít nhất và Tập thơ duy nhất chạm khắc nổi trên chất liệu bằng đồng, độc bản. Cũng năm 2007, ông xuất bản tập thơ với 29 bài thơ. Tập thơ tràn ngập nỗi niềm: “Có một chiều mưa trong công viên/ Trong công viên có một tượng đá/ Có một người rẽ vào công viên/ Đứng nhìn tượng đá/ Trong công viên chiều mưa/ Có hai tượng đá đứng nhìn nhau”. 
 
Rất nhiều bút tích, bài thơ, cảm nghĩ của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đã viết về Phạm Văn Hạng. Nhà thơ Hoàng Cầm từng có bốn câu thơ tặng Phạm Văn Hạng: “Hồn anh trăm mảnh bay nghìn nẻo/ Thắm đượm vô thường lọc ước mơ/ Anh gọi hồn về nghiêng phép bút/ Mở nguồn linh diệu nắng hoen mơ”. Trong bài thơ “Với một họa sĩ”, nhà thơ Trinh Đường thổ lộ: “Trước lạc loài thế kỷ/ hành trang là bể dâu/ giờ đi vào trần thế/ còn đây một cái đầu/ Vườn người toàn quả cấm/ chén đời đầy mưa ngâu/ Vẽ nhọ bồi hề tất/ chỉ chừa ba sợi râu/ Chẳng trở thành tia chớp/ sống làm gì cho lâu/ Thơ, văn đều có họa/ chúng mình đi về đâu?”... 
 
Một lần gặp, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng lặng đi một thoáng, trong giọng nói trầm buồn của ông chan chứa những điều sâu lắng mà có lẽ ông đã dồn nén mấy chục năm nay và trên khóe mắt của ông nước mắt bắt đầu lăn xuống: “Tôi làm thơ cũng khá sớm mà không... thành, bởi vì thấy người ta làm thơ quá hay. Nhưng tôi có suy tư về cuộc đời cho nên thơ tôi nặng về đời. Một năm tôi làm một bài, hai năm tôi làm một bài. Có bài tôi làm đến 5 năm. Bài thơ tôi làm mà cảm xúc rất mạnh, mà phải gần 20 năm mới làm được. Chỉ có mấy chữ: “Những bức tượng trong vườn òa ra khóc/ Khi nhân văn bị sỉ nhục giam cầm/ Đá gỗ sắt đồng không thể lặng câm”. Muốn làm bài thơ đó, tôi phải mất gần 20 năm trời.”
 
Với ông, thi ca như một tôn giáo để được gửi gắm những suy tư triết học của mình. Ở đó, ông như được trở về một nơi yên tĩnh, một nơi thiêng liêng để suy nghiệm về cuộc đời; để đi tìm bản ngã của mình. Không có nhiều tác phẩm thi ca, nhưng chính thi ca là mạch nguồn khơi gợi cho những tác phẩm điêu khắc mà ông hướng tới. Chỉ có trong gió bụi trần ai, trong muôn ngàn gian khó, trong sự dằn vặt nội tâm thì thiên chức của người nghệ sĩ bừng sáng, chói lóa.
 
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng giãi bày: “Tôi có mang danh họa sĩ. Tôi thích là người lao lực. Ai nói tôi là người lao lực, đó là người biết chia sẻ tôi và họ thương yêu tôi. Còn những danh từ nghệ sĩ, mình thấy cao quá, không với tới được đâu. Tôi nghĩ: Cuộc đời thương mình lắm rồi”.
 
Và có lúc ông đã thốt lên:
 
“Mênh mông trời biển lòng ai biết?
 Ngẫm lại ngàn năm vọng tiếng buồn!” .
 
Với tôi tin, những gì ông đã nói là ông làm. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng là người lao lực vì nghệ thuật. Sự cầu mong nào cũng thừa, chỉ có trái tim của ông vẫn hòa cùng nhịp đập với sự tận hiến với nghệ thuật.
 
TRẦN NGỌC TRÁC