Nguyễn Hồng Lam và Bản tình ca khúc khuỷu

03:12, 15/12/2022
Về mặt chính danh, gã là sếp của cánh phóng viên chúng tôi. Mỗi lần có dịp rời núi, về với Sài thành, còn chưa kịp ngửi mùi vị của ly cà phê nơi phố thị phồn hoa đã bị gã lôi ra “phê bình” chuyện bài vở. “Người của giang hồ” (tên một cuốn sách của Nguyễn Hồng Lam) là vậy, gã hay có tính sốt sắng, chi li với công việc và rất biết tiết kiệm những lời khen. Gã là Nguyễn Hồng Lam!...
 
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Lam
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Lam
 
Nhưng gã thường nói: “Chính chúng mày mới là sếp của tao”. Riêng lĩnh vực bài vở, quả thực, gã nói không sai. Tôi thường hành gã bằng cách gửi tin, bài về cơ quan vô giờ giấc, có khi là giữa trưa hoặc nửa đêm. Ngay cả trong bữa ăn của gã, tôi cũng không có ý định né tránh. Không ít lần, tôi còn đánh đố gã bằng những thiếu sót sơ đẳng của một người viết lách năng lực có hạn. Gã thường không có thói quen nhắn tin trong công việc mà bốc máy gọi rà từng chi tiết nhỏ. 
 
Làm công việc lãnh đạo “chuyên ngành biên tập”, có nghĩa là gã đã trở thành một vị “đầu bếp”. Món ăn ngon hay dở gã quyết định được, dĩ nhiên nguyên liệu chuyển về cho gã không thể là hạng “ôi thiu” nếu muốn có món ngon. Công việc của một vị đầu bếp bận rộn là thế những gã vẫn mắc chứng bệnh “ngứa nghề” kinh niên. Vậy là tháng 3/2022, cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu” của gã ra đời. Nhưng, mãi tới bây giờ, tôi mới được sở hữu cuốn sách này trong tay. Trong lần “hạ sơn” gần đây, tôi mạnh bạo gợi ý xin một cuốn “Bản tình ca khúc khuỷu”, gã mới sực nhớ đã ký sách tặng tôi từ lâu rồi. Thế nhưng, cuốn sách có bút tích đó đang nằm ở đâu thì còn phải điều động tới sức mạnh của bộ não...
 
Thú thực, tôi là người thích văn chương nhưng mắc chứng bệnh lười đọc. Thời đại công nghệ số gõ cửa tới tận những đứa trẻ sơ sinh, thích gì cứ lên mạng hỏi “chị google”, kiểu gì cũng không đủ sức để nghe. Riết thành thói hư khó bỏ. Nhưng, cuốn “Bản tình ca khúc khuỷu” thì tôi sử dụng cách lĩnh hội truyền thống, nghĩa là bắt đôi mắt phải làm việc thay vì cái tai. Điều này khiến cho kẻ nằm chung giường thường trực tỏ vẻ ngạc nhiên! 
 
Cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”
Cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”
 
Gã có đích xuất phát là một nhà báo nhưng trên những trang viết lại mang phong cách rõ ràng của một nhà văn. Từng câu chuyện, sự kiện ngồn ngộn tính lịch sử, các biến cố của đời người, phận người, chi tiết tới mức có cả ngày..., tháng..., năm... nhưng người đọc không có cảm giác khô khan, khó nhớ. Đó là nhờ kỹ thuật triển khai đề tài, bố cục, cách lựa chọn thể loại và hành văn mềm mại của gã. Mỗi câu chuyện là chân dung về một con người thật, với những chi tiết rất thật, thật tới mức cũng có cả ngày..., tháng..., năm... Phần lớn những người thật, việc thật trong “Bản tình ca khúc khuỷu” không phải là những nhân vật nổi tiếng. Họ có thể là những thân phận sống dưới đáy tận cùng của xã hội (Hai bà mẹ xóm Cồn), hay tình yêu vĩnh cửu dưới gót dày kẻ thù (Người đàn bà chờ), tình yêu cao thượng và vị tha của Ngọc Diệp… Qua ngòi bút của gã, những nhân vật này đã được xây dựng, khắc họa tới mức điển hình. Đó là điển hình của sự tột cùng đau khổ về thể xác, dày vò, héo mòn về tâm hồn. Gã xây dựng hình tượng nhân vật, triển khai đề tài trên những con người bình dị, mộc mạc, gắn liền với các biến cố trớ trêu của phận người khiến độc giả giàu xúc cảm dễ dàng bật khóc. Những thân phận xuất hiện trong “Bản tình ca khúc khuỷu” cùng có điểm chung: Đời người là một chuỗi những biến cố bất hạnh, đau thương tận cùng và mất mát không gì bù đắp được. 
 
Điểm nhấn của “Bản tình ca khúc khuỷu” chính là sự tôn vinh những hi sinh thầm lặng, những đau đớn, dày vò về thể xác và tâm hồn của người phụ nữ thông qua những nút thắt, biến cố của lịch sử, đời người, trong đó có cả tình yêu. Ở họ, mọi thứ đều thiếu thốn, riêng khổ đau, bất hạnh thì có thừa. Dĩ nhiên, tác giả không dùng những lời lẽ cổ động, hô hào có cánh để tôn vinh nhân vật, tôn vinh nữ giới. Nguyễn Hồng Lam có cách làm của riêng gã. Cách gã ngợi ca nữ giới cũng rất lạ, xoáy mạnh, đâm sâu vào những chi tiết bất hạnh, khốn nạn nhất của phận người. Điều lạ là người đọc lại không có cảm giác tác giả khoét vào nỗi đau của các nhân vật. Hơn thế, ta thấy được sự đồng cảm, sẻ chia, tấm lòng cao cả lạ thường của người phụ nữ Việt Nam toát lên từ những chi tiết không thể nào bất hạnh hơn.
 
Khép lại cuốn sách, tôi cứ băn khoăn “hai nhà” (nhà báo và nhà văn) trong gã nhà nào “to hơn”. Rõ ràng những chi tiết, sự kiện, nhân vật trong mỗi truyện không thể là hư cấu. Đó là người thật, việc thật, những “khúc khuỷu” của đời người trong mỗi trang viết càng không thể là trò chơi của trí tưởng tượng phong phú. Phần lớn những con người có mặt trong “Bản tình ca khúc khuỷu” của gã bây giờ vẫn còn sống, trong đó có bà Cao Thị Quế Hương, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, nhân vật trong “Người đàn bà chờ”. “Bản tình ca khúc khuỷu” làm nổi lên tấm bi kịch của một thời kỳ lịch sử, những biến cố trớ trêu mà không ít phận người đã kinh qua. 
 
Ở “Bản tình ca khúc khuỷu”, tôi đã tìm thấy hàng loạt thể loại được gã triển khai trong từng trang viết. Thể loại báo chí với thế mạnh là tính thời sự, chân thật; thể loại ký, tùy bút cho phép gã tha hồ bộc lộ cảm xúc, suy tư và lãng mạn bay bổng. Đọc “Bản tình ca khúc khuỷu”, thật khó để phân biệt rõ ràng gã đang viết báo hay đang sáng tác văn chương. Nhưng tôi nghĩ, nếu có một cuộc thi “báo chí hóa văn chương”, hay “văn chương hóa báo chí” cũng được, với “Bản tình ca khúc khuỷu”, chắc chắn gã sẽ có giải.
 
Khép lại “Bản tình ca khúc khuỷu”, từng mảnh đời, phận người với vô vàn biến cố vẫn lởn vởn trong tâm trí tôi.
 

Nguyễn Hồng Lam là một nhà báo, nhà văn, quê ở Hà Tĩnh, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1996 tới nay, anh đã xuất bản 7 cuốn sách, trong đó tạo được tiếng vang lớn là cuốn “Người của giang hồ” (truyện ký 2004 và 2009).

 
NGÔ KHẮC LỊCH