(LĐ online) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, chiều ngày 16/12, Thư viện Lâm Đồng đã tổ chức lễ ra mắt “Tủ sách cộng đồng” đặt tại UBND xã Tà Nung (Đà Lạt).
|
Các em học sinh chọn đọc sách tại Tủ sách cộng đồng |
Buổi đầu ra mắt, tủ sách được trang bị hơn 300 bản sách với nhiều thể loại phong phú, đa dạng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục tập quán, nông nghiệp, văn học, thiếu nhi. Đa số sách tập trung vào các nội dung: Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; giới thiệu nét đẹp văn hoá, đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em, các mô hình phát triển du lịch bền vững.
|
Đọc sách trong không gian vui chơi |
Hàng năm trên cơ sở đề xuất của địa phương, Thư viện Lâm Đồng sẽ tiến hành chọn lọc, luân chuyển tài liệu từ tỉnh về tủ sách cộng đồng để làm phong phú nguồn tài liệu và phục vụ nhu cầu của bạn đọc.
Tủ sách cộng đồng tại Tà Nung là tủ sách đầu tiên ra mắt trong 5 tủ sách cộng đồng tại 5 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của Đà Lạt và Đơn Dương gồm: Tà Nung (Đà Lạt), Proh, Lạc Xuân, Ka Đơn, Tu Tra (Đơn Dương) với tổng kinh phí đầu tư 138 triệu đồng.
|
Tại lễ ra mắt, Thư viện lưu động đa phương tiện cũng phục vụ các em đọc sách |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Vi Bích Thủy Châu - Phó Giám đốc Thư viện Lâm Đồng khẳng định, tủ sách cộng đồng được thành lập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân tiếp cận với văn hóa đọc. Các ấn phẩm trong tủ sách có giá trị cả lý luận và thực tiễn giúp đồng bào Nhân dân cùng các em học sinh có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
QUỲNH UYỂN