Sĩ Hoàng, không khóc giữa Đà Lạt

07:12, 03/12/2022
(LĐ online) - Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã làm một việc khiến giới văn nghệ và người ái một sân khấu kịch trầm trồ khi cùng ê kíp mang tặng người Đà Lạt 2 đêm diễn hoành tráng tại Nhà hát Đà Lạt Opera House (đêm 26 và 27/11).
 
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
 
Lần đầu Đà Lạt có kịch nói, hai vở chính kịch, lịch sử của tác giả Lê Chí Trung gồm: Khóc giữa trời xanh (huy chương vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021) và Yêu là thoát tội (huy chương bạc Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018). Kịch không làm cho phố núi rộn rã nhưng nâng thêm cho cho đời sống văn hóa chốn này một tầng mới. 
 
Với Sĩ Hoàng, 2 đêm diễn chỉ là  que diêm bùng lên, là một đóm lửa nhỏ giữa Đà Lạt. Không nâng niu, che chắn đóm lửa sớm tàn. Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
 
Khán giả Đà Lạt hào hứng lên sân khấu giao lưu cùng nghệ sĩ
Khán giả Đà Lạt hào hứng lên sân khấu giao lưu cùng nghệ sĩ
 
  KHÓC GIỮA TRỜI XANH
 
Thưa anh, tôi hơi bối rối vì không rõ nên gọi anh là nhà thiết kế, diễn viên hay là nhà sản xuất kịch. Trong 2 vở diễn vừa qua, anh vừa thiết kế phục trang, tổ chức dàn dựng, rồi đảm nhiệm 2 vai trong 2 vở.
 
Bạn cứ gọi là Sĩ Hoàng thôi. Tôi hơi nhiều vai vì hễ là nghệ thuật là tôi yêu và muốn làm. Mà đã yêu rồi, mình làm được tới đâu thì nhận làm tới đó. Không câu nệ danh xưng. 
 
Tôi xin phép bắt đầu câu chuyện về nghệ thuật bằng một câu chuyện hết sức "cơm áo". Hình như có nhiều nhà tài trợ đã rút lại lời hứa dành cho 2 vở diễn vừa qua. Lời hứa bị rút lại ngay lúc cả đoàn gồm diễn viên và hàng tấn thiết bị đã đưa đến Đà Lạt. Chắc anh và cả đoàn "khóc giữa trời xanh”?
 
Thực ra có mấy vấn đề, ngay tại Sài Gòn, khi chúng tôi làm bất cứ chương trình nào nếu kêu gọi tài trợ đều rất khó vì qua 2 năm đại dịch công ty nào cũng rất căng thẳng. Doanh nghiệp cũng phải gói ghém để lo cho trong nhà trước rồi mới lo cho bên ngoài sau. Sau dịch, mọi người có tâm lý rất tiết kiệm để lo lắng cho vài chuyện tương lai mà chưa biết trước, rồi nhất nhiều gạch đầu dòng phải chi. Kịch của chúng tôi mang đến Đà Lạt đúng lúc cuối năm, ngân sách cho các việc trong năm đã hết rồi. 
 
 Vở “Khóc giữa trời xanh” đạt giải vàng trong Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2021 được mang tới Đà Lạt và dàn dựng công phu
Vở “Khóc giữa trời xanh” đạt giải vàng trong Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2021 được mang tới Đà Lạt và dàn dựng công phu
 
Có bất ngờ khi bị lời hứa tàn theo mây gió nhưng tôi hiểu cái khó của những nhà tài trợ mà. Cả đoàn có 5 phút để buồn, để chấp nhận và lao vào tập luyện để sân khấu có thể sáng đèn đúng hẹn. Bất kể ai phụ mình cũng không sao, lời hứa mang kịch đến với cư dân Đà Lạt phải được thực hiện.
 
May thay, chúng tôi được giúp đỡ của Nhà hát Đà Lạt Opera House về địa điểm diễn, hỗ trợ hậu cần từ Công ty du lịch  N.A.P (Đà Lạt) . Sau khi nhiều nhà tài trợ rút đi, một số doanh nghiệp tại Đà Lạt cảm mến đoàn đã tìm hiểu và giúp đỡ. Do đó “khóc giữa trời xanh” là tên vở diễn chúng tôi mang đến Đà Lạt, còn chúng tôi trong câu chuyện vừa qua, chỉ cười. Có hóc là khóc khi diễn viên nhập tâm trên sân khấu. 
 
Thưa anh, sân khấu, âm thanh, ánh sáng và vở diễn "xịn” nhưng tại sao anh lại tính chuyện bán vé với giá "ly trà sữa”, trước đó là những đêm diễn tặng?
 
Nói sao cho hợp lẽ nhỉ. Chúng tôi làm nghệ thuật, nhưng nếu không hợp lý về mặt kinh tế thì nghệ thuật cũng phải… mệt mỏi. Không thể gồng mãi với “áo cơm", không chỉ cho riêng tôi mà cả đội ngũ đến cả trăm người.
 
Vở “Yêu là thoát tội” đạt giải bạc trong Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2018 được mang tới Đà Lạt đã gây được chú ý từ người hâm mộ
Vở “Yêu là thoát tội” đạt giải bạc trong Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2018 được mang tới Đà Lạt đã gây được chú ý từ người hâm mộ
 
Trước tiên tôi mời bà con cùng xem những vở diễn của chúng tôi để bà con làm quen với nghệ thuật sân khấu. Theo tôi được biết, sân khấu kịch là một khoảng trống tại Đà Lạt. Tôi cũng có ký ức với Đà Lạt, ngày nhỏ tôi ở đây, gần Nhà thờ Con Gà đấy. Khi bắt đầu đến với nghệ thuật kịch, tôi nghĩ một ngày tôi sẽ đưa kịch về Đà Lạt vì tôi tin kịch hợp với Đà Lạt. Đà Lạt hoàn toàn có thể trở thành một “thánh đường” của sân khấu kịch.
 
Còn chuyện giá vé rẻ, tôi cũng thấy vậy. Bán vé là dự định, nếu may mắn có ngày bán vé kịch tại Đà Lạt thì giá vé sẽ như đã tính toán, ngang với ly trà sữa. Bán vé để có tiền hỗ trợ đội ngũ hậu đài, diễn viên chứ không có lời đâu. Vé rẻ để các em học sinh từ cấp 2 trở đi và sinh viên có thể mua vé. Tôi mong trong tương lai, doanh nghiệp địa phương sẽ bắt tay với chúng tôi để nâng đỡ sân khấu kịch "trưởng thành” ở phố hoa Đà Lạt. 
 
  ĐÀ LẠT, “THÁNH ĐƯỜNG” CỦA KỊCH?
 
Anh nói Đà Lạt sẽ trở thành “thánh đường” của kịch, có quá lời không thưa anh?
 
Không, hoàn toàn không!
 
Niềm tin của tôi rất mạnh mẽ về chuyện này. Tôi là người làm nghệ thuật và cả kinh tế. Tôi tin điều tôi đang làm và tin những tố chất của Đà Lạt có thể giúp đô thị này trở thành một trung tâm văn hóa, văn nghệ, "thành đường” kịch nghệ.
 
Đà Lạt hiện có nhiều sân khấu trong và ngoài trời chưa sử dụng hết. Trong đó Đà Lạt Opera House là nhà hát chỉ đứng sau Nhà hát lớn Hà Nội và TP.HCM. Người đầu tư nhà hát đó cũng có niềm tin giống tôi.
 
Các vai diễn đều do các diễn viên từ TP.HCM, Hà Nội đảm nhận
Các vai diễn đều do các diễn viên từ TP.HCM, Hà Nội đảm nhận
 
Sân khấu kịch phù hợp với nơi có nhịp sống trầm, nơi có không gian gợi chiều sâu văn hóa, có những thứ mà không lý giải được nhưng khiến người ta mơ màng. Đà Lạt có tất cả. Nếu có một cuộc đua để trở thành trung tâm kịch nghệ,  không có nơi nào địch nổi Đà Lạt.
 
Đà Lạt, ngoài dân cư địa phương còn có 7 triệu lượt khách/năm. Ở Sài Gòn, nhiều sân khấu đóng cửa vì tất đất tất vàng, không có ông bầu nào cáng đáng nổi. Người ái mộ ở Sài Gòn chắc chắn nhớ sân khấu nhiều lắm và không lạ khi họ đến Đà Lạt đi tham quan, chơi thể thao và dành 2 tiếng xem kịch sau đó dạo phố đêm. Một chuyến đi Đà Lạt như thế tuyệt nhỉ. Chỉ cần 1% du khách đến Đà Lạt vào sân khấu thì kịch khắp nơi tìm về Đà Lạt cùng hội ngộ. Chẳng bao lâu, Đà Lạt thành vùng đất nâng đỡ cho kịch nghệ cất cánh.
 
Nhưng để chờ được ngày đó, thì những đóm lửa chúng tôi đã cố gắng thắp trong những ngày qua phải được giữ. Tôi mong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đưa sân khấu kịch và thông tin vở diễn vào bản đồ tour tuyến, giới thiệu đến các công ty lữ hành để đưa vào chương trình của du khách. Các anh thấy chúng tôi cố gắng rồi, hãy khách quan chào mời du khách đến với chúng tôi. Được vậy sân khấu kịch mới có thể sáng đèn đều đặn, định kỳ.
 
Thưa anh Sĩ Hoàng, khán giả, sân khấu đã có. Nhưng nghệ sĩ lại sống, làm việc tại Hà Nội, TP.HCM. Không có họ thì sân khấu cũng chỉ là nơi sáng đèn?
 
Trong lịch sử sân khấu kịch của Việt Nam, có những đoàn của nghệ sĩ Kim Cương, Thanh Minh - Thanh Nga,... lừng danh khai diễn ở Sài Gòn sau đó mang gánh hát đi khắp miền Nam. Hiện này ở Sài Gòn, hàng loạt sân khấu đóng cửa, nhiều đoàn đang tính lưu diễn theo mùa. Các vở tập ở Sài Gòn, có thể khai diễn rồi rong ruổi theo lịch của các sân khấu tại các tỉnh. Gánh hát ngày xưa dùng xe ngựa mà đi khắp miền Nam thì gánh hát bây giờ đi máy bay, xe đò. Tiện hơn nhiều mà. Vả lại, Đà Lạt không xa.
 
Khán giả đến kín Nhà hát Đà Lạt Opera House theo dõi 2 vở diễn
Khán giả đến kín Nhà hát Đà Lạt Opera House theo dõi 2 vở diễn
 
À, chúng tôi cũng như nhiều bầu sân khấu đã tính xong chuyện đóng gói các vở kịch theo hướng lưu diễn. Nơi nào mời, đoàn sẽ cùng xếp lịch lên đường. Đà Nẵng đã mời chúng tôi đến diễn sau khi chúng tôi diễn thành công ở Đà Lạt. Cả đoàn mừng vô cùng tận dù lương đi diễn chắc ngang ngang chạy xe ôm công nghệ. Nói chuyện lương đi diễn kịch tôi lại phải nói sự hy sinh của diễn viên. Diễn viên kịch "khùng lắm”, trời ơi đi diễn không ai hỏi đi xa vậy được bao nhiêu. Diễn xong, chỉ cần không bị lỗ, lời vài bát bún, bát phở là mừng rồi. 
 
Nghĩ hơi bạc nhưng mà không buồn. Mình yêu kịch nhưng lạc thời nên phải cực. Đọc hồi ký nghệ sĩ Kim Cương mới thấy kịch đã từng rực rỡ, vàng son.
 
Thưa anh, theo tôi để tiếp cận du khách, anh mang hài kịch đến Đà Lạt hợp hơn?
 
Chúng tôi mang chính kịch đến Đà Lạt ngay lần đầu tiên là một sự mạo hiểm. Nhưng chính kịch là món ăn chỉn chu, có hơi khó tiếp nhận nhưng nếu chạm vào rồi thì sẽ thấm và nhớ. Chúng tôi mang câu chuyện văn hóa đặt lên trên, trước để mọi người thấy sự nghiêm túc, hết lòng rồi từ từ sẽ có kịch hài, tạp kỹ,...để đa dạng "thực đơn”. Dẫu thể loại nào thì cũng không được xa rời các chuẩn mực văn hóa, gắn được với "phong cách người Đà Lạt” mà địa phương đang cố gắng xây dựng thì càng tốt. Mà tôi nghĩ cũng không cần miễn cưỡng, văn nghệ nghiêm túc chở đầy ắp văn hóa. Một khi văn hóa thấm rồi thì phong cách đẹp là chuyện đương nhiên. 
 
Nói đến chuyện chính kịch và kịch lịch sử tôi mới nhớ ở Sài Gòn, chúng tôi đã có 200 suất diễn dành cho học sinh sinh viên với sự hỗ trợ của ngành giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đưa kịch vào chương trình ngoại khóa khiến các em học sinh hào hứng. Nhờ có khán giả nên diễn viên thêm "lửa” để cháy trên sân khấu. Nếu ở Đà Lạt, được hỗ trợ như thế thì thật tốt cho chúng tôi và thật tốt cho các em.  Nhà biên kịch Lê Chí Trung, tác giả của 2 vở “Yêu là thoát tội” và "Khóc giữa trời xanh” khi dựng vở cùng chúng tôi có nói: “Kịch của mình là kịch lịch sử, ai coi cũng được nếu muốn đối thoại với tiền nhân. Mình làm kịch vì tình yêu với sử Việt, tránh chuyện dân ta không biết sử ta mà biết sử Tàu”.
 
Màn nhung ở Đà Lạt khép lại rồi. Cả đoàn sẽ về lại TP.HCM, câu chuyện ở Đà Lạt vẫn còn là đóm lửa. Anh lo nhất điều gì?
 
À, lo "cày”để trả các chi phí đi diễn ở Đà Lạt bữa giờ (cười - PV). Ở Đà Lạt, gửi lại đóm lửa là tất cả những gì chúng tôi có thể làm được. Muốn lửa thêm to, hơi ấm văn hóa văn nghệ lan tỏa thì cần thêm nhiều bàn tay của người dân nơi đây. Cuộc trở mình để trưởng thành nào cũng có mất mát, hy sinh và cạnh đó là sẻ chia, nâng đỡ. Mong, người Đà Lạt đừng để ngọn lửa nghệ thuật kịch nghệ mà chúng tôi vừa thắp lụi tàn. Mong thay bàn tay vẫy lấy bàn tay.
 
GIA THỊNH