Trong ngôi nhà cũng là phòng tranh ở đường Nguyễn Công Trứ (TP Đà Lạt), đại lão họa sỹ Đặng Ngọc Trân đọc cho tôi nghe bài thơ vừa mới cảm tác lúc sáng sớm: “Cửa thiên đình rộng mở/ Bến thế lui xa dần/ Vẫn ung dung tự tại/ Chín mươi lăm mùa xuân…”. Và câu chuyện tiếp theo về công trình “Từ hiện thực truyền thống đến hiện thực liên tưởng” kết tinh cả quá trình học tập, rèn luyện, nghiên cứu, sáng tác của 70 năm tuổi nghề, 95 năm tuổi đời của người họa sỹ tài hoa này.
|
Đại lão họa sỹ Đặng Ngọc Trân 95 mùa xuân trong khu vườn hội họa của ông tại nhà riêng (TP Đà Lạt). |
Để tự thưởng mình sau khi in xong cuốn “Từ hiện thực truyền thống đến hiện thực liên tưởng” xuất bản vào quý 3/2022, lão họa sỹ Đặng Ngọc Trân gọi đó là một hạt kim cương. Đối với ông, cuốn sách là kết tinh cả quá trình từ ngày đầu thanh xuân đến với mỹ thuật cho đến nay ở tuổi xưa nay hiếm, đúc kết theo một dòng chảy như con sông khởi điểm từ thượng nguồn hiện thực qua bao vùng châu thổ cho đến đại dương của tư duy sáng tạo nghệ thuật mang đậm cá tính của người họa sỹ.
Nội dung sách trình bày theo phương pháp sư phạm từ trực quan sinh động của hiện thực cuộc sống, đơn sơ, nhìn vào hiểu ngay được phát triển đến tư duy trừu tượng của hiện thực liên tưởng. Hệ thống tư duy này là điểm nhấn của những cuốn sách của ông, một họa sỹ và là một nhà sư phạm, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, viết sách, cho nên ông có nhiều thuận lợi để chìm đắm trong thế giới hội họa, cháy hết mình với đam mê và thấu hiểu, chuyển tải đến cho công chúng cảm nhận vẻ đẹp của hội họa. Độc đáo nhất là tranh bút bi có một không hai ở Việt Nam, tranh hoàn toàn dùng màu đen trên giấy hoặc lụa trắng. “Do hoàn cảnh khó khăn trong lúc học mỹ thuật nên tôi đã chọn và luyện vẽ bút bi từ lúc vào trường. Có lẽ nhờ thời gian và tính kiên trì nên loại tranh không màu này được nhiều giới mến mộ”, lão họa sỹ cho biết.
Với đứa con tinh thần vừa mới chào đời ở tuổi 95, lão họa sỹ thổ lộ, trong 85 bức họa được giới thiệu trong cuốn sách “Từ hiện thực truyền thống đến hiện thực liên tưởng” chỉ có 3 tác phẩm không còn tại “họa thất” (do đã có người mua) còn lại là 82 tác phẩm nguyên bản có ở phòng tranh. Điểm độc đáo của cuốn sách mỹ thuật này được trình bày theo chương, mục, bố cục theo những đặc điểm của các loại tranh (tranh bút bi, tranh hiện thực truyền thống, tranh hiện thực liên tưởng), bên cạnh bức họa nguyên bản là bức đặc tả để phô bày hết những đường, nét vẽ tinh tế, tỉ mỉ, điêu luyện. Chẳng hạn, vẽ về hoa mimosa, vẽ màu đã khó, vậy mà ông vẽ bằng bút bi màu đen trắng, với những nét vẽ đặc tả nếu vẽ vụng, càng phóng lớn thì nét run rẩy nhưng khi xem bức hoa mimosa đặc tả để thấy cái tài của lão họa sỹ, nét đặc tả công phu, chính xác như chụp hình bằng mắt với “bàn tay của ông đã đóng vai trò của con mắt thứ ba” (Nhà văn Pháp Pierre Mironer đã viết giới thiệu về họa sỹ Đặng Ngọc Trân tại Pháp năm 2017).
Bà Đặng Thị Bích Ngân - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Mỹ thuật bày tỏ sự kính phục: “Họa sỹ Đặng Ngọc Trân cần cù, chăm chỉ, yêu nghề, say sưa nghiên cứu, sáng tác, viết nhiều cuốn sách quý để lại cho thế hệ sau. Các công trình nghiên cứu đáng kể để giúp cho thế hệ sau học mỹ thuật và các ngành khác như: Vẽ phối cảnh, vẽ bút bi… Đặc biệt, với khả năng ngoại ngữ, ông đã cập nhật thông tin, công phu nghiên cứu lâu dài; trong đó, cuốn sách mới nhất “Từ hiện thực truyền thống đến hiện thực liên tưởng” là khái quát cả quãng đời sáng tác của ông, cho thấy ông là người cao tuổi quý trọng tri thức”.
Là bậc thầy của tranh bút bi, ông vẽ chủ đề từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, như: Trong vườn nhà, nào cúc, su su, đu đủ, hoa lồng đèn; những vật bình thường đến tầm thường như: rác, gỗ mục, vỏ cây, hòn đá, viên sỏi, lá vàng, nơm gà… thế giới bé nhỏ đi vào tranh ông sinh động. Ông vẽ về hiện thực truyền thống chủ đề quê hương, thiên nhiên với tình yêu thuần khiết, từ quê hương đồng quê, núi non, biển cả Phú Yên, những mái tranh, nhịp cầu, rặng dừa, hàng cau, khóm chuối; với Đà Lạt là cả thế giới hoa: hoa lồng đèn, hoa cúc, hoa lan, muôn hoa… dưới bàn tay của người họa sỹ tài năng là kỹ thuật vẽ, phối màu và cả chất thơ trong hội họa. Tranh của ông dù đen trắng hay tranh màu đều mang chất thơ, dịu dàng, gởi gắm tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước sâu đậm.
Ông nói rằng mình sáng tác không cô độc, không sợ già, dù gian nan, vất vả của nghề vẫn hỉ hả, làm tròn tâm nguyện của người họa sỹ và phong cách viết sách của ông cũng độc đáo, mang đậm dấu ấn của họa sỹ dù đã cao niên vẫn cập nhật kiến thức mới hiện đại trong nghiên cứu và sáng tác của mình. Trong đó, khẳng định từ hiện thực truyền thống đến hiện thực liên tưởng như là phong cách sáng tác hội họa của ông. Ông vẽ đề tài liên tưởng độc đáo không phải sự sao chép, mô phỏng, bắt chước ai và ông cũng mở rộng sự tương tác với người thưởng lãm tranh, tiếp thu góp ý từ giới chơi tranh, có tác phẩm ông đặt lại tên khi nghe người xem bức họa cảm nhận liên tưởng chí lý hơn tên ban đầu.
Hiện thực liên tưởng được họa sỹ khái quát dễ hiểu là: “Cái vật đầu tiên như con nhộng nhưng khi vào tranh thì đã biến thành con bướm bay bổng nhiều màu sắc”, từ vỏ cây thông vẽ thành vùng núi đá, từ mảnh vải vàng vẽ thành nhung lụa… Liên tưởng thơ ca đi vào hội họa, trong đó phần lớn là cảm hứng từ Truyện Kiều, ông chia sẻ: “Mẹ tôi thuộc rất nhiều câu thơ Kiều, từ cội nguồn cảm hứng và ký ức đẹp đẽ này, tôi đã học thuộc 3.254 câu thơ của Truyện Kiều (Nguyễn Du) để có thể thổi hồn thơ vào những bức tranh của mình và đặt tên cho từng tác phẩm đậm chất thi ca”. Chẳng hạn, tác phẩm “Vườn xuân” rực rỡ sắc hoa và nhìn tranh có thể gợi cảm hứng sáng tác ra thơ, nhạc bởi hồn tranh có nhạc, có thơ. Hay như tác phẩm “Giao hưởng mùa thu” là ký ức học trò lúc ông còn học ở thành An Thổ (Tuy An - Phú Yên) nhìn lá bàng rơi, ông đuổi theo những chiếc lá bàng bay bay và cho đến khi trưởng thành, ông vẫn nhớ mãi hình ảnh khung cảnh sân trường ngày ấy để đưa vào bức tranh tuyệt vời sắc thu…
Giờ đây, 95 tuổi đời, đại lão họa sỹ Đặng Ngọc Trân tóm lược sự nghiệp của mình: “70 năm trước có một thanh niên dấn thân vào thế giới mỹ thuật bằng con đường hiện thực truyền thống đã đánh dấu lộ trình bằng những cột mốc, công trình nghiên cứu và sáng tạo gồm: Cấu trúc hội họa (năm 2000, đạt Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam); Tranh bút bi (2004); Tranh hoa (2005), Phối cảnh thực hành (2021) và giờ đây, có một lão họa sỹ dừng chân trước quán trọ Hiện thực liên tưởng (công trình Từ hiện thực truyền thống đến hiện thực liên tưởng (2022), đang ngắm nhìn mấy tia nắng trong sắc màu rực rỡ của ánh hoàng hôn”. Ngoài ra, ông còn nhận được Giải thưởng về lý luận của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ, ông không nói nhiều về giải thưởng mà say sưa chia sẻ tâm huyết, hồn hậu về từng bức họa, bối cảnh sáng tác và tự ví những công trình nghiên cứu của mình là “mấy tia nắng”, như “chiếc chìa khóa nhỏ để bạn có thể tự tay mình mở cánh cửa vào vườn hội họa”.
AN NHIÊN