Hoa đào nở trên vai

02:01, 01/01/2023
Ông Vại dừng tay, đứng lùi ra giữa sân ngắm nghía lại bức tường mình vừa tự tay quét lên một lớp sơn xanh. Cô con dâu bê bó củi đi qua cười bảo:
 
- Ghê thật. Tay nghề bố như thợ sơn chuyên nghiệp. 
 
- Chuyện! Dù gì, xây bao nhiêu cái nhà cũng chẳng mất một đồng thuê thợ, chứ đùa à.
 
- Thế mà anh Vượng chẳng biết làm cái gì. 
 
- Ờ, nhiều khi bố nghĩ chắc là nó con ai không phải con mình.
 
Ông cười khà khà, đưa mắt ngó thằng Lụm đang ngồi ở góc sân mân mê món đồ chơi còn bám đầy bùn đất. Kể từ mùa lụt đến giờ, thằng nhỏ vẫn buồn bã, lầm lì như thế. Tội nghiệp! Có đứa trẻ nào mất ba mất mẹ mà vui. Dẫu cho cả thế giới có yêu thương ôm ấp nó vào lòng cũng không thể bằng tình thân máu mủ. Vậy là Lụm trở thành con cháu nhà này cũng đã được hơn ba tháng. Ông vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy. Lúc trở về từ nơi tránh lũ, ông thất thần nhìn nhà cửa tan hoang. Lúc đang bới trong đống đổ nát tìm nồi niêu, xoong chảo, ông giật mình nhìn thấy trên bụi tre bị bão quật nằm rạp xuống bám đầy bùn đất sau cơn lũ có hình hài một con người. Nói đúng hơn đó là một đứa trẻ, quần áo nhuốm màu bùn, tay còn ôm cố lấy thân cây. Xứ này đâu ai lạ gì cảnh sau mỗi trận bão lũ lại thấy đồ đạc nhà mình trôi đi, đồ đạc nhà người ta trôi đến. Khi thì xoong nồi, khi thì cây cối, ngan, gà, khi thì quần áo, búp bê, cặp sách. Nói chung đủ cả, lẫn lộn trong bùn đất chẳng còn dùng được. Nhưng chưa bao giờ ông nghĩ thứ trôi đến sau cơn lũ lại là một thằng bé sáu tuổi, người ngợm đặc như một khối bùn. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Sau lũ, nguồn nước cũng ô nhiễm nặng. Những gáo nước đục ngầu mãi không thể gột rửa được cơ thể đứa bé tội nghiệp. Ngay cả sau này cũng vậy, dù ông Vại và vợ chồng đứa con trai có từng ôm thằng nhỏ chặt thế nào, có yêu thương ra sao cũng không thể nào xóa đi kí ức đau buồn trong nó. Ông từng dắt thằng nhỏ ngược dòng cơn lũ tìm về nhà. Nhưng về đến nơi chỉ thấy cảnh tượng tan hoang. Người ta nói người thân thằng nhỏ đã trôi theo cơn lũ, không về. Kể từ đó thằng nhỏ trở thành con cháu trong nhà. Người làng nói chắc ông trời thương vợ chồng chị Thảo lấy nhau chục năm vẫn chưa có con nên cơn lũ đã đưa thằng nhỏ đã dừng lại nơi này. Từ khi có nó nhà cửa tự nhiên cứ ấm dần lên. Dù sau lũ, dựng tạm cái lều, ba con người co cụm lại bên mâm cơm đạm bạc và giấc ngủ tứ bề gió thổi. Chồng Thảo đi xuất khẩu lao động đã được gần hai năm. Ở xa, quặn lòng thương quê nhà mưa lũ. Nên Vĩnh nói số tiền anh tiết kiệm được sẽ gửi về xây một căn nhà tử tế, nền cao, móng chắc để những mùa bão sau bớt đi phần thấp thỏm, âu lo. “Hơn nữa, không thể để cho thằng nhỏ sống tạm bợ thế được. Sẽ chỉ càng khiến nó nghĩ về mất mát”. Thế là một ngôi nhà nhỏ được xây lên. Thỉnh thoảng, ông Vại ới thằng nhỏ xách hộ cái xô, giữ giùm cái thang, trông giùm mấy mẻ cá đang phơi ngoài sân sợ con mèo ăn mất. Sợ nó ngồi không hay nghĩ ngợi vẩn vơ, lúc giải lao, ông thường đạp xe đèo nó đi chơi làng trên xóm dưới. Thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy sang kéo thằng Lụm chạy mất tiêu sau rặng cúc tần. Trời tối nhá nhem, thằng Lụm trở về với bộ dạng lấm lem, miệng cười hở hàm răng sún chưa thay hết. Thảo vờ mắng mỏ nó vài câu chứ bụng dạ thì mừng vui quá chừng. Ít ra cũng thấy Lụm cười trở lại. Nửa đêm cũng ít dần những cơn ác mộng khiến thằng nhỏ bật dậy mếu máo gọi “mẹ ơi”. Nó cũng thôi bám chặt vào cột nhà mỗi khi thấy ngoài trời nổi gió. 
 
- Phải cố gắng hoàn thiện nhà sớm để còn lo cái tết. Năm nay lợn không có, ít gà vịt cũng trôi theo cơn lũ mất rồi. Con xem trong làng nhà ai mổ lợn xin ăn đụng. 
 
- Anh Vĩnh nói mấy hôm nữa sẽ gửi tiền về trả nốt tiền công thợ bố ạ. Chắc chỉ còn vài đồng tiêu Tết. 
 
- Ừm... Trả cho người ta. Họ đi làm vất vả, vợ con chắc cũng đợi đồng tiền công trang trải. Nhà mình có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. 
 
- Có mấy mối nợ cũ, con tính đòi mà không nỡ…
 
- Thôi con à. Ai cũng khó khăn cả. Nhà mình Tết cũng chẳng cần mua sắm gì nhiều. Có tiền thì ăn đụng cả đùi lợn mà ít tiền thì nửa đùi. Nhưng nhớ phải mua cho thằng Lụm vài bộ quần áo mới. 
 
Thằng Lụm lúc ấy đang đánh đu trên cây trứng gà sau nhà rình xem con gà mái mơ đẻ hoang ngoài bụi. Nó đã đẻ được mười quả trứng cả thảy, Lụm nhất định không nói với ai để một ngày nào đó con gà mái mơ sẽ bất ngờ dẫn một đàn con về trình diện. Lúc ấy hẳn mọi người sẽ vui lắm đấy. Đang ngồi im thin thít, sợ con gà mái biết sẽ bỏ ổ đẻ nào ngờ cô Phụng đi qua véo tai thằng nhỏ kêu oai oái.
 
- Rình mò cái gì vậy Lụm? Mẹ đâu con?
 
Thằng nhỏ sững người, ngơ ngác nhìn xung quanh. Nó vẫn chưa thôi thảng thốt mỗi khi nghe ai đó nhắc về mẹ của mình. Người mẹ đã trôi theo cơn lũ không để lại một dấu vết gì. Lụm cũng không quen gọi một người phụ nữ khác là mẹ. Dẫu cô Thảo cũng hiền hậu và dịu dàng giống y mẹ vậy. Cô Thảo nấu những món mà Lụm thích. Lúc lôi Lụm đi tắm rửa cũng hay kì cọ chiếc bớt đỏ ở bả vai, lần nào cũng thốt lên “Hệt một bông hoa đào. Thật đẹp”. Tối đến, cô Thảo cũng ôm Lụm ngủ, thủ thỉ kể những câu chuyện cổ tích mà ngày xưa mẹ cũng từng hay kể. Mỗi lần nhìn cô Thảo lúi húi nhặt củi, nấu cơm, cọ nồi niêu xoong chảo ngoài thềm giếng là tim Lụm nhói lên. Đến cả chiếc áo lao động đã sờn vai sao cũng giống mẹ quá chừng. Bởi vậy từng có lúc Lụm tránh mặt đi đâu đó cả ngày để cơn nhớ mẹ không trỗi dậy. Người làng thỉnh thoảng gặp Lụm hay bảo: “Đừng gọi cô mãi thế. Gọi là mẹ Thảo dần đi cho quen”. Những lúc ấy cô Thảo thường kéo Lụm vào lòng cười bảo: “Kệ thằng nhỏ thích gọi gì thì gọi, miễn nó thấy thoải mái trong lòng”. Lúc chỉ có hai người với nhau, nghe gió thổi ràn rạt bên tai, cái tái tê của cuối đông trồi dần lên da thịt, cô Thảo bảo: “Sẽ chẳng ai trên đời có thể thay thế được mẹ của con”. Lụm gục đầu vào lòng cô, hực lên một tiếng rồi nức nở. Đấy là lần đầu tiên kể từ mùa lũ ấy, Thảo thấy thằng nhỏ khóc. Bao nhiêu buồn đau, mất mát từng thắt nghẹn trong lòng giờ mới khóc một trận đã đời. Nước mắt càng rơi lòng Lụm càng nhẹ nhõm. 
 
Mùa xuân đến nhanh tự lúc nào không rõ. Đêm qua, trước lúc đi ngủ còn thấy trời lùa xuống một cơn gió lạnh, đi tuần lạch cạch ngoài cửa, loạt xoạt trên những tờ lá chuối. Bầy vịt ngủ lang kêu càm cạp chen lấn ủ ấm lẫn nhau ngoài bờ ao. Tiếng ông Vại nói từ phòng bên vọng sang: “Kéo chăn đắp thằng nhỏ kẻo ho đấy con ơi”. Ấy vậy mà sáng nay thằng Lụm thức dậy lấy tay dụi mắt ngỡ ngàng thấy mùa xuân về đâu đó trong thứ nắng non sóng sánh như mật ong. Vẫn là gió đấy thôi, nhưng sáng nay gió mang hương vị khác. Hình như đám hoa cải mọc ven vườn đã nở. Hình như mấy thân cây trọc lá đã bắt đầu nảy lộc non. Lụm chạy ào ra sân ngửa cổ hứng mưa phùn lất phất. Ông Vại đang chuẩn bị sẵn xô chậu để ngày mai đi tát cá đồng. Lụm nghe thấy thế sướng rơn, cả ngày cứ lẽo đẽo theo ông năn nỉ xin ngày mai được đi bắt cá. Ông Vại quẳng cho Lụm chiếc giỏ tre nói ngày mai cứ bắt đầy năm giỏ sẽ được thưởng đi chợ Tết bên sông vào ngày Hai ba tháng Chạp. 
 
Đêm ấy, Lụm theo ông Vại ra đồng ngủ lều trông cá. Phải tháo nước cả đêm thì mai đồng mới cạn. Tiếng nước chảy ào ào, tiếng cá quẫy ngày một to hơn khiến Lụm nôn nao không thể nào ngủ được. Ông Vại nhóm lửa, chụm những cây to để than hồng âm ỉ suốt đêm. Khói bay vào chiếc lều căng bằng bạt, ngạt ngào. Gió đồng thổi phần phật nhưng không ngăn nổi thằng Lụm thò cổ ra khỏi chiếc chăn bông. Bởi mùi cá nướng thơm quá, lúc tối đã ăn no cơm mà giờ bụng dạ cứ cồn cào. Rồi cả mùi khoai ngô nướng than thơm lừng đã lôi bật thằng nhỏ lồm ngồm bò dậy ra ngồi co ro bên bếp lửa. Chao ôi, thịt cá thơm biết bao, chấm thêm tí muối trắng cứ gọi là ngon hết ý. Ông Vại cầm đèn đi soi quanh một lượt lúc quay lại đã thấy Lụm ngủ ngon lành, tay còn cầm bắp ngô đang gặm dở. Ông bế thằng nhỏ vào lều, nằm hát ru nó ngủ. Tiếng hát ru của ông vang khắp cánh đồng, như tiếng gõ cửa gọi mùa xuân trở giấc: “Ầu ơi… Cú kêu ba tiếng cứ kêu/ Kêu mau đến Tết, dựng nêu ăn chè/ Dựng nêu thì dựng đầu hè/ Để sân gieo cải, vãi mè ăn chung/ Dầu bông bưởi dầu bông lài/ Xức vô tới Tết còn hoài mùi thơm… ầu ơ…”. 
 
Cảnh tát cá đồng mới đông vui làm sao. Bà con ai cũng ghé chọn vài con cá to mua về để tủ ăn Tết. Cá đồng ăn cỏ, nước sạch chảy lưu thông nên thơm thịt ai cũng thích. Lụm bận bịu với chiếc giỏ đựng đầy tôm tép của mình. Cô Thảo nói Lụm bán được bao nhiêu tiền đều được giữ lại để đi chợ Tết. Thằng nhỏ sướng rơn lội cả ngày dưới đồng bùn bết từ đỉnh đầu xuống chân, chỉ hàm răng trắng thỉnh thoảng thích chí cười khanh khách. Tối về, cô Thảo đun sẵn nồi nước lá lôi Lụm ra kì cọ. Tay Thảo dừng lại bên chiếc bớt đỏ trên vai thằng nhỏ, khẽ cười bảo:
 
- Con nhìn xem, hoa đào ngoài vườn chưa kịp nở mà hoa đào trên vai con đã nở hoa rồi. 
 
- Hồi trước, mẹ con hay nói ai có chiếc bớt đỏ như hoa sau này nhất định sẽ hạnh phúc. Có thật vậy không cô?
 
- Đúng thế. Cô cũng tin sau này Lụm nhất định sẽ trở thành một chàng trai tươi vui, hạnh phúc. Bởi con mang cả mùa xuân đang nở thắm trên vai. 
 
Lụm nhắm mắt ngửa cổ cảm nhận sự ấm áp của từng gáo nước lá dội xuống người mình và những cánh hoa đào chầm chậm nở trên vai…
 
Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG