Ngàn thương điệu chiêng cha truyền, váy áo mẹ mặc

06:01, 03/01/2023
Người Mạ, K’Ho ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) luôn nỗ lực để lưu giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, từ điệu chiêng cha truyền đến chiếc váy thổ cẩm mẹ mặc trong mùa lễ hội. Những nét đặc sắc, dấu yêu đại ngàn đã góp thêm sắc màu cho đại gia đình các dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S.
 
Đồng bào DTTS xã Lộc Tân sinh hoạt văn hoá trong không gian nhà dài truyền thống
Đồng bào DTTS xã Lộc Tân sinh hoạt văn hoá trong không gian nhà dài truyền thống
 
•  VỌNG MÃI ĐIỆU CHIÊNG CHA TRUYỀN
 
Lộc Tân là một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với 1.231 hộ, 4.877 nhân khẩu; trong đó đồng bào người Mạ, K’Ho chiếm phần lớn. Hiện nay, đời sống của đồng bào có nhiều khởi sắc, nhà cửa xây dựng khang trang. Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận của Nhân dân đã tạo nên một bức tranh hài hòa về kinh tế - xã hội…
 
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết, những năm gần đây, đời sống của bà con đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc về mọi mặt. Trong phát triển kinh tế, bà con đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã có 7 thôn, trong đó đồng bào sinh sống tập trung ở Thôn 1, Thôn 2, Thôn 3, Thôn 6. Vừa qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 4 thôn trên các bộ cồng chiêng và phục dựng một số nhà sinh hoạt truyền thống theo lối kiến trúc của nhà dài. 
 
Tất bật với vụ mùa cà phê, nương rẫy nhưng nghệ nhân K’Phàng ở Thôn 2 vẫn dành nhiều thời gian và công sức để luyện tập cồng chiêng cho con cháu. Hiện, Câu lạc bộ Cồng chiêng của thôn có 12 thành viên, trong số đó 10 thành viên là thế hệ trẻ. Một tín hiệu đáng mừng khi thành viên được trẻ hóa, âm vang cồng chiêng còn được nối dài. 
 
Nghệ nhân K’Phàng năm nay ngoài ngũ tuần, nhưng tiếng chiêng của ông vẫn rền vang núi rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông kể: “Mình vừa đi biểu diễn cồng chiêng ở đêm nghệ thuật “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ”; vui lắm vì tiếng chiêng còn mãi ngân trên mảnh đất này”.
 
Điệu chiêng truyền thống của đồng bào DTTS ở Lộc Tân
Điệu chiêng truyền thống của đồng bào DTTS ở Lộc Tân
 
Qua thời gian được nghệ nhân K’Phàng luyện tập, đến nay, 10 thành viên trẻ của Câu lạc bộ Cồng chiêng Thôn 2 đã thuần thục các điệu Đón khách, Mừng lúa mới… K’Đuyển là một thành viên trẻ của đội cồng chiêng cho biết, sau một thời gian luyện tập, đến nay, anh đã thành thạo các điệu cồng chiêng. “Dù cuộc sống hiện đại nhưng lưu giữ nhịp chiêng đại ngàn là nhiệm vụ của thế hệ trẻ. Mỗi khi tiếng chiêng rền vang, chúng tôi như sống lại một trời ký ức của cha ông ngày xưa, trong những đêm dân làng nô nức trẩy hội”, K’Đuyển bộc bạch. 
 
Điều đáng mừng ở Lộc Tân là việc chính quyền địa phương và người dân trong các thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống đã góp sức người, sức của để phục dựng những ngôi nhà dài truyền thống. Nhà được dựng hoàn toàn bằng vật liệu tre, nứa; mái nhà được lợp cỏ tranh. Đây là nơi để dân làng hội họp, luyện tập cồng chiêng và khắc sâu hơn những giá trị tinh thần.
 
K’Duẩn với tiệm váy cưới thổ cẩm của đồng bào Mạ, K’Ho ở Lộc Tân
K’Duẩn với tiệm váy cưới thổ cẩm của đồng bào Mạ, K’Ho ở Lộc Tân
 
  TÂN THỜI CHIẾC VÁY MẸ MẶC   
 
Xuyên suốt hành trình tìm hiểu những giá trị truyền thống của đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân, có một điều làm chúng tôi quyến luyến chính là thổ cẩm truyền thống lại được sống trong những đám cưới hiện đại. 
 
K’Duẩn là ông chủ trẻ của dịch vụ váy cưới truyền thống ở Thôn 1. Thông thường, dịch vụ váy cưới do phái đẹp đảm nhận nhưng bằng con mắt nghệ thuật của một chàng trai trẻ sống ở núi rừng, anh đã cách tân chiếc váy áo truyền thống mà bà, mẹ mình thường mặc các dịp lễ hội. Hiện, tiệm của anh có hơn 30 chiếc váy cưới được làm từ thổ cẩm của người Mạ, K’Ho, tôn lên vẻ đẹp của  những sơn nữ trong ngày đẹp nhất của đời mình.
 
K’Duẩn tâm sự: “Tiền mua thổ cẩm làm các bộ váy cưới khoảng 100 triệu đồng, rồi mình đặt may ở những thợ có tay nghề. Mỗi bộ váy cưới thổ cẩm cho thuê với mức giá chừng 500 nghìn đồng. Thời gian qua, có khá nhiều bạn trẻ thuê để chụp ảnh cưới. Cũng có nhiều người sau đó mua hẳn chiếc váy cưới thổ cẩm để làm kỷ niệm. Lưu giữ nét truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại, tân thời; những chiếc váy độc đáo này khiến nhiều người thích thú, say mê. 
 
Còn gì đẹp hơn trong những dịp lễ hội, Tết đến, xuân về; đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân lại được chìm đắm trong điệu chiêng cha truyền bên ngôi nhà dài truyền thống. Ngày cưới, cô gái trẻ lung linh trong bộ váy cưới thổ cẩm, để nhớ một thời dấu yêu. Hiện đại quyện hòa cùng truyền thống là một trong những cách thức để bảo tồn và phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào nơi đây.
 
TỨ ĐỨC