Chúng tôi đã phải đến phòng tranh của họa sỹ (HS) Nguyễn Lai (trên đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt) nhiều lần để mong hiểu được “những khối hình vuông” của anh nhưng xem ra không dễ chút nào.
Chúng tôi đã phải đến phòng tranh của họa sỹ (HS) Nguyễn Lai (trên đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt) nhiều lần để mong hiểu được “những khối hình vuông” của anh nhưng xem ra không dễ chút nào. Chiêm ngưỡng tranh Nguyễn Lai, cứ thấy như vừa bay bổng lên chốn ảo ảnh và như vừa lạc bước đến cõi huyền bí bởi những gam màu nóng lạnh của trường phái trừu tượng trong bố cục hình vuông.
Họa sỹ Nguyễn Lai với tác phẩm “hình vuông”. |
Và thế là Nguyễn Lai quay lại với cây cọ vẽ! Nhưng lần này, anh chọn “giai điệu hình vuông” làm “kim chỉ nam” cho phong cách sáng tác của mình. Điều đáng nói nữa là, nếu ở Đà Lạt, HS Võ Trịnh Biện đã và đang được nhiều anh em văn nghệ sỹ biết đến với “tài” vẽ bằng “nhất dương chỉ” (vẽ bằng ngón tay) thì với Nguyễn Lai, một HS (và đồng thời là nhiếp ảnh gia) tuy không thật… ầm ào nhưng cũng làm cho giới hội họa ngạc nhiên với chất liệu sơn dầu vẽ bằng bay và luôn tuân thủ trong bố cục hình vuông. Hồi cuối năm 2009, trong khuôn viên Trường Cao đẳng nghệ thuật TP HCM, những người yêu hội họa khá bất ngờ trước triển lãm có chủ đề “Giai điệu hình vuông” của HS Nguyễn Lai.
Để giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc triển lãm lần đó, anh tặng tôi hẳn một catalo “Giai điệu hình vuông” dạo nọ với một loạt tác phẩm trừu tượng có khổ 1m x 1m như: “Chocolate”, “Cây trường sinh”, “Khởi nguyên sự sống”, “Dạ khúc”, “Thu mơ”, “Con của Âu Cơ”, “Nhất nguyên”, “Thần thoại”… Quả thật đó là những hình vuông trừu tượng! Hay, nói như chính HS Nguyễn Lai: “Những hình vuông trừu tượng như những con diều giấy, đã giúp tôi bay ra khỏi thế giới hiện thực. Trong niềm hạnh phúc đó, tôi ước mơ tất cả mọi người đều cảm nhận được hội họa trừu tượng. Đừng xem đó như là một thứ nghệ thuật cao xa, khó hiểu. Xin hãy cảm nhận và vui thích như chơi diều.
Những con diều màu sắc bay lượn trong không gian tưởng tượng của mỗi con người chúng ta”. Tiếp đến, hồi tháng 7.2010 mới đây, ba tâm hồn đồng điệu Nguyễn Lai, Mai Nam và Duy Nhật đã gặp nhau và ra mắt phòng tranh “Trừu tượng ba vuông” tại Nhà Trưng bày và triển lãm TP HCM (92, Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM). Có thể ví cuộc triển lãm “ba vuông” đó như là ba hòn sỏi đang lăn bỗng vô tình chạm phải nhau và bật lên tiếng nói chung về mỹ thuật hình vuông thông qua 65 tác phẩm sơn dầu của Nguyễn Lai và Duy Nhựt; và tranh dán giấy của Mai Nam. Ở cuộc triển lãm “ba vuông” đó, nếu Mai Nam và Duy Nhựt – một dán giấy và một sơn dầu – thiên về chủ đề đời thường với sự dung dị, chân chất thì HS Nguyễn Lai lại lắng hơn với chất thiền và cả huyền bí.
“Giờ, đã… bán định cư ở Đà Lạt, hẳn anh sẽ làm một cái gì đó cho thành phố vốn dĩ rất thơ và luôn là nguồn cảm hứng cho hội họa này chứ?”. Trước câu hỏi đó của chúng tôi, HS Nguyễn Lai cười rất hiền: “Tôi mong sẽ làm được điều gì đó cho Đà Lạt lắm! Và, xin nói trước: Cũng chỉ là “hình vuông” thôi đấy!”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Cái “hình vuông” của anh có liên quan gì đến bức tranh “Hình vuông đen” của họa sỹ Kazimir Malevich người Nga?”. Anh nói: “Kazimir Malevich (1878 – 1935) là một trong những thủ lĩnh tiên phong Nga trong hội họa.
Ông chính là người đề xướng khái niệm “Chủ nghĩa tuyệt đỉnh” trong hội họa (Suprematist) và là người vô cùng nổi tiếng với bức tranh “Hình vuông đen” mà ông là tác giả - bức tranh lần đầu tiên được triển lãm để công chúng thưởng thức vào ngày 19.12.1915. Còn về sự liên quan ư? Nghiêm khắc mà nói, hiểu theo nghĩa thông thường thì cái hình vuông hầu như không liên quan gì đến nghệ thuật hội họa. Nhưng, một khi hình vuông được “mang” vào hội họa, gắn liền với những gam màu, đường nét… thì nó chính là mỹ thuật”.
Ở Nguyễn Lai, còn có một điều gì đó khác hơn với “các khối hình vuông” của Kazimir Malevich (trong đời, với “hình vuông”, HS Kazimir Malevich chỉ vẽ 4 tác phẩm). Nói cụ thể hơn, theo cảm nhận riêng của chúng tôi, tranh trừu tượng của Nguyễn Lai trong bố cục hình vuông là một lối biểu hiện tự do của những tương quan nhưng vẫn giữ tính cách tương đối và giới hạn.
Phải chăng với họa sỹ Nguyễn Lai là một phong cách mới rất Việt Nam (và rất thiền) có sự kế thừa của một Kazimir Malevich của Nga và một Piet Mondrian của Hà Lan, và tiếp đến là các nhóm nghệ thuật “Tròn và vuông” và “Trừu tượng và sáng tạo” những năm sau 40 của thế kỷ trước? Có lẽ, trên nền tảng kế thừa ấy, Nguyễn Lai đã tạo được cái rất mới cho riêng mình chính là tạo được chất “phiêu” phương Đông từ tính thiền trong hội họa của riêng anh?
Khắc Dũng