Cuốn sách “Rừng người Thượng” (Les Jungles Moi) của tác giả Henri Maitre viết về vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam được xuất bản lần đầu vào năm 1912 tại Pháp...
Cuốn sách “Rừng người Thượng” (Les Jungles Moi) của tác giả Henri Maitre viết về vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam được xuất bản lần đầu vào năm 1912 tại Pháp, nhưng mãi đến gần đây mới được dịch sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học lịch sử và di sản miền Trung Việt Nam giữa Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội với Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam dưới sự tài trợ của Quỹ Ford và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Trong lời tựa của bản dịch, các dịch giả Việt Nam nói rõ: ““Les Jungles Moi” thực sự là một công trình ghi dấu về núi rừng, con người và nền văn minh vùng Trường Sơn – Tây Nguyên”.
Cũng trong lời tựa, Andrew Hardy (biên dịch) và Nguyễn Văn Huy (Ban Khoa học) nói rằng: “Trong hai phần đầu của tác phẩm Les Jungles Moi, chúng ta được đọc về vùng Tây Nguyên như đi trong một cuộc du hành qua rừng thẳm. Nhà thám hiểm người Pháp và đoàn của ông luôn luôn di chuyển, và chúng ta đi cùng họ, vì cuốn sách được viết ở dạng nhật ký về những nỗ lực hằng ngày của đoàn du hành đương đầu với thời thiết, sông nước, địa hình, vô vàn loại cây lớn nhỏ khác nhau, và muôn loài động vật hoang dã. Những cuộc phiêu lưu này làm nên phần chính của cuốn sách…”.
Hơn thế, sau khi đọc “Les Jungles Moi” của Henri Maitre, chúng tôi cho rằng đây còn là một nhật ký dân tộc học được ghi chép dưới dạng văn học thông qua chuyến điền dã thực địa rừng núi Tây Nguyên Việt Nam của một người pháp và đoàn thám hiểm của ông. Ở lời tựa của “Les Jungles Moi” lần đầu xuất bản (1912), tác giả Henri Maitre nói rõ, cũng như nhiều nhà thám hiểm người Pháp khác lên Tây Nguyên, sứ mệnh của Henri Maitre nhận từ chính quyền là “mô tả đất nước và mô tả cư dân ở đó” với tư cách là một viên chức của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, có lẽ vì những hấp lực của con người và núi rừng Tây Nguyên nên nhà thám hiểm Henri Maitre đã vượt qua vỏ bọc viên chức chính quyền để trở thành một nhà dân tộc học ghi nhật ký văn học về vùng đất mà ông đã đi qua, như trong lời tựa của “Les Jungles Moi” xuất bản năm 1912 do chính tác giả viết: “Trong suốt hai năm đầy những khám phá hấp dẫn, những hành trình không ngừng nghỉ và bền bỉ ấy, tôi đã say đắm đến tận cùng vẻ đẹp sâu xa của những vùng rừng kín bưng; trên các đầm lầy và các dãy núi dốc đứng, trong những khu rừng thưa mênh mông bất tận, trên những cao nguyên vun vút ngọn gió phóng túng, tôi đã biết niềm tự do tuyệt đối, vô tận, niềm kiêu hãnh sâu xa làm bay bổng tâm hồn những nhà khám phá”. Rồi nữa, trong phần nội dung của “Les Jungles Moi”, ông viết: “Đêm nay, cơn giông ầm ì từ xa, rồi mỗi lúc càng đến gần. Những đám mây lớn chậm chạp phủ khắp bầu trời và che lấp vầng trăng mờ tái. Trên những đỉnh núi gần, những ngọn lửa đỏ tựa máu của một đám cháy rừng dát vàng óng các đám mây; những tia chớp vạch ngang dọc chân trời phía bắc; trong khi ở phía tây, bầu trời đen như mực, trong thung lũng lửa đang lặng lẽ ngún nốt những gốc cây cuối cùng. Có lúc, tiếng rống giận dữ của một con voi rừng đột ngột vang lên, nghe thê thảm trong đêm khuya. Và, trong cái bóng đêm dày đặc, gió gầm gào và trăm nghìn mối đe dọa của rừng núi rình rập bốn bề, ta bỗng bị xâm chiếm bởi một cảm giác đơn độc cùng cực, quạnh hiu tuyệt đối; và, bị cất đứt hoàn toàn với thế giới chung quanh, ta có cái cảm giác kỳ lạ bị bỏ quên, lạc loài, mất hút giữa một xứ sở trong mơ có thể sẽ chẳng bao giờ thoát ra được…”.
Quả đúng là một cuộc du hành qua rừng thẳm cao nguyên! Trong lời tựa cuốn sách, Andrew Hardy và Nguyễn Văn Huy đã viết: “Đọc cuốn sách này thực sự vô cùng mệt mỏi, một phần là bởi vốn từ hết sức chính xác tỉ mỉ và những câu vừa dài vừa phức hợp, một phần cũng là do cỡ chữ nhỏ li ti trong bản gốc in bằng tiếng Pháp năm 1912. Nhưng đó chỉ là phương tiện văn chương làm người đọc kiệt sức của tác giả trong việc biểu đạt sự khó nhọc của mình một cách vô cùng sống động: những thách thức thể xác của cuộc hành trình và những đòi hỏi trí tuệ mà tác giả tự đề ra cho mình phải đạt được”. Tuy nhiên, cho dù “vô cùng mệt mỏi” hay là được tiếp cận với “trí tuệ mà tác giả tự đề ra cho mình”, trong “Rừng người Thượng” của Henri Maitre, chúng ta vẫn nhận ra sự cố gắng đến vượt bậc của tác giả Henri Maitre: “Như vậy là, dựa trên nguồn tài liệu ít hơn nhiều so với những gì chúng ta có ngày nay, Maitre gắng đạt được một nghiên cứu tổng hợp không chỉ về một dân tộc ở một vùng hoặc một nơi chốn cụ thể, mà về tất cả các dân tộc ở miền cao nguyên và trong mọi thời kỳ lịch sử, đặt trong bối cảnh tự nhiên của họ. Đơn cử một trong những thành tựu chính mà ông đạt được đó là thiết lập nên hệ phân loại ngôn ngữ - dân tộc cơ bản cho cư dân trong vùng. Sự phân loại này đã được phát triển và cải thiện thông qua nghiên cứu trong thế kỷ 20, và công trình của Maitre chỉ là một điểm khởi đầu. Thế nhưng hậu thế chưa hề phủ nhận phương pháp cũng như tiếp cận của ông với chủ đề này” – hai học giả Andrew Hardy và Nguyễn Văn Huy đã viết.
Khắc Dũng