Sang Thái Lan gặp người Việt

11:12, 08/12/2010

Hồi đang còn chiến tranh Việt Nam, ở Thái Lan có 3 sân bay được Mỹ trưng dụng để làm sân bay quân sự cho máy bay sang đánh phá Việt Nam là U Bon, U Don và U Ta Pao.

Hồi đang còn chiến tranh Việt Nam, ở Thái Lan có 3 sân bay được Mỹ trưng dụng để làm sân bay quân sự cho máy bay sang đánh phá Việt Nam là U Bon, U Don và U Ta Pao. Tôi đã được đến cả ba sân bay, bây giờ thấy nó vô cùng sầm uất, hiền lành, máy bay dân dụng cỡ lớn lên xuống như mắc cửi, chả hình dung ngày xưa, khi nó là sân bay quân sự, các loại máy bay Mỹ xuất phát để sang Việt Nam ném bom thì nó như thế nào, nhưng có một câu chuyện cảm động mà hầu như người dân nào đây đều biết, ấy là việc đặc công Việt Nam đã từng tấn công sân bay U Bon thời ấy.
   
Chuyện rằng, một tiểu đội đặc công không biết đi bằng con đường nào mà tối hôm ấy đã vào tập kích được sân bay U Bon. Nhưng thất bại, ba chiến sĩ hy sinh và 6 người bị bắt. Sáu chiến sĩ này bị đưa ra tòa án Thái Lan, và... trắng án, được thả về đàng hoàng với lý do vô cùng đơn giản: Chúng tôi không đánh Thái Lan, mà chúng tôi đánh Mỹ. Mỹ dùng sân bay này để đánh Việt Nam thì chúng tôi đánh Mỹ tại sân bay này. Cãi thế và thắng mới lạ, và cũng phục tòa án Thái Lan khi ấy, Mỹ nó ép như thế mà vẫn xử được như thế, chả câu nệ gì, chả lo bị mất lòng mất bề gì.
   
Tôi có hỏi về mộ của ba chiến sĩ đặc công ấy giờ ở đâu thì một số người già cho biết, ngày xưa được chôn ngay rìa sân bay, còn bây giờ thì không biết vì sân bay mở rộng ra gấp nhiều lần, và thành phố cũng phát triển ầm ầm, có thể người ta dịch đi đâu đó, cũng có thể đưa vào chùa, người Thái theo đạo Phật nên họ rất cẩn thận trong việc này... Việc người Việt Nam có mặt ở Thái Lan từ hàng trăm năm nay thì ai cũng biết, nhưng việc một tiểu đội đặc công sang tận sân bay U Bon để đánh tàu bay Mỹ thì có lẽ ít người biết và cũng là việc hiếm xưa nay.
   
Vài năm nay, chúng ta nghe tình hình bên Thái Lan có vẻ rất lộn xộn, hết áo vàng đến phe áo đỏ biểu tình, chiếm thành phố, gây náo loạn, nghe cứ như sắp bạo động to đến nơi, té ra không đến mức như ta tưởng. Tôi có dịp tiếp xúc với ông Níp Pôn, tên việt là Bôn, chủ tịch hội Người Việt ở U Bon (giờ nó đã chia ra làm ba hội, và hội cũ của ông đổi tên là Hội người Thái gốc Việt, còn hai hội kia là hội... yêu tiếng hát, và hội Công nhân thợ may). Ông kể rằng nhà ông có hai ông bà thì ông theo một đảng, bà vợ ông theo một đảng. Tối ngủ chung với nhau nhưng sáng ra là hai người vác 2 loại cờ, mặc hai màu áo, ra đường biểu tình chống nhau. Cũng đả đảo hò hét ầm ĩ, chiều bà lại về lụi cụi nấu cơm đợi ông về ăn, rồi ngủ và rồi sáng mai lại... xuống đường.
   
Ông Nip Pôn này là một người Việt tiêu biểu tôi gặp ở Thái Lan. Tất nhiên là phải giàu. Từ hai bàn tay trắng, ông gầy dựng sự nghiệp giờ có doanh nghiệp, con cái phương trưởng và cũng đều làm ông chủ. Điều lý thú là các ông chủ người Việt này lại thuê rất đông người Thái làm công nhân cho mình. Ngoài ra còn khá đông người Việt "nhảy dù" sang làm, phần đông là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, lọt vào đây ta có cảm giác như đang ở một huyện nào đó ở Nghệ An vì nghe ríu ran giọng trọ trẹ. Phần lớn họ sang bằng con đường du lịch rồi cứ gia hạn. Ông Nip Pon này có uy tín với chính quyền và cũng có chân trong hội đồng rồi cũng góp tiền bạc chi đó cho chính quyền thành phố nên nói họ nghe, nhờ thế mà rất đông người Việt đã nhờ ông nên tồn tại có công ăn việc làm ở bên này mà không bị làm khó dễ.
   
Nip Pon có một anh con trai và cô con dâu cũng người Việt có một cửa hàng giò chả rất lớn ở khu phố giò chả U Bon. Phố giò chả này lớn đến mức có trong tour du lịch để các hướng dẫn viên dẫn khách đến, và rất đông khách người Việt đã... mua giò chả ở đây mang về Việt Nam. Chúng tôi vào thăm xưởng sản xuất và cửa hàng của anh thì thấy khoảng một nửa công nhân là người Thái, một nửa là người Việt, dưới sự chỉ huy của một ông người Thái. Người ra thịt, người xay (họ xay chứ không giã, thực ra phải giã bằng tay mới ngon, tôi nói điều này với ông chủ con trai Nip Pon, anh công nhận nhưng cũng bảo là cái máy xay này nó vừa xay vừa giã nên có khi lại... ngon hơn là chỉ giã). Người gói, người bưng bê... riêng việc bán là của cô con dâu nói tiếng Bắc rất chuẩn dù cô là đời thứ 2 ở Thái Lan. Việc tiếp thị rất thú vị, ấy là ai vào cũng được mời một miếng chả, chỉ thiếu chai bia là thành cuộc nhậu, một khách tham quan hài hước nói. Tôi thấy các vị khách Tây rất thú vị và cẩn trọng làm theo hướng dẫn để ăn miếng chả cho nó ra miếng chả, tức là chấm muối thế nào, nhón củ tỏi ra sao, nhặt một hạt tiêu ra sao nữa, một lá rau thơm, nhai khẽ khàng, mắt mơ màng, mũi mênh mang, tai nghênh ngang... Vừa nhai vừa nghe tiếng sần sật, vừa ngẫm vị béo bùi, vừa thấy sự chuyển dịch... của miếng chả. Mấy cô gái Thái giúp việc hướng dẫn rất tận tình, và cuối cùng thì ông khách nào cũng lủng lẳng ít nhất là một cân chả. Tôi hỏi người Thái có biết làm chả không, ông Nip Pon bảo không thể, vì khâu quan trọng nhất thì mình trực tiếp làm, nên không mất bí kíp. Nhưng hình như còn một lý do nữa, là hình như người Thái nếu làm chủ thì làm chủ ra tấm ra món, còn không thì làm thuê cho nó đỡ mệt. Bởi để ra được một cửa hàng chả trong dãy phố giò chả của toàn người Việt này là cả một trần ai từ buổi đầu cho đến hôm nay khi có vẻ đang rất nhộn nhịp ăn nên làm ra.
   
Muk Da Han là một thành phố bên bờ sông Mê Kông, biên giới giữa Lào và Thái. Thành phố rất đẹp và thanh bình. Có nguyên một cái chợ sát mép bờ sông và ngầm dưới đất, nhưng đến một nửa là người Việt, toàn tiếng Huế, dù chả phải người Huế. Chúng tôi đi trong chợ mà như là đang dạo chợ... Đông Ba. Buổi trưa vắng khách, chợ yên ắng và các bà các cô đều đang thiu thiu ngủ. Nghe chúng tôi nói tiếng Việt mọi người như choàng tỉnh và đồng loạt nói tiếng... Việt. Sang Lào và Thái thấy rất lạ là phần đông bà con nói tiếng Huế, coi tiếng Huế là tiếng... Việt dù có người quê tận Thái Bình, Nam Định, người tận Lạng Sơn, Móng Cái. Giải thích là cộng đồng đầu tiên đến đây là người Huế, cứ thế tiếp nối các đời cứ lấy tiếng Huế làm chuẩn.  Vợ chồng anh Trần Văn Sanh chị Mai Thị Khen có sạp hàng rất lớn nhưng chị chưa về quê lần nào. Cháu Trần Thị Văn, tên Thái là Madi Văn, con thứ tư của anh chị, rất xinh gái đi mua đãi chúng tôi mỗi người một ly cà phê ca cao to tổ bố hút bằng ống hút. Tranh thủ nói chuyện thì biết anh Văn và chị Khen đã là đời thứ 2 ở đây. Ngoài chuyện sinh hoạt như người Thái thì anh chị đều vào hội Người Việt và đều tranh thủ những lúc có thể để dạy con tiếng Việt. Có một nguyên tắc trong nhà là ra ngoài đường có thể nói tiếng Thái, tiếng Anh, nhưng về nhà là phải nói tiếng Việt, nhờ thế mà chúng tôi có thể nói chuyện với cháu Văn khá thoải mái dù thi thoảng phải có sự trợ giúp của bố mẹ khi chúng tôi nói nhanh hoặc dùng từ khó. Văn vừa tốt nghiệp đại học ngành xã hội, cháu mơ ước là sẽ làm hướng dẫn viên du lịch để có thể thường xuyên về Việt Nam, dù cho đến bây giờ cháu vẫn chưa một lần về Việt Nam và chỉ nói được tiếng Việt chứ không biết chữ.
   
Tôi có anh bạn đang sang Thái Lan du học. Anh này là giáo viên dạy hội họa của trường Cao Đẳng sư phạm, nghe Thái Lan chiêu sinh một lớp thạc sĩ hợp với mình, thế là nộp đơn đi. Trường chỉ giữ lương cho, còn đâu là tự túc. Vấn đề là anh chàng này không biết tiếng Anh và vợ thì mới đẻ, thế mà vẫn đi học được mới tài. Thực ra thì nó đơn giản hơn những gì mình nghĩ. Về đi thì đi đường bộ bằng xe đò qua cửa khẩu Lao Bảo, chừng một ngày là sang đến Thái Lan với hai lần làm thủ tục nhập cảnh bằng hộ chiếu phổ thông chứ không cần thị thực. Cách đi này cực kỳ rẻ và giản tiện, phù hợp với giới bình dân. Người có điều kiện hơn thì thuê xe tự lái. Kinh nghiệm là thuê xe biển số Lào thì sẽ đi được cả ở Việt Nam, Lào và Thái Lan, còn nếu đi xe Việt Nam thì hết đất Lào phải gửi lại rồi thuê xe Thái để đi trên đất Thái. Xe Thái thì lại không về Việt Nam được. Đi kiểu này nên hàng tháng anh đều có thể có mặt ở nhà để chăm vợ đẻ. Còn tiếng, bây giờ thông thương, người Việt ở Thái Lan cũng rất đông. Sự bất lợi của không biết tiếng cũng giảm bớt đi khi anh có thể túm một người Việt biết tiếng Anh cùng thuê phòng trọ, hoặc ít nhất là làm bạn.
   
Bác Hồ có lẽ cũng là một trong những người Việt đến Thái Lan từ rất sớm. Hồi ấy Bác ở bản Na-Chok, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan từ tháng 7 năm 1928. Hiện nay ở đây còn một cái nhà lưu niệm Bác. Nhà được dựng theo kiểu nhà trệt, vách ván. Phía trước sân nhà, Bác tự tay trồng một cây khế ngọt và 2 cây dừa để mỗi lần nhìn vào cây cho đỡ nhớ quê hương. Sau một thời gian dài bị hư hỏng, chính quyền tỉnh Nakhon Phanom cùng với bà con Việt kiều góp sức tôn tạo, phục dựng lại nhà theo đúng nguyên bản. Những vật dụng sinh hoạt mà Bác đã dùng như tấm phản, chiếc áo tơi ra đồng, bộ ấm pha trà, chiếc điếu cày, chiếc mâm dọn cơm, chiếc radio Việt kiều tặng Bác... cũng được sưu tầm về. Điều lý thú là ở Thái Lan có rất nhiều người lập bàn thờ Bác Hồ hoặc sưu tầm các bức ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động của Bác. Anh Quỳ ở chợ Muk Da Han là người lập bàn thờ Bác rất cẩn trọng công phu và đến ngày giỗ, ngày sinh nhật Bác, thậm chí là ngày quốc khánh, anh đều làm cỗ cúng Bác. Anh Quỳ này hát nhạc Việt rất hay và rất nhiệt tình với khách từ bên nhà sang. Ông Bôn thì lại có một cuốn album chỉ sưu tầm ảnh Bác Hồ, hàng trăm bức ở mọi thời kỳ, từ tấm ảnh thuở bác phụ bếp trên tàu La – tu - sơ – tơ - rê – vi - lơ đến ảnh Bác ở đại hội Tua, từ ảnh Bác tát nước đến ảnh lễ tang Bác... Trong đó có một bức lần đầu tiên tôi thấy, ấy là bức ảnh Bác Hồ trong vai nhà sư thời Bác hoạt động ở Thái Lan...

Văn Công Hùng