Râm ran tiếng dế gọi hè

02:05, 25/05/2011

Mùa hè phương Nam, trời đất dường như cũng lạ. Nắng chói chang, có khi nóng hầm, nóng hập. Bầu trời xanh lơ, khi cao xanh thăm thẳm, lại cũng có khi nắng ui ui, gió dường như mang theo hơi nước từ phương nào xa thẳm, mát lạnh.

1. Mùa hè phương Nam, trời đất dường như cũng lạ. Nắng chói chang, có khi nóng hầm, nóng hập. Bầu trời xanh lơ, khi cao xanh thăm thẳm, lại cũng có khi nắng ui ui, gió dường như mang theo hơi nước từ phương nào xa thẳm, mát lạnh. Bầu trời hình như thấp hơn, bùng nhùng trong cuồn cuộn mây đen. Rồi sấm, rồi chớp, rồi mưa… Ít thì mưa của một bóng mây, nhoáng nhoàng rồi khô tạnh. Nhiều thì vài tiếng, có khi dầm dề một buổi. Đường phố dạo này, có khi cống thông, cống tắc. Một trận mưa cũng thành ao, hồ, kênh rạch… đủ cho lũ trẻ ham vui, nghịch nước, thả theo chiếc thuyền giấy mơ ước… bồng bềnh và chìm nghỉm mỗi khi có xe qua…

Bạn hỏi tôi, dấu hiệu của mùa hè. Thôi thì cứ lấy hoa phượng làm chuẩn. Phượng thắp lửa đỏ cành la, cành bổng, đó là mùa hè. Hay cứ nhìn đường phố, vắng dần những tà áo trắng của học sinh là biết đã… nghỉ hè, nhưng bây giờ cũng khó phân biệt lắm, vì học thêm, học bớt, vì phụ đạo, dạy trước chương trình. Hai chữ nghỉ hè của học sinh, dường như đã trở thành lạc điệu?

Cũng một cách nữa, một hôm ghé chợ trái cây, thấy bày bán thêm những sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu, cùng nhiều hoa trái khác, những cây trái của mùa hè. Bạn cười, chưa chắc, vì bây giờ kỹ thuật trồng cây ra trái trái mùa, đâu riêng chỉ có hè? Nhưng mà, những trái trâm, trái trường… của rừng thì đúng phóc rồi còn gì. Bỗng nhớ… tím môi nhau ngày xưa còn bé, hái trái trâm rừng ăn đến… xót, cồn cào cả ruột, miệng cười, môi, răng, lưỡi tím đến ngu ngơ…

2. Trên những ruộng, rẫy thôn xóm, chỉ qua vài cơn mưa giông, những khoảng đất khô hoang hóa, hoặc bỏ trống đã lún phún màu cỏ non. Một đêm, rồi hai đêm, sáng ra cỏ đã xanh rì rì, mơn mởn. Trên những chiếc lá cỏ non tơ, đính lên những hàng sương ngọc, trong suốt lấp lánh dưới ánh mặt trời. Mùi cỏ thanh tân, thơm ngái, ngọt ngào. Hãy để chân trần mà đi trên cỏ ướt sương, một liệu pháp làm thư thái tâm hồn, có khi làm ta chợt… trẻ con, khi bất chợt nghe tiếng dế gáy… Réc…réc…tờ…ri, ri…réc, réc. Nín thở, dỏng tai mà nghe tiếng gáy. Nhón chân và lần theo tiếng gáy. Tiếng réc, réc phô bày sự dũng mãnh của chàng dế chợt im bặt. Tiếng “chình, chịch…” nhẹ nhàng du dương, khiến ta sững sờ. Hóa ra chàng dũng sĩ dế đang mê mẩn tình tự bên… người đẹp dế. Thôi thì hãy lãng tránh, để “hai tâm hồn đang hòa điệu” với cỏ sương được yên ổn.
    
Chú bé con năm nảo, năm nao lại hiện về trong ký ức, với trò chơi bắt dế và đá dế. Những chú dế than, mình đen mướt với những hoa văn trên đôi cánh đen có điểm hai chấm vàng. Hay những chú dế lửa, mình vàng óng ả, hoa văn kỳ bí, hút hồn, được nhốt vào những hộp diêm, có đánh số phân loại dế nhất, dế nhì…

Tiếng dế một thời thơ dại, mang trong cặp, nhét vào hộc bàn, gáy râm ran lớp học, để rồi cả bọn bị phạt quét lớp cả tuần lễ. Tiếng dế mang vào phòng ngủ, đi vào trong giấc mơ một mùa hè… tròn lẳng, lúc lắc trái chín miệt vườn, thơm ngát buổi trưa mưa…

3. Bạn rủ vào nhà hàng “đặc sản” ăn món đồng quê. Dế chiên nước mắm! Cứ tưởng những con dế cơm, to bằng ngón tay cái, ngắt đầu bỏ chân, lăn bột… Không dè chủ quán bưng lên một dĩa dế chiên còn đủ đầu… râu và chân. Nhận ra những chú dế đá. Bỗng… buồn thương và không…muốn gắp! Trong cuộc đời nhiều chìm nổi, va vấp. Cũng có khi ta nhận mình là “Chú dế mèn phiêu lưu ký”, gặp ở đây, trên bàn nhậu này, những “bạn bè, họ hàng” dế. Vậy là mủi lòng suốt chặng đường về.
    
Ở thành phố, thị xã, tiếng dế gáy chừng như đã xa xăm lắm. Những chú dế của tuổi học trò, của mùa hè, theo cơn mưa bất chợt bay về trên những trụ đèn đường, ngẩn ngơ run rẩy…
    
Tôi lại ra ngoại ô, trở lại vùng quê, dò dẫm đi trên cỏ non, nghe tiếng dế gáy râm ran gọi hè…
2011.

* Tạp văn Trần Hoàng Vy