Không hiểu sao thời chân đất đầu trần, tóc khét nắng; tôi mê câu cá một cách lạ lùng! Tôi mê tới mức khi nằm ngủ cũng chiêm bao ngồi bên bờ sông, thả chiếc cần làm bằng nhánh tre chặt vội trong vườn hàng xóm với bao háo hức, đợi chờ cá cắn câu...
Không hiểu sao thời chân đất đầu trần, tóc khét nắng; tôi mê câu cá một cách lạ lùng! Tôi mê tới mức khi nằm ngủ cũng chiêm bao ngồi bên bờ sông, thả chiếc cần làm bằng nhánh tre chặt vội trong vườn hàng xóm với bao háo hức, đợi chờ cá cắn câu...
Sông Lam chảy qua miền quê tôi, làm nên bãi sa bồi tuyệt diệu nằm nép mình bên làng quê yên ả.
Mùa xuân, cả cánh đồng có chiều dài chừng hơn mười cây số, thơm sực nức khi mùa ngô trổ cờ. Mùa hạ về, khắp cánh đồng rộn vang tiếng đa đa "bắt tép kho cà" trong màu xanh của lạc, của đậu xanh, khoai lang sắp vào kỳ thu hoạch...
Khi mùa thu về, ai qua cánh đồng chỉ một lần thôi, không thể nào quên được mùi hoa màn màn thơm nồng từng bước chân. Loài hoa nhỏ xíu, cây màn màn cao bằng đầu gối con người – không hiểu vì sao thiên nhiên lại ban tặng cho loài hoa dại này có hương nồng đến thế!
Khoảng cuối tháng Tư, khi những cơn mưa đầu nguồn tận Thượng Lào bắt đầu cũng là mùa "nước sóc" lên bờ (nước lớn) cưới nguồn. Bờ sông thoai thoải, đám cỏ mướt xanh, chỉ có một lối mòn vừa đủ lọt bàn chân là "thiên đường" của tuổi thơ câu cá. Chúng tôi rủ nhau cùng đi. Cần câu là những nhánh tre khô già được chuốt lại láng bóng. Dây cước màu xanh nhạt, mua hai hào ở hàng xén ngoài chợ và chiếc lưỡi câu màu đen, khá bén nhạy...
Một con dao nhỏ, một ống bơ và xách cần câu, chúng tôi "lên đường", lặng lẽ trốn nhà tiến ra bờ sông quen thuộc. Trùn đất nhiều vô kể. Chỉ cần bới lên một chút dưới lớp đất xốp là có ngay những chú trùn làm mồi. Tôi chọn chỗ nước lờ đờ chảy và thả câu xuống, mắt không rời cái phao trắng làm từ cây đay khô... Bỗng phao động đậy làm tim tôi đập mạnh, hồi hộp lạ thường. Lúc đầu phao còn giật giật vài cái, sau đó phao chìm dần và bị lôi đi. Tôi giật mạnh cần câu và nghe cảm giác rung rung đầu dây câu nghe thật sướng. Một con cá bống to bằng ngón chân cái vừa mắc câu. Thứ cá bống này phàm ăn. Hễ gặp mồi là bập vào ngay chiếc miệng rộng và kéo chạy một hơi. Cá còm ăn nhẩn nha, chẳng “Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá, mà quàng phải … câu”. Có khi nó gỡ mồi gần hết rồi bỏ đi. Khi đưa câu lên chì còn miếng trùn nhỏ xíu. Con tôm rằn mới rề rà đến sốt ruột. Khi gặp trùn, nó khoái lắm nhưng nó thủng thẳng dùng hai cái càng, khều qua khều lại, đưa lên nếm thử rồi bỏ xuống…
Cứ thế, những con cá còm, cá rầm, cá ngạnh, tôm rằn (loài tôm này thịt mềm và thơm nên có câu ca “Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi/ Gạo nhe An Cựu mà nuôi mẹ già”) - lần lượt được giật lên, phơi bụng trắng lóa trong nắng chiều...
Gió bờ sông man mác, mát rượi khiến lòng người khoan khoái, mơn man cùng nắng chiều vàng nhạt. Cành đa rủ xuống bến sông, tạo nên cảnh sắc hữu tình của một miền quê yên ả. Dẫu đi xa tận góc bể chân trời, nhưng tháng ngày ấu thơ bên bờ sông câu cá không thể nào quên được…
LÊ ĐỨC ĐỒNG