Sống mãi với bầu trời

02:06, 27/06/2012

Đêm cuối năm, trời tối đen như mực. Trước giờ nổ súng, không gian im ắng đến vô cùng...

Đêm cuối năm, trời tối đen như mực. Trước giờ nổ súng, không gian im ắng đến vô cùng. Điều gì đến đã đến, tốp F4 đầu tiên rời chiến hạm bay vào, những kẻ ăn đêm nhằm hướng Thủ đô Hà Nội lao tới, một phát pháo hiệu đỏ vút lên không trung, Hiếu nhanh nhẹn trèo vào khoang lái, tiếng đài chỉ huy vang lên trong ống nghe: “Đại bàng cất cánh!” “Nghe rõ cất cánh!”. Hiếu kéo tay ga, con én bạc gầm lên lao vút vào bầu trời đêm. Mấy anh chàng thợ máy tròn mắt ngạc nhiên: “thật khác thường!”, “chuyện, trai tơ mà lị”, “không bình thường đâu, nó nung nấu ý đồ gì đó cả tuần nay rồi đấy!” Trên cao, mình Hiếu nhào lộn giữa bầu trời, dõi mắt tìm kiếm trên màn hình ra đa. Tiếng thủ trưởng Mạnh lại oang oang trong tai nghe “Đại bàng chú ý 30 độ hướng bắc 4 quạ đen!” Hiếu bẻ cần lái theo sự chỉ đạo của cấp trên, một phút, hai phút, ba phút: đây rồi! “Đại bàng xin phép vào công kích!”. Liếc nhanh đồng hồ cự li, còn cách mục tiêu 1.500 mét, phải tiến gần nữa. Đã không dưới năm lần mình bắn trượt ở cự li này rồi, nghĩ vậy và tay trái Hiếu kéo mạnh tay ga, chiếc mích 21 như hiểu ý chủ, xé tan màn đêm xốc tới. 1.000 mét, nhấn cò... thằng phi công Mỹ cáo già nghiêng cánh lật mình tránh được quả tên lửa phóng ra từ máy bay Hiếu, nếu làm phép so sánh giữa phi công ta và địch thì số giờ bay của phi công ta chỉ bằng một phần mười bọn con ông cháu cha đất nước tư bản kếch xù ấy. Đất nước chúng giàu có cũng là nhờ gây chiến khắp nơi. Muốn hạ chúng giữa màn đêm khi mục tiêu di động cùng lúc bệ bắn cũng di động không phải cứ quyết tâm là được, gần chục lần xuất kích chưa bắn hạ được tên địch nào. Nhiều đêm nghe Hiếu thở dài. Chàng thư sinh Hà Nội ấy sục sôi lòng căm thù sau mỗi lần được tận mắt chứng kiến cảnh bom Mỹ tàn phá những làng mạc, đường phố thân yêu của Thủ đô ta. Bạn bè, đồng đội cứ liên tiếp lập công, còn mình thì... mọi chuyện thoáng qua trong đầu nhưng mắt Hiếu không rời những chấm sáng trên màn hình ra đa. Tình huống lúc này là cực kì khó khăn vì tốp máy bay địch đã thông báo cho nhau có “mích” Bắc Việt bám đuôi, Hiếu xin phép đài chỉ huy cho tùy cơ ứng biến vì yếu tố bí mật bất ngờ không còn nữa. Đài chỉ huy cho phép, Hiếu quyết định bám sát tên địch gần mình nhất lao thẳng vào nó bằng tốc độ siêu âm gấp hai lần tiếng động, thằng giặc lái Mỹ chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra với nó thì đã nghe một tiếng va đập cực kì dữ dội giữa hai khối sắt khổng lồ vào nhau rồi tan ra từng mảnh bay lả tả giữa bầu trời tối đen. 3 chiếc còn lại bàng hoàng khiếp kinh quay đầu vội vã lao nhanh về phía biển khơi. Bầu trời Tổ quốc đêm hôm ấy bình yên hơn mọi đêm, lặng lẽ ôm vào mình đứa con thân yêu. Nguyễn Xuân Hiếu đã sống mãi với bầu trời ở tuổi 22.

Câu chuyện này tôi kể cho Minh Phương nghe không biết lần này là lần thứ mấy mà cô vẫn muốn tôi kể mãi, có điều khác mọi lần là lần này cô đưa tôi tấm thiếp cưới của chính cô với một ông tiến sỹ đã gần tuổi thất thập, tôi thoáng ngạc nhiên nhưng không thể không chúc mừng cô đã tìm được mái ấm cho mình khi vừa cầm trong tay tấm sổ hưu. Bao nhiêu năm đã qua, cô thờ Hiếu như thờ chồng, mặc dù họ chỉ là đôi bạn thân ngày xưa ngồi chung một bàn, trong cùng một lớp, chưa một lần hôn nhau vì một lẽ thường tình: ngày xưa là như thế!

Năm ngoái, có việc về Hà Nội, tôi đến phố Đặng Dung thăm mẹ Hiếu và thắp nén hương tưởng nhớ Hiếu, đã thấy vợ chồng Minh Phương tíu tít làm cỗ dưới bếp rồi.

- Không có cái Phương thì sức mẹ còn làm được gì nữa. Thương nhớ con cũng chỉ thắp cho nó được nén hương.

Miệng bỏm bẻm nhai trầu, mẹ nói với tôi, ở cái tuổi 92 nhưng giọng mẹ không thều thào, vẫn trong và nét đúng giọng người Hà Nội gốc.

Năm nay 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, 40 năm, Hiếu ở lại với bầu trời. Tôi lại lỡ hẹn với Minh Phương không về Hà Nội thăm mẹ được. Thay vì việc ấy, tôi vẽ nên mấy dòng này thành nén hương nhớ Hiếu, cầu mong từ trên cao xanh, sống khôn, chết thiêng anh phù hộ độ trì cho những chiến hữu may mắn còn sống như tôi luôn mạnh khỏe, đủ nghị lực vượt qua mọi gian nan để sống cho ra sống, hẳn là nhìn xuống chúng tôi anh sẽ hài lòng, phải thế không anh Hiếu?

Tản văn: Dương Toàn Thắng