Buổi chiều từ đỉnh núi phía tây Huế trở về, thấy nằng nặng đôi chân, nhìn lại thì dan díu bao nhiêu là cỏ may bám đầy ống quần. Bèn ngồi lại bên gốc thông, lần gỡ cỏ may mà thoảng nhớ bao nhiêu thi phẩm đã lang thang cùng tấc lòng cỏ may này...
1. Buổi chiều từ đỉnh núi phía tây Huế trở về, thấy nằng nặng đôi chân, nhìn lại thì dan díu bao nhiêu là cỏ may bám đầy ống quần. Bèn ngồi lại bên gốc thông, lần gỡ cỏ may mà thoảng nhớ bao nhiêu thi phẩm đã lang thang cùng tấc lòng cỏ may này. Xưa lắm là Nguyễn Bính, đa tình vẫn giống đa tình: “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”. Gần nữa là Xuân Quỳnh, với bao nhiêu là mỏng manh: “Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như mây khói/ Ai biết tình anh có đổi thay?”. Một dấu chấm hỏi mà xốn xang bao thế hệ yêu thơ. Gần đây hơn là Phạm Công Trứ, cỏ may ảnh chiếu trong khung trời pha lê bao la tiếc nuối: “Em đi để lại nụ cười/ Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê/ Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may”...
Ôi buổi chiều, dan díu chi đây mà vọng tưởng bao người?
2. Lần về đến Nam Giao, đi ngang qua nhà hai tên tuổi lớn của văn đàn đất nước đã đi vào Nam. Nhìn cánh cổng thân quen ngày nào giờ đã khóa kín, lòng bùi ngùi, chợt nhớ bài thơ “Về chơi với cỏ” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người từng ở trong ngôi nhà sau cánh cổng này. Bài thơ vọng đó mà tác giả của nó hiện còn cưỡi gió phương Nam: “Thưa rằng người đã quên tôi/ Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may/ Một đường hoang một dấu giày/ Một người ngồi một tháng ngày bóng nghiêng.... Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa/ Có nàng xỏa tóc thiên nga/ Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa”...
Bao nhiêu lần Người thơ Hoàng Phủ đã thưa rằng, đã quỳ hôn, đã khóc òa như mưa?... Thơ Hoàng Phủ phảng phất bóng dáng hiệp khách giang hồ, mang nặng trữ tình, tiếu ngạo giang hồ đi qua cõi thế. Và nhiều khi, thơ ấy như một phiến mây bềnh bồng phận người, chở cỏ may đi rao lời thế gian.
Chợt nhớ nhiều bài thơ khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã từng như thế: “Thôi em cảm tạ bàn tay/ Anh so đời với những ngày vắng không... Bây giờ đã hết trò chơi/ Đã tàn cuộc rượu cho người ra đi...”. Nhớ một thời sinh viên Khoa Văn Tổng hợp Huế, trong những đêm trăng sáng, có một “lũ đười ươi” như trong thơ ông Tường vừa đi vừa gào thơ ông dưới bóng trăng suông: “Đêm qua nhớ lũ đười ươi/ Lang thang rũ một trận cười trong mây...”.
Chao ôi, văn thơ ấy của con người phía sau cánh cửa ấy, vốn xanh ưu tư màu cỏ cây và nặng bao tình xứ sở, đã từng nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ; giờ còn ai có trách nhiệm bỏ chút thời gian giở trang văn ấy để tri nghiệm chút tình cùng Huế?
3. Sở dĩ phải buông lên trời một dấu hỏi như thế, là bởi hình như nhiều người đã quên. Hành xử của xã hội gần đây đang tỏ ra thờ ơ với di tích xứ sở, thậm chí ứng xử vô phép với những di tích còn sót lại của những dòng họ đã từng đóng góp cho văn hóa. Chiều cỏ may nói với tôi rằng: Khi người ta đã quên đi những gì đáng phải nhớ, khi người ta đối xử bạc bẽo với những gì đã làm nên văn hóa cuốc đất, thì với họ, cỏ may cũng chỉ là cỏ may thôi...
Tản văn: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC