Phía sau “Khúc hát sông quê”

02:08, 24/08/2011

Để có những tác phẩm lay động lòng người, có sức lan tỏa lớn trong công chúng như “Khúc hát sông quê”, chắc chắn sự đồng cảm, đồng điệu giữa nhạc sĩ và thi nhân phải đến mức tri âm, tri kỉ như Bá Nha với Tử Kì ngày xưa.

Trong nghệ thuật, sự “kết duyên” giữa thơ ca và âm nhạc diễn ra khá lâu đời và bền chặt, vì một điều rất đơn giản: bản thân thơ ca đã chứa đầy nhạc tính. Đã có rất nhiều bài thơ được phổ nhạc và đã có rất nhiều giai điệu bay bổng với ca từ có gốc gác là thơ. Nhưng để có những tác phẩm lay động lòng người, có sức lan tỏa lớn trong công chúng như “Khúc hát sông quê”, chắc chắn sự đồng cảm, đồng điệu giữa nhạc sĩ và thi nhân phải đến mức tri âm, tri kỉ như Bá Nha với Tử Kì ngày xưa.
  
Thành công chói sáng của Nguyễn Trọng Tạo - Lê Huy Mậu với “Khúc hát sông quê” làm cho tôi liên tưởng đến R. Pauls - A.Voznesenski với ca khúc bất hủ “Triệu bông hồng”. Nhưng nếu R. Pauls khi phổ nhạc “Triệu bông hồng” gần như đã lấy trọn ý tứ, lời lẽ bài thơ của A.Voznesenski thì Nguyễn Trọng Tạo lại tinh giản đến mức không thể tinh giản hơn được nữa “Khúc hát sông quê”- một chương khá dài trong trường ca “Thời gian khắc khoải”* của Lê Huy Mậu. 
 
Ảnh: Binh Nguyên
Ảnh: Binh Nguyên

“Thời gian khắc khoải” ra đời 2002, gồm 9 chương với các tựa đề: “Lời thưa”, “Tháng chín”, Trích ngang”, “Ra trận”, “Mùa khô”, “Khúc vô thanh”, “Thời gian khắc khoải”, “Khúc văn xuôi” và “Khúc hát sông quê”. Trên nguồn mạch tự sự - trữ tình, chín chương của bản trường ca đã dựng lên “tiểu sử” một con người với những nét chân thực, cụ thể gắn với lịch sử quê hương, đất nước. Từ bản trường ca, chân dung tinh thần của nhà thơ đã hiện lên rõ nét: nặng tình, nặng nghĩa với quê hương đất nước, với gia đình, bạn bè, đồng đội… Trong trường ca của Lê Huy Mậu có yếu tố sử thi bởi đã bao quát cả một không gian khá rộng, một thời gian tương đối dài; nhưng âm điệu chủ yếu của tác phẩm là âm điệu buồn thương, day dứt được cất lên bởi một cái “tôi” luôn cảm thấy mình mắc nợ cuộc đời: “Nợ từng hạt lúa, củ khoai / Nợ từng câu ca dao, tục ngữ / Nợ cánh vạc, cánh cò / Nợ câu hát ầu - ơ…”. Đúng như tên gọi, bản trường ca là những nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi của nhà thơ. Trong chương 1, mở đầu với “Lời thưa”, Lê Huy Mậu đã tự nhận mình là một chú ve - “Vì mùa hè ve dứt ruột mà kêu”. Dẫu biết rằng thơ chỉ là hạt cát “trên sa mạc chữ” thì vẫn phải viết vì món nợ đối với quá khứ, với những người đã ngã xuống hôm qua. Mỗi câu thơ - một nén nhang cho người đã khuất. Thế mới biết Lê Huy Mậu rất mực khiêm nhường, một con người giàu tình nghĩa, thủy chung.
   
Theo dòng tự sự của bản trường ca, hình ảnh quê hương tác giả hiện lên đậm nét, một miền quê có những nét riêng với thiên nhiên khắc nghiệt, một miền quê nghèo khó: “Chút đuôi thẹo đầu thừa của núi của sông / Một doi đất lép kẹp và vẹo vọ / Tạo hóa thù chi đồng bãi cứ hẹp dần / Khoai lúa ít sinh sôi / Của cải chẳng sinh sôi / Lại sinh sôi nhiều thiên tai, bão lũ…” Trên nền hình ảnh miền quê ấy, có bóng dáng người mẹ hiền, lam lũ, tần tảo hết mực thương con: “Mẹ đi gặt / Đỉa quây kín chân mẹ / Không cả chút vôi bôi / Không cả chút thuốc lào cầm máu / Máu từ chân mẹ chảy thành dòng…” Có dòng sông quê: “Sông như thể là mẹ / Là quê / Là kỷ niệm / Sông là tuổi trẻ của tôi!” và có hình ảnh đồng đội trong những tháng ngày khói lửa chiến tranh: “những người lính giống nhau là rất trẻ / chỉ một phần trăm mối tình để kể / để cũng vắt vai như thể cả mối tình”…
  
Chương 7 khá đặc biệt với tựa đề: “Thời gian khắc khoải” (được chọn làm tên của bản trường ca). Từ cuộc sống no ấm, thanh bình của ngày hôm nay, nhà thơ nghĩ đến vong hồn của những người đã khuất. Có lẽ chỉ sau Nguyễn Du với “Văn tế thập loại chúng sinh”, Lê Huy Mậu là người thứ hai đã dành những trang viết xúc động cho những “hồn ma – kiếp người”, từ hồn ma đói đến “Những hồn tử sĩ, binh đao / Nước non trận mạc biết bao nhiêu lần”.
  
Khép lại bản trường ca là chương 9 - “Khúc hát sông quê”. Nhưng nếu tách ra, “Khúc hát sông quê” vẫn có thể đứng độc lập như một bài thơ đậm chất trữ tình mà giá trị của nó vẫn không thay đổi. Kết thúc tác phẩm bằng hình tượng con sông quê, Lê Huy Mậu muốn nhắn nhủ rằng con sông chính là cội nguồn, là nơi nương tựa, che chở cho con người: “quá nửa đời phiêu dạt / ta lại về úp mặt vào sông quê / như thuở nhỏ / úp mặt vào lòng mẹ / để tìm sự chở che…” Hình ảnh đất bờ con sông quê lở, bồi đắp phù sa cho những miền quê khác là biểu tượng của sự thiệt thòi, nhưng cũng là sự hy sinh cao cả: “có làng xóm nào sinh / có hòn đảo nào sinh / từ hạt đất bờ sông quê ta lở / như cuộc đời ta khuyết hao / để đắp bồi rờ rỡ / những sớm má hồng ríu rít cháu con ta…” Con sông quê cũng gắn với những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ: “tháng Ba phù sa sóng đỏ / cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng / tháng Năm / ta lặn bắt cá ngạnh nguồn / tháng Chín / cá lòng bong / ta thả câu bằng mồi con giun vạc / tháng Chạp / ta nếm vị heo may trên má em hồng…” Và trên tất cả, dòng sông quê hương có thể giúp cho con người gột rửa những “bụi bặm” của cuộc đời, thanh lọc tâm hồn mình để trở nên lương thiện hơn, trong sáng hơn. Hình ảnh: “một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng!…” trong ký ức đã nói lên rất nhiều về tình yêu quê hương, thái độ trân trọng quá khứ và niềm tin ở cuộc đời của nhà thơ.
  
Bằng cảm quan âm nhạc nhạy bén, cùng với sự tinh tế của một thi sỹ, Nguyễn Trọng Tạo đã nắm bắt và thể hiện một cách xuất sắc cái hồn của chương cuối bản trường ca. Có thể ví chương cuối của bản trường ca là bệ phóng cho sự thăng hoa những giai điệu ngọt ngào của Nguyễn Trọng Tạo. Tuy nhiên, vì có sự chắt lọc và cải biên nên lời bài hát không thể chuyển tải hết những ý tứ mà nhà thơ đã gửi gắm trong câu chữ của mình. Trong bài hát có câu: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi. Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”, nhưng theo nguyên tác, đây là một đoạn thơ với những hình ảnh có lẽ là “độc nhất vô nhị” trong thơ Việt Nam hiện đại: “quê hương ta nghèo lắm / ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn / ta mổ lợn / con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt / cá dưới sông cũng có Tết như người / trên bãi sông / ta trồng cây cải tươi / ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật / lúa gặt rồi - còn lại rơm thơm / trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…”
  
Hai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu có rất nhiều điểm tương đồng: cùng người xứ Nghệ, lại từng vào sinh ra tử và đều là những người con “tha hương”… “Khúc hát sông quê” là tiếng vọng của ký ức, là tình yêu quê hương chân thành và tha thiết của những người con xứ Nghệ xa quê. Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết: “Có gì lạ quá đi thôi / Khi gần thì mất xa xôi lại còn” (Thơ tặng người xa xứ). Với Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu, tôi tin khi gần tình quê chẳng những không bao giờ mất mà khi xa lại càng da diết, dữ dội.                                         
   
“Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, yêu thích “Khúc hát sông quê” từ những ngày còn lang thang trên đất khách quê người, tình cờ tôi được gặp Lê Huy Mậu tại Đà Lạt vào dịp anh lên khai mạc trại sáng tác của Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu trung tuần tháng 8 vừa qua. Một cuộc gặp ngắn ngủi nhưng đã cho tôi biết thêm nhiều điều về cuộc đời gian truân cũng như con đường văn chương của anh. Và tôi hiểu rằng phía sau “Khúc hát sông quê” là cả một bản trường ca.

 Đà Lạt ngày 21 - 8 - 2011
 
Hoàng Trọng Hà

* Lê Huy Mậu, “Thời gian khắc khoải”, NXBQĐND, Hà Nội - 2011
 

LÊ HUY MẬU

KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
(trích trường ca “Thời gian khắc khoải”)

Ngỡ như người đã hát thay tôi
ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi!!
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê
như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che…

Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng Chạp
ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành…

Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đến trọn đời ta sống

Quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có Tết như người
trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi - còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…

Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm…

Trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng !…