Một Khúc Quỳnh lặng lẽ

02:04, 18/04/2012

Nông Quy Quy, một cô giáo Tày làm thơ từ hồi trung học đã góp thêm tiếng thơ nữ cho Lâm Đồng. Quả đúng như nhạc sĩ Thụy Kha đã viết lời tựa, trong khi người ta đua nhau cách tân hình thức thì Nông Quy Quy hoàn toàn là tín đồ của chủ nghĩa “cổ điển tự nhiên”.

(Đọc KHÚC QUỲNH - thơ Nông Quy Quy - NXB Thanh Niên 2011)

Nông Quy Quy, một cô giáo Tày làm thơ từ hồi trung học đã góp thêm tiếng thơ nữ cho Lâm Đồng. Quả đúng như nhạc sĩ Thụy Kha đã viết lời tựa, trong khi người ta đua nhau cách tân hình thức thì Nông Quy Quy hoàn toàn là tín đồ của chủ nghĩa “cổ điển tự nhiên”. Điều đó được thể hiện trong Khúc Quỳnh:

                                  Ơi Quỳnh cánh mở liêu trai
                                  Kiêu sa dáng ngọc khoan thai ngập ngừng
                                  Trăng về xanh ngát trùng phùng
                                  Cung ngà khép mở lẫy lừng nguyệt hoa
                                                                    (Khúc Quỳnh)

Xin bạn đọc chớ vội cho là sáo mòn. Ở đây vẫn có nét đẹp cổ điển, đẹp vì nó quá tự nhiên. Những liêu trai, dáng ngọc, cung ngà…vv chỉ là phiến diện. Giấu một hồn thơ lặng lẽ bên trong, Nông Quy Quy muốn giữ lại chiếc bình cũ mà rượu vẫn mới nguyên đó thôi. Tuy nhiên, để tìm tòi một khuynh hướng ngôn từ cho thơ nào phải dễ. Kẻ để lạc mất mình trong sáng tạo cũng dễ hiểu, bởi đường thơ quá gian nan mà con người thì có giới hạn. Bởi vậy Quy Quy luôn tìm cách quay về với một góc lòng nội tại :

                                Như người khách lạ trở về đây
                               Khi nắng vàng phai nhạt cuối ngày
                               Để nghe chiều chảy đầy nỗi nhớ
                               Thổn thức gọi tên góc phố dài
                                                                 (Đức Trọng của tôi)

Nhưng khi đến một phiên chợ tình đúng nghĩa, đúng bản chất miền cao thì Nông Quy Quy mới tìm thấy mình trong ấy, giữa đất trời Mèo Vạc:

                               Anh tìm noọng(*) trong mù sương Mèo Vạc
                               Cho Phăng-xi - păng thổn thức đêm dài
                               Nghe trong gió tiếng khèn xa dìu dặt
                               Đưa tình về thơm ngát cả Khâu Vai
                                                                (Trong sương mù Mèo Vạc)

Đó có thể là kỷ niệm, cũng có thể là sự tưởng tượng. Nhưng điệu sli ở Cao Bằng thì rất thật trong mỗi lời thơ làm ấm lòng nỗi nhớ cố hương:

                               Chạm môi sli(**) giao duyên
                               Đêm núi khèn mơ màng
                               Trai Tày như chim én
                               Gái Tày như hoa xuân
                                                      (Gửi cố hương)

Có lẽ đây là lối đặc tả của Quy Quy, vừa đúng lại vừa hay. Thủ đắc một loại ngôn từ tự nhiên của cây cỏ, nắng gió cao nguyên, Nông Quy Quy thỏa sức bay nhảy:

                                Trời trong veo, dốc cheo leo
                                Bình minh mùa hạ suối reo nắng chào
                                Tiếng rừng tiếng lá lao xao
                                Hoa hương nắng gió ngọt ngào vùng cao
                                Sáng nay tiếng hót chơ-rao
                                Cài vào cái gió xôn xao gọi mùa
                                                            (Duyên dáng Tây Nguyên)

Vâng, bay nhảy được với thơ kể cũng đầy nội lực. Chính cái nội lực ấy, đã giúp một cô giáo thời mở cửa đứng vững trên bục giảng thời gian:

                                Ôi bụi phấn, bảng đen và mực tím
                                Mãi reo cười bên lớp lớp trò ngoan
                                Và giọng hát của trong ngần giáo án
                                Dưới đèn khuya lấp lánh tỏa trăng ngàn
                                                              (Bài ca bất tận)

“Bên lớp lớp trò ngoan…” cô giáo Nông Quy Quy đã được trẻ lại và duyên dáng tìm ra “gương mặt mùa thu” thanh thoát bên lề mùa đông đời người:

                                 Em tìm lại dấu thời gian đã mất
                                Tìm yêu thương sưởi ấm lại linh hồn
                                Và gương mặt của mùa thu thanh thoát
                                Lại hiện về trong sắc tím mùa đông
                                                          (Hoang vu ngày tháng)

Nhưng thời gian là quy luật của tạo hóa, một ngày lặng lẽ nào đó người ta sẽ dịu dàng nhận ra thời gian đã hiện diện qua màu nắng, màu sương và cả trong màu áo đương thì:

                               Lạnh nào khoanh hết nắng xa
                               Hình như vào nấp trong tà áo bay
                               Màu chiều bàng bạc sương mây
                               Lòng ta như nắng hao gầy mùa đông
                                                             (Cảm ơn mùa đông)

Đã nhận ra. Và đã biết thời gian ngắn ngủi như đóa quỳnh. Nhung tất bật vẫn cuốn ta đi. Chợt một sớm mai bên gương biết đóa hồng nhan tiều tụy:

                                Lạnh về se sắt hồng nhan
                                Vớt lục bình hỏi : tình nhân chốn nào ?
                                                                 (Hồng nhan)

Hỏi cũng là cách trả lời xa xăm. Tình nhân chính là nàng thơ. Thơ đã làm bạn với tác giả, một hồn thơ lặng lẽ tỏa hương. Có thể vì thế mà thơ Nông Quy Quy là những khám phá chính mình, một cách ưu tư với muôn nỗi đời mà không bi lụy…

(*) noọng tiếng Tày là em
(**) sli là điệu dân ca của người Tày

 NGUYỄN THÁNH NGÃ