Thường dân

02:04, 18/04/2012

Đông thì chật, ít thì thưa / Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân / Quanh năm chân đất đầu trần / Tác tao sau những vũ vần bão giông

Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông

Khi làm cây mác, cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao thôi có làm chi
Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi

Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
ồn ào mà vẫn lặng im
mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn

chỉ mong ấm áo no cơm
chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân

Lời bình:

Bài thơ "Thường dân" của tác giả Nguyễn Long đạt giải nhất cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ trẻ năm 2008. Thường, thơ lục bát dễ giãi bày tâm sự nhưng nếu không tạo ra được giọng điệu riêng thì nhịp thơ chậm, tính mực thước cân đối của thể thơ dễ gây nhàm chán. Truyện Kiều hàng ngàn câu đọc vẫn hay bởi sự tài hoa của Thi hào Nguyễn Du thổi hồn vào từng cặp lục bát, neo được vào lòng người đọc bởi sự cảm thông với thân phận con người, những vấn đề của đời sống xã hội đương đại.

Nguyễn Long chọn viết về "Thường dân" bằng một thể thơ dễ viết, khó hay nhưng anh đã vượt qua một cách ngoạn mục có lẽ nhờ ở sự phát hiện những chi tiết đời thường, phổ biến, nhạy cảm với cái giọng rủ rỉ vừa như tâm sự vừa sẻ chia có tính tự biện của xã hội. Tác giả nghĩ được cho bao nhiêu người, số kiếp thường dân chiếm số đông và đứng về phía họ. Hình tượng con người thường dân được nhà thơ chỉ mấy nét phác họa đã chạm khắc được thần thái, tính cách và vị trí xã hội: "Quanh năm chân đất đầu trần", hay "Ăn của đất, uống của trời - dốc lòng cởi dạ cho người mình tin". Có lẽ đây là những câu thơ hay khi viết về thường dân - vừa có chút ngang tàng nhưng đĩnh đạc, vừa có chất trượng phu quân tử nhưng khiêm nhường nhân hậu: "Ồn ào mà vẫn lặng im - mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn". Người thường dân ở đây mang một nét riêng của Người Việt - một đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh đã hun đúc bản lĩnh cương quyết nhưng cũng ứng xử rất nhân hòa: "Khi làm cây mác, cây chông - Khi thành biển cả khi không là gì - Thấp cao thôi có làm chi - Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi". Đó là một cách tự biết thật ung dung, lão thực - lão thực ngay cả trong đối nhân xử thế và ngay trong quan niệm sống chết muôn đời. Tác giả đã chạm được đến cái vỉa tầng sâu nhất đó là tâm linh dân tộc, và chính cái từ thế sống này mới neo được dải đất hình chữ S bên bờ biển cả có độ dài 4000 năm lịch sử. Tứ thơ được đẩy lên đến cái lõi nhân bản: "Chỉ mong áo ấm no cơm - chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành - hòa vào trời đất mà xanh". Chính cái "xanh rì màu cỏ" với "trời đất mà xanh" đã tạo ra gam màu tràn sức sống quật khởi của người thường dân hòa cùng thiên nhiên. Đây chính là Biểu - tượng - thơ đẹp nhất tôn vinh những người lao động mà "đông thì chật, ít thì thưa - chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân".

Câu kết của bài thơ chính là một chiêm nghiệm sống rất biện chứng: "Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân" đây là vẻ đẹp trí tuệ - một trí tuệ dân gian.

 NGUYỄN NGỌC PHÚ