Xao xuyến một tình yêu của người chiến sĩ

04:07, 11/07/2012

Trong văn đàn xưa nay, rất hiếm gặp những bài thơ của các nam nhà thơ viết tặng vợ. Thông thường, những vần thơ đẹp hay dành cho mẹ, cho em gái, cho người yêu, cho những” bóng hồng” lướt qua trong đời… Nói hiếm không phải là không có, nhưng ít; mà cái gì ít thì cũng quý, cũng thật đáng trân trọng.

Trong văn đàn xưa nay, rất hiếm gặp những bài thơ của các nam nhà thơ viết tặng vợ. Thông thường, những vần thơ đẹp hay dành cho mẹ, cho em gái, cho người yêu, cho những” bóng hồng” lướt qua trong đời… Nói hiếm không phải là không có, nhưng ít; mà cái gì ít thì cũng quý, cũng thật đáng trân trọng.

Tôi đã đọc rất nhiều thơ Hồ Minh, nhiều bài đã gây được ấn tượng mạnh, nhưng đến “Bài thơ tặng vợ”, tôi hết sức ngỡ ngàng bởi đây là một đề tài khó. Ấy thế mà, hơn một lần tôi lại bị cuốn hút bởi những câu thơ chân thực, đầy xúc cảm của tình yêu thương, sự cảm thông và lòng biết ơn đối với người vợ của “nhà thơ ngoại đạo” này.

Khổ thơ mở đầu như một sự dằn vặt trách móc bản thân bởi trong “gia tài thơ“ của mình anh “chưa viết được một câu nào cho vợ”. Đến hai khổ tiếp theo là những vất vả của người vợ thân thương. Từ việc lấy chồng khi còn rất trẻ, rồi sớm mồ côi mẹ, người vợ của Hồ Minh cũng phải buôn bán cần mẫn nuôi con nhưng không chỉ “Nuôi đủ năm con với một chồng” (Tú Xương) mà còn “Để chồng yên tâm làm tròn việc nước”. Điều này cũng phần nào cho thấy sự hy sinh của người vợ qua thời gian đã có sự tăng dần về cấp độ. Nhưng những vất vả hy sinh ấy cũng được bù đắp bởi một gia đình khá hạnh phúc khi có vợ, có chồng và hai đứa con ngoan: “Đứa lớn giống Cha vừa tuổi trăng tròn/ Đứa nhỏ giống Mẹ đang còn mẫu giáo”, nhưng cuộc sống như trò đùa số phận cứ thách thức, thử lòng con người ta, khi:

“Cơ quan anh cách nhà mấy bước/ Mà bao đêm em ngủ một mình/ Lễ tết… vợ người vui trước/ Còn em đành chấp nhận… vui sau/ Lấy chồng lính thời bình/ Thương mẹ, vợ chiến binh/ Hy sinh cá nhân mình/ Cho cuộc sống bình yên”.

Ở đây, ta thấy sự vượt thoát giữa hình ảnh người vợ của tác giả nói riêng đã trở thành biểu tượng của người vợ chiến sĩ Công an nói chung. Đọc những câu thơ này ta mới thêm hiểu những gì mà "người vợ chiến sĩ” trải qua, chịu đựng. Tú Xương cũng vì thương vợ mà đã phải thốt lên rằng "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”, nhưng người vợ trong thơ Hồ Minh không phải chịu sự vất vả đơn chiếc vì người chồng hờ hững, mà hy sinh để người chồng yên tâm canh gác an ninh đem lại sự bình yên cho nhân dân, cho Tổ quốc. Buồn chứ, cũng tủi thân lắm chứ khi mà ngày lễ, tết vợ người được quây quần sum vầy hạnh phúc bên chồng con, còn mình vò võ bao đêm cho dù nhà chỉ cách cơ quan mấy bước chân; niềm vui cũng chỉ được hưởng khi tiệc đã tàn canh. Đó là sự hy sinh cộng. Người chiến sĩ công an hy sinh bản thân mình để mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người thì bên cạnh đó phải nhờ có sự hy sinh của gia đình, đặc biệt là người vợ thì các anh mới “chắc tay súng”. Cũng phải nói thêm rằng, những người vợ vượt qua được hoàn cảnh ấy cũng nhờ vào sự tin tưởng ở người chồng của mình, bởi cho dù công việc có gian khổ vất vả đến đâu các anh vẫn luôn hướng trái tim, tình yêu thương, luôn dõi mắt về gia đình, nơi có người vợ hiền đảm đang tận tụy hy sinh vì chồng con, vì cuộc sống bình yên Tổ quốc.

Có câu nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Điều này hoàn toàn đúng khi chiến sĩ, nhà thơ nhận ra rằng “Nếu không có những người vợ hiền/ Chức vụ, bạc tiền… rồi cũng bằng không/ Thành tích tấm huy chương/ Đâu chỉ riêng của người được nhận”. Tổ quốc, nhân dân ghi nhận chiến công, sự hy sinh thầm lặng của các anh, đó là điều không có gì thay đổi. Thế nhưng các anh không nhận thành tích đó cho riêng mình mà luôn luôn biết rằng, những gì mình đạt được hôm nay là cả quá trình hy sinh, góp sức của người vợ. Ngườ xưa thường nói “Của chồng công vợ” hay “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, luôn đúng trong mọi thời điểm, hoàn cảnh. Nhờ có hậu phương vững chắc, sự động viên, tin tưởng, vun đắp đôi khi hy sinh của người vợ các anh mới yên tâm khi đến cơ quan; khi về nhà được sum vầy hạnh phúc bên vợ con, nên danh hiệu ấy các anh dành cho vợ là hoàn toàn xứng đáng, bởi: “Nếu đường đời đôi ta lận đận/ Thì anh cũng chẳng bận… mộng mơ/ Em vất vả lo việc nhà bếp núc/ Nên em là tất cả những trang thơ”.

Với “Bài thơ tặng vợ” Hồ Minh thể hiện bằng những câu chữ mộc mạc như chính tình yêu của mình, mà ở đó ta bắt gặp được những phút thật nhất của anh/người chiến sĩ công an dành cho người vợ thân yêu.

Khi đọc xong bài thơ, tôi tin rằng rất rất nhiều những ông chồng, đặc biệt là những người chồng công tác trong ngành An ninh sẽ tâm đắc. Nhạc sĩ Đình Nghĩ không là ngoại lệ, anh đã đồng cảm và phổ thành ca khúc "Tặng em một chút thơ tình” với những giai điệu mượt mà trong sáng. Giai từ ngân lên cứ xao xuyến một tình yêu.

Lời bình: CÁT MIÊN