Biết sắm tết gì đây / Cho người đang xa cách / Một trời hoa mở khép / Hoa nào cho đôi ta
Biết sắm tết gì đây
Cho người đang xa cách
Một trời hoa mở khép
Hoa nào cho đôi ta
Chợ gần vòng chợ xa
Bán mua toàn thiên hạ
Chợ mỗi ngày mỗi giá
Giá nào cho chia phôi
Biết sắm tết gì đây
Cho người đang xa cách
Mua gì cho đỡ rét
Bán gì vơi cô đơn
Chim chớp cánh sau vườn
Ngày dồn toa trên lịch
Biết sắm tết gì đây
Cho người đang xa cách
HỮU THỈNH
Lời bình
Thường, người ta đi sắm tết cho mình hay cho nhà mình đó là chuyện thường tình. Nhưng ở đây nhà thơ Hữu Thỉnh lại có tứ thơ lạ: Sắm tết cho người đang xa cách. Người đang ở xa thì biết sắm gì đây và gửi bằng cách nào? Vai trò hàng hoá của thị trường ở đây mang một nội hàm mới. Không phải là những thứ quà tết cụ thể mà là cung bậc tình cảm xa cách về địa lý và nhớ thương gấp bội khi ngày tết đến. Nói đến sắm tết thông thường người ta nghĩ đến chuyện mua hoa tết đầu tiên như một thú vui tao nhã điểm tô cho không gian ngày xuân thêm đậm sắc màu. Nhưng ở chợ tết này nhà thơ bỗng tần ngần lưỡng lự: "Một trời hoa mở khép - Hoa nào cho đôi ta", Đào chăng, Mai chăng hay là hoa Hồng. Sự tương phản của cảnh vật với tâm trạng đơn côi đã đẩy cảm xúc của nhà thơ thành cảm giác của sự thảng thốt bất an trước: "Chợ gần vòng chợ xa - Bán mua toàn thiên hạ - Chợ mỗi ngày mỗi giá - Giá nào cho chia phôi”. Ở đây chữ "giá" như một định tính chứ không còn là định lượng nữa. Từ trạng thái xúc cảm đơn lẻ của một người nhà thơ đã nhìn ra cái thương trường bất ổn của chợ đời khi giá cả đã chực len vào cả tâm thế của con người. Cái giá của sự chia phôi được đẩy lên ở một cung bậc khác: "Mua gì cho đỡ rét - Bán gì vơi cô đơn". Tôi rất thích hai chữ "đỡ" và "vơi" đầy trực cảm giữ lại được sự nồng ấm, bao dung và thuần hậu của một cốt cách "Thiền" lắng lại trước bao biến thiên dâu bể. Với lối nói ẩn dụ giàu tính biểu trưng này, thơ Hữu Thỉnh thành công khi viết về những sự thiếu hụt, dùng những chi tiết cụ thể của đời sống để ảo hoá biến đổi sang một trạng thái xúc cảm tinh thần khác mà vẫn giữ được nhịp tung tẩy vừa phải tinh tế đầy cảm thông. Chỉ mấy câu thơ bỏ ngỏ nói về một người mà lại nói được nhiều người, nói về một cảnh ngộ mà chia sẻ được với bao cảnh ngộ. Khổ thơ cuối đã chớp sáng được những nét rất riêng của tết: "Chim chớp cánh sau vườn - Ngày dồn toa trên lịch". Cái vụt đến, vụt đi dẫu sao vẫn là hi vọng. Cái dồn nén mỏng dần của thời gian trên toa - tàu - lịch lại bắt đầu về đến điểm xuất phát chuẩn bị cho một năm mới, khởi đầu cho một ước vọng mới. Hai câu thơ viết thật tài hoa bừng sáng dù có phải trăn trở mỏng manh. Thì ra chuyện sắm tết chỉ là cái cớ để thi sĩ được giãi bày tâm trạng của mình. Chính cái nhịp điệu "Biết sắm tết gì đây - Cho người đang xa cách" được nhắc lại ba lần với tần suất cảm xúc khác nhau lan toả để rồi trở lại chính mình. Bắt đầu từ hoa tết để kết về lịch tết chính là những định lượng cảm thức mỹ học như những nét phác hoạ của bức tranh tết xa cách trên tờ giấy điệp còn nguyên chất mùi hồ - hương vị của cuộc đời của tình yêu. Nói tết, nói cái vui để sống lại được trọn vẹn với nỗi buồn. "Sắm tết" là bài thơ hay viết về nỗi buồn thật đẹp.
NGUYỄN NGỌC PHÚ