Tháng ngày gương lược về đâu / Chân trời để xõa tóc màu cỏ non / Các cô nằm lại trên cồn / Những chùm bồ kết khô giòn trong cây
Tháng ngày gương lược về đâu
Chân trời để xõa tóc màu cỏ non
Các cô nằm lại trên cồn
Những chùm bồ kết khô giòn trong cây
Khăn thêu những dấu tay gầy
Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời
Người ơi, tôi lại gặp người
Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô
Nhang này quặn nỗi đau xưa
Tôi này tôi của cơn mưa về nguồn
MAI VĂN PHẤN
Lời bình
Bài thơ “Mười nén nhang ở Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Mai Văn Phấn được trao giải cao nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1995. Bài thơ lục bát viết giản dị mà ám ảnh, năm cặp lục bát với mười câu thơ như mười nén nhang thắp trên mộ mười cô ở Ngã ba Đồng Lộc. Bài thơ như lời khấn thầm độc thoại với những day dứt trong tâm tưởng: “Tháng ngày gương lược về đâu - Chân trời để xõa tóc màu cỏ non”. Ở đây nhà thơ đặt câu hỏi: “Gương lược về đâu” chứ không phải “Các cô về đâu”. Chính cái chi tiết này đã làm thổn thức lòng người bởi gương lược là hai vật bất ly thân luôn bên người để làm đẹp cho các cô. Từ cái cận cảnh “Gương lược” trên mộ các cô ống kính tâm trạng của nhà thơ bỗng nới rộng không gian: “Chân trời để xõa tóc màu cỏ non”. Một sự sống nhen nhóm và hồi sinh từ “tóc màu cỏ non” đến “Những chùm bồ kết khô giòn trong cây”. Bồ kết là thứ quả gội đầu quen thuộc và ở khu mộ mười cô cũng có cây bồ kết được trồng ở đó. Nhà thơ phát hiện thật tinh tế khi chùm bồ kết không khô giòn trên cây mà ở “trong cây” cũng như các cô đang nằm “trong đất”. Nhà thơ chọn mái tóc để đặc tả từ gương lược đến tóc màu cỏ non và hương thơm bồ kết tạo ra hình ảnh vấn vương xúc động lòng người.
Bút pháp của Mai Văn Phấn trong bài thơ này khá nhất quán, từ một chi tiết cụ thể đẩy lên khái quát mang tính biểu tượng: “Khăn thêu những dấu tay gầy – Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời”. Chính những liên tưởng đối xứng đan xen này đã tạo ra độ ngân vang trữ tình đó cũng chính là ý tưởng nhân văn khi viết về cái giá của sự hi sinh. Chính cặp đôi của hai câu thơ giữa bài như một nhịp cầu vồng lãng mạn bắc sang một sự thật chiến tranh khốc liệt: “Người ơi tôi lại gặp người – Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô”. Ở đây nhà thơ không nói “khói bom còn thổi” mà “hơi bom còn thổi”. Khói có thể bay và tan đi ngay nhưng hơi bom thì thời gian làm sao xóa nhòa được nó thấm vào cỏ cây, nó ngấm vào da thịt (Rụng rời cát khô hay là rụng rời da thịt của người đã mất). Hai câu thơ cuối như một lời tự vấn: “Nhang này quặn nỗi đau xưa” chữ “quặn” như xoắn lại trong ta bao dấu hỏi. Tự vấn cũng chính là sự thanh lọc tâm hồn: “Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn”.
Mở đầu bài thơ là tóc xanh cỏ non, là mây trắng và kết thúc là cơn mưa về nguồn gội mát rửa sạch cả hơi bom làm dịu cả cát khô. Khung cảnh thiên nhiên và con người tạo ra một hòa âm kết nối yêu thương và chia sẻ. Với Ngã ba Đồng Lộc nhiều nhà thơ đã viết. Mai Văn Phấn vẫn tìm ra cách riêng của mình: Anh không mô tả lại chiến tranh mà nốt nhấn sâu thẳm là tâm trạng của người hậu chiến với người đã khuất. Đây cũng chính là nén nhang thơ tri ân với cấu trúc một tứ thơ đẹp, kiệm lời nhưng có sức lan tỏa lay thức.Thơ hay là thơ đọc lên người ta có thể quên thơ chỉ còn lại tình người, còn lại cuộc đời…
NGUYỄN NGỌC PHÚ