Hoa phượng và hoa cúc

02:08, 14/08/2013

Mùa hè nằm ở giữa / Hai loài hoa hai đầu: / Phượng một đầu thắp lửa / Cúc một đầu vàng sao

Mùa hè nằm ở giữa
Hai loài hoa hai đầu:
Phượng một đầu thắp lửa
Cúc một đầu vàng sao

Trường rộng như nỗi nhớ
Ba tháng hè chia tay
Ba tháng hè rực rỡ
Cho đàn em vui chơi

Cho trái chín bình yên
Thóc cởi trần làm gạo
Tiếng ve trôi như thuyền
Chở mùa hè đi dạo

Chở đêm vào trái nhãn
Chở ngày vào trái dưa
Tiếng ve trôi bị cản
Vấp vào hương cúc đưa

Lập tức hoa cúc vàng
Gọi đàn em tới lớp
Nắng tháng sáu tháng năm
Trốn cả vào hoa cúc

Hoa phượng và hoa cúc
Đứng hai đầu mùa thơm
Tự nguyện làm lính gác
Cho mùa hè chín hơn


TRẦN MẠNH HẢO

LỜI BÌNH:

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là một trong những cây bút viết cho thiếu nhi được các em yêu thích. Thơ anh có những liên tưởng gợi cảm và thú vị. Anh nói: “Thơ là ký ức tuổi thơ còn sót lại”.

Bài thơ “Hoa Phượng và hoa Cúc” được nhà thơ triển khai trên cái trục tuyến tính có tính chất so sánh được các em tiếp nhận dễ dàng và đồng cảm. Hoa Phượng nở vào đầu mùa hè. Hoa Cúc thì khép lại mùa hè để bắt đầu chớm thu. Phượng rực rỡ màu đỏ, Cúc e ấp sắc vàng. Hoa Phượng cởi mở và sôi nổi làm bạn với sân trường, với lứa tuổi học trò. Còn Cúc thì lặng lẽ ánh lên tươi thắm sắc màu vàng tự tin và điềm đạm. Một khoảng cách mà gợi lên bao sự chuyển dịch về không gian về tính cách của lứa tuổi. Anh viết: “Mùa hè nằm ở giữa – Hai loài hoa hai đầu – Phượng một đầu thắp lửa – Cúc một đầu vàng sao”. Phượng thắp lửa thì đã đành ai cũng dễ nhận thấy nhưng Cúc nở màu vàng sao gợi cho ta về hình ảnh lá cờ Tổ quốc của mùa Thu Cách mạng tháng Tám. Thơ hay là từ những chi tiết thực bình thường nâng lên khái quát thành biểu tượng lớn hơn, có sức lay động hơn. Ở đây nhà thơ đã gợi cho các em hướng tới những tình cảm thiêng liêng. Trần Mạnh Hảo rất tài hoa khi anh viết: “Trường rộng như nỗi nhớ - Ba tháng hè chia tay”. Người ta thường nói: Trường rộng bao nhiêu mét vuông hoặc gấp đôi gấp ba sân bóng, nghĩa là những định lượng cụ thể. Ở đây nhà thơ ảo hóa bằng hình ảnh: “Trường rộng như nỗi nhớ”. Nỗi nhớ dù bâng khuâng xao xuyến bao nhiêu cũng hướng về ngôi trường thân yêu cất giữ bao kỷ niệm bồi hồi và từ ngôi trường bé nhỏ này được tỏa ra lan rộng theo bước chân các em trong kỳ nghỉ hè đến mọi miền quê. Không chỉ nói về hoa Phượng, hoa Cúc, nhà thơ nới rộng nồng độ ấm áp tình cảm bạn bè giao cảm với thiên nhiên, cảnh vật quen thuộc xung quanh mình với cái nhìn rất ngộ nghĩnh của trẻ thơ: “Thóc cởi trần làm gạo – Tiếng ve trôi như thuyền – Chở mùa hè đi dạo”. Ở đây chúng ta chú ý đến hình ảnh: “Thóc cởi trần” cho ta hình dung đám trẻ con ra sông tắm hò reo bên cầu ao bến nước rất mùa hè, rất sôi động. Tiếng ve mải miết râm ran gọi bầy từ bờ cây này đến lùm cây nọ tạo ra sự chuyển dịch mới có hình ảnh: “Tiếng ve trôi như thuyền”. Nhà thơ thật tinh tế, nhạy cảm khi nhìn ra: “Chở đêm vào trái Nhãn – Chở ngày vào trái Dưa”. Trái Nhãn có hạt Nhãn đen (như ta thường nói: Mắt đen như hạt Nhãn) gợi ra màu đêm. Còn trái Dưa đỏ tươi rực rỡ màu nắng, tươi xốp của ánh ngày. Cuối hạ, tiếng Ve bắt đầu nhạt dần, thưa dần chớm sang thu như hình ảnh: “Tiếng ve trôi bị cản – Vấp vào hương Cúc đưa”. Và mùa thu không còn tần ngần e ấp nép dưới bộ áo cánh sặc sỡ của mùa hè mà lên tiếng dịu dàng: “Gọi đàn em tới lớp” bắt đầu năm học mới. Mới hay, mỗi mùa mỗi hoa gọi đúng tên, đúng chức năng công việc thì ai cũng gắng để hoàn thành trọn vẹn. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã sáng tạo ra hình ảnh thật thú vị có sức thuyết phục cao: “Hoa Phượng và hoa Cúc – Đứng hai đầu mùa thơm – Tự nguyện làm lính gác – Cho mùa hè chín hơn”. Mùa hè chín là sự chín dậy ở trong lòng để có cảm xúc nhìn ra vẻ đẹp bí ẩn của mùa hè đã “Trốn vào trong hoa Cúc” khép lại một mùa Phượng Vĩ rực rỡ sắc hồng bước sang một mùa thu đằm thắm với tiếng trống trường năm học mới…

NGUYỄN NGỌC PHÚ