Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến, / Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về. / Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê, / Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi – Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
XUÂN TÂM
Bài thơ của nhà thơ Xuân Tâm (1916 - 2012) được in trong Thi Nhân Việt Nam viết cách đây đã hơn 70 năm (1941) mà bây giờ đọc vẫn man mác ngày hè. Nhưng có lẽ chỉ vấn vương với những ai mà cuộc đời họ ít nhất cũng bước vào tuổi lục tuần. Lớp người của làng quê xưa ai cũng một tuổi thơ trong sáng. Vẫn cắp sách đến trường, vẫn chăn trâu cắt cỏ, vẫn vi vu sáo diều và vắt vẻo lưng trâu trên tay cuốn sách. Khi nhẩm một phương trình toán học, khi mộng mơ theo áng văn chương.
Trang lứa chúng tôi thời học phổ thông chỉ đến lớp 10. Cấp I (lớp 1, 2, 3, 4), cấp II (5, 6, 7), cấp III (8, 9, 10). Càng học lên càng phải xa nhà. Những năm cấp III thường cách nhà hàng chục cây số trên huyện, trên tỉnh. Hàng chục cây số thời ấy là một khoảng không gian phải cân nhắc, bởi kinh tế eo hẹp, phương tiện thô sơ, đi lại khó khăn. Đứng trước bao trở ngại thì chỉ có con đường trọ học.
Ba năm học, mỗi năm chín tháng, chỉ còn lại chín mươi ngày gần gũi với bờ tre, đồng lúa, với cây đa, bến nước, cầu ao, nên mong lắm những ngày hè. Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ! Một khung cảnh thật hồn nhiên sống động. Hồn nhiên đến mức biến tất cả cái nóng bức của ngày hè tháng hạ thành mùa xuân! Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã/ Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu. Chính vì háo hức chờ đợi ngày hè mà Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ. Cái khó ngủ của tuổi học trò cũng thật vô tư đến nỗi biến khoảnh khắc sách bài là giấy cũ/ Nhớ làm chi - Thầy mẹ đợi, em trông. Đúng rồi, bao nhiêu sách bài bút nghiên hãy tạm thời gác lại. Nhớ làm chi khi phía trước là mái ấm tình thương, là người thân chờ đợi. Trên đường làng huyết phượng nở thành bông/ Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt. Ôi mùa hè, mùa hè của tuổi hồng! Tất thảy đều… khó nhốt cả niềm vui. Vui đấy, nhưng tuổi học trò vẫn luôn là biểu trưng của niềm tin và hy vọng, một niềm tin từ trang sách đầu đời, một hy vọng trời mai đầy ánh sáng.
Mùa hè đã găm vào ký ức tuổi học trò bao kỷ niệm bay bay như thơ, du dương như nhạc, xao xuyến bâng khuâng như mối tình đầu... Phải chăng đó cũng là nguồn cảm hứng để bao tâm hồn nghệ sỹ gặp phút thăng hoa. Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Cành phượng vĩ em cầm là tuổi thơ tôi mười tám… (Đỗ Trung Quân). Màu hoa phượng thắm như máu con tim/ mỗi lần hè sang kỷ niệm… (Thanh Sơn). Và đã có bao người từng bần thần mỗi khi giai điệu ngày hè bay lên từ những tuyệt phẩm Phượng hồng hay Nỗi buồn hoa phượng…
Năm học mới đã rất gần nên cánh phượng hồng càng thêm lưu luyến. Chỉ có điều ngày hè giờ đây không phải những ngày hè thời thi sỹ Xuân Tâm, mà là những ngày hè của lớp cháu con thời @ cách ông mấy thế hệ. Điều kiện khác xưa lắm rồi, phần đông chúng đâu được nhảy nhót ở miền quê, đâu nôn nao khó ngủ chờ sáng sớm bước lên tàu. Trước mặt chúng bây giờ thường là một thế giới ảo trên màn hình vi tính. Song chúng vẫn mong có một sân chơi mà lớp cha ông chúng ngày xưa từng có. Thông tin trên một số trang báo gần đây qua khảo nghiệm thăm dò cho thấy, trên 40% số em được hỏi muốn có những ngày hè hòa nhập với làng quê, trên 30% muốn dành thời gian phụ giúp gia đình, 16% thích học môn năng khiếu, chỉ hơn 12% muốn đi học thêm. Qua đây thấy rằng, lớp tuổi hồng vẫn mong có những ngày thỏa chí đúng nghĩa nghỉ hè trong một môi trường gần gũi với cây cỏ thiên nhiên. Vấn đề còn tùy thuộc vào sự ứng xử từ người lớn chúng ta - những người từng có những ngày hè, từng đi qua những năm tháng tuổi thơ một thời áo trắng.
Ngô Minh Bắc