Thêm bài thơ hay viết về tổ quốc

03:09, 04/09/2013

Trong những tình cảm nơi con người thì có lẽ lòng yêu nước là một trong những tình cảm chân chính nhất. Tổ quốc là bài thơ tiêu biểu cho thành công của Trần Ngọc Trác - một cây bút thơ quen thuộc ở Đà Lạt - Lâm Đồng.

Hầu như không một nhà thơ mang nặng ý thức công dân nào lại không từng viết về đề tài về Tổ quốc gần gũi mà thiêng liêng này. Tại sao vậy? Tôi nhớ tới câu nói sâu sắc của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Trong những tình cảm nơi con người thì có lẽ lòng yêu nước là một trong những tình cảm chân chính nhất. Tổ quốc là bài thơ tiêu biểu cho thành công của Trần Ngọc Trác - một cây bút thơ quen thuộc ở Đà Lạt - Lâm Đồng.

Hãy xem Trần Ngọc Trác đã bằng cách nào để tìm chỗ đứng, dẫu chỉ khiêm nhường thôi, trong bạt ngàn thi ca viết về Tổ quốc? Dễ thấy là tác giả chủ ý hướng thẳng tới nhận thức của ta để thuyết phục. Chính là bằng lối định nghĩa Tổ quốc là…, Tổ quốc là… trong từng khổ, thậm chí trong từng câu. Anh điềm tĩnh triển khai ý tưởng bao quát của bài thơ:

Tổ quốc
là dải đất
Mẹ xuống đồng cấy lúa
là bữa cơm con ăn
là bình yên giấc ngủ
là điệu hò mái đẩy sông quê.

Tổ quốc
trong chiếu chèo
Chị hai, anh hai hát câu quan họ.

Tổ quốc ngàn đời
vạn lời ca cổ
nối dòng sông
Ra biển mênh mang.

Tổ quốc
Là bản, là làng
Là hạt gạo tháng ba
Hạt mưa tháng bảy
Trai gái ra đồng
Vui mùa hội cấy.

Tổ quốc
Là những ngọn đảo xa
Đón triệu lời ca sóng vỗ
Giông tố đi qua.

                           (2004)

Trường Sa - Hoàng Sa luôn là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc
Trường Sa - Hoàng Sa luôn là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc


Không thể không liên tưởng tới những câu thơ chân chất mà lắng đọng của chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: …Đất là nơi em đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm… Cùng chung một thiên hướng ấy thôi! Tuy nhiên, không hoàn toàn giống với những bài thơ khác, Tổ quốc của Trần Ngọc Trác đã tác động tới tâm trí ta bằng một cách riêng ở hình ảnh và giọng điệu.

Một bài thơ không thật nhiều nhặn về câu chữ. Thế mà tác giả vẫn xác lập được chân dung của Tổ quốc khá là đủ đầy và chân thực. Như sự hiện diện của con người, Tổ quốc tồn tại ở cả phần “hồn” lẫn phần “xác”. Đây là phần “xác”: “là bản” ở miền ngược, “là làng” ở miền xuôi trải khắp cả ba miền Trung, Nam, Bắc; là “dải đất” thân thương hàng ngày Mẹ ta âm thầm xuống cấy; là “những ngọn đảo xa” muôn trùng sóng vỗ… Không chỉ có “đất”, Tổ quốc còn có “nước” của hàng trăm con sông hòa nhập với “nước” của biển cả “mênh mang” ngập tràn đến như vô tận! Còn phần “hồn”? Đó là những “chiếu chèo” rộng dài đồng bằng Bắc Bộ, những lời ca “quan họ” của liền chị liền anh quấn quyện khắp vùng quê Kinh Bắc, những câu dân ca mái nhì, mái đẩy ngân vang mọi triền sông chảy dọc miền Trung dằng dặc… Hơn thế, trong quan niệm nhất quán của người viết, “xác” và “hồn” của Tổ quốc tuyệt nhiên không hề tách rời nhau ra mà gắn quyện, hài hòa thành một chỉnh thể duy nhất: Tổ quốc ngàn đời/ vạn lời ca cổ/ nối dòng sông/ ra biển mênh mang… Quan niệm ấy đã truyền đến hiện tại từ quá khứ hào hùng. Chẳng phải chính Nguyễn Trãi đã từng tuyên bố dõng dạc trong bài Bình Ngô đại cáo từ đầu thế kỷ XV: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam có khác…!

Không thể bảo một lối nhìn như vậy về Tổ quốc là phiến diện cho được! Nhận thức của tác giả còn được nâng cao bởi sự chân thực trong nhiều chi tiết được chọn lựa khá kỹ càng. Chẳng hạn, không hiểu sao trong những “điệu hò mái đẩy sông quê”, ta vẫn kịp nhận ra sự cần mẫn, lam lũ từ ngày này qua ngày khác của những người dân hiền lành, hồn hậu chỉ có một ước mong duy nhất là được yên ổn sinh sống và làm ăn mỗi ngày. Cũng như vậy, nơi “hạt gạo tháng ba” kia vẫn không làm ta nguôi quên những “hạt mưa tháng bảy” đi liền ngay sau đó. Cứ như những hình ảnh song hành đến mức nghiệt ngã. Đặc biệt nổi lên là những cơn “giống tố” với cường độ khác thường hay nổi lên bất chợt ngoài biển Đông… Vậy nên, cái giá phải trả cho mong ước kết tụ ở “bữa cơm con ăn” ở “bình yên giấc ngủ” hàng ngày tưởng vô cùng bình dị mà tác giả nhắc tới trong bài thơ đâu có nhỏ! Hãy sống lại những năm tháng chiến tranh chưa lùi xa! Hãy liên tưởng tới bom đạn, máu xương vẫn đang đổ xuống hàng ngày tại nhiều nơi trên trái đất! Tôi nói nhận thức của nhà thơ không chỉ toàn diện mà còn chân thực là vì thế! Nhận thức đó đi liền với liên tiếp đến mức dồn dập những hình ảnh thơ bình dị, quen thuộc khởi phát từ mẹ, từ chị hai, anh hai, từ các chàng trai, cô gái trẻ trung của ta, cùng một giọng điệu thơ thủ thỉ, nhỏ nhẹ, nặng về giãi bầy, tâm tình đã thật sự làm nên sức thuyết phục âm thầm mà không thể nói là không da diết của bài thơ.

Như vậy, bài thơ của Trần Ngọc Trác đã phần nào có đời sống riêng của mình. Càng quý hơn giữa lúc này, khi vấn đề biển đảo đang hàng ngày, hàng giờ nổi sóng trong mỗi tấm lòng của người dân Việt Nam yêu nước. Có phải vì thế mà khổ kết của bài thơ Tổ quốc tự nhiên vang lên trong tâm trí ta với một âm hưởng vô cùng đặc biệt: Tổ quốc/ là những ngọn đảo xa/ đón triệu lời ca sóng vỗ/ dông tố đi qua.

PHẠM QUANG TRUNG